Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng thống Brazil, ông Luiz Inácio Lula da Silva đã tuyên bố sẽ đưa Amazon thoát khỏi hàng thế kỷ bạo lực, “cướp bóc” kinh tế, tàn phá môi trường và bước vào “giấc mơ Amazon mới”.
Rừng nhiệt đới Amazon có diện tích lớn gấp đôi diện tích của Ấn Độ, trải dài trên lãnh thổ của 8 quốc gia, trong đó 60% nằm trên lãnh thổ của Brazil.
Dù đóng vai trò quan trọng trong công cuộc chống biến đổi khí hậu, trong những năm gần đây, rừng Amazon đang bị tàn phá ngày càng nghiêm trọng.
Phá rừng là mối đe dọa chính với Amazon, đặc biệt tại khu vực Brazil. Vào thời của cựu Tổng thống Brazil Bolsonaro, việc thúc đẩy phát triển kinh tế đã đi liền với cắt giảm đầu tư cho vấn đề môi trường và bản địa, từ đó thúc đẩy nạn phá rừng và bạo lực gia tăng tại Amazon.
Các mối đe dọa khác là xây dựng đập thuỷ điện, khai thác gỗ, mỏ, khoan dầu... Thiếu đầu tư và cơ sở hạ tầng cũng đồng nghĩa phần lớn nước thải từ nhà máy đổ trực tiếp ra thiên nhiên, gây ô nhiễm và tàn phá môi trường.
Ngăn chặn nạn tàn phá rừng Amazon là một trong những lời hứa quan trọng của ông Luiz khi tranh cử Tổng tống Brazil. Kế hoạch trên được kỳ vọng sẽ chấm dứt 4 năm lãnh đạo “thảm họa” của người tiền nhiệm Jair Bolsonaro.
Chỉ vài tháng sau khi ông Luiz nhậm chức, các đại diện từ Bolivia, Brazil, Colombia, Ecuador, Gyana, Peru, Suriname và Venezueala đã tham gia hội nghị ACTO kéo dài 2 ngày tại Brazil, ngày 8 và 9/8.
ACTO được thành lập vào năm 1978 để thúc đẩy việc bảo tồn lưu vực sông Amazon và điều chỉnh sự phát triển của Amazon thông qua hợp tác. Các thành viên của nó là Bolivia, Brazil, Colombia, Ecuador, Guyana, Peru, Suriname và Venezuela.
Ông Luiz bày tỏ: “Hội nghị đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử bảo vệ Amazon và quá trình chuyển đổi xanh. Chưa bao giờ việc nối lại và mở rộng sự hợp tác về vấn đề Amazon lại khẩn cấp đến thế. Thách thức của thời đại chúng ta và những cơ hội phát sinh sẽ đòi hỏi hành động chung”.
Hội nghị là cơ hội để các nước tạo nên bước ngoặt đảo ngược tình trạng suy thoái tại khu rừng nhiệt đới này.
Hội nghị sẽ thảo luận nhiều vấn đề cấp thiết mang tính chiến lược trong việc phục hồi và phát triển bền vững cho rừng Amazon. Một trong những mục tiêu tiêu biểu là giảm nạn phá rừng Amazon xuống con số 0 vào năm 2030 sau nhiều năm bị tàn phá.
Nước chủ nhà Brazil còn hy vọng thông qua hội nghị lần này sẽ đưa ra một tuyên bố chung, thống nhất chính sách về bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon. Tuy nhiên, có nhiều thách thức trong việc thống nhất chương trình nghị sự lần này.
Chi phí là một trong những bài toán lớn nhất. Ước tính, để bảo vệ và biến Amazon thành động lực tăng trưởng kinh tế bền vững, Brazil cần đầu tư khoảng 533 tỷ USD từ nay đến năm 2050.
Ngoài ra, một cuộc tranh luận về việc khoan dầu gần cửa sông Amazon cũng đang diễn ra. Brazil đang cân nhắc về việc phát triển mỏ dầu khổng lồ nhằm mở rộng tiềm năng kinh tế nhưng vấp phải sự phản đối của những người bảo vệ môi trường.
Vấn đề bảo vệ rừng Amazon là thách thức không phải của riêng Brazil mà cần sự chung tay, góp sức của các nước trong khu vực và trên thế giới. Bởi lẽ, Amazon không phải khu rừng của Nam Mỹ mà còn là “lá phổi xanh của thế giới”.