Amazon thải ra nhiều carbon hơn lượng carbon hấp thụ vào trong 10 năm qua

GD&TĐ - Một báo cáo cho biết rừng Amazon thải ra khí quyển lượng carbon dioxide nhiều hơn gần 20% so với lượng carbon hấp thụ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chúng ta không thể phụ thuộc vào việc hấp thụ khí thải do con người gây ra của khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này.

Một báo cáo trên tạp chí Nature Climate Change tiết lộ rằng trong khoảng thời gian 2010 - 2019, lưu vực sông Amazon của Brazil đã thải ra 16,6 tỷ tấn CO2 và chỉ hấp thụ 13,9 tỷ tấn.

Tác giả Jean-Pierre Wigneron - một nhà khoa học tại Viện Nông học Quốc gia Pháp cho biết: “Chúng tôi đã dự đoán được tình huống này nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi có số liệu cho thấy rừng Amazon đã đảo lộn quá trình hấp thụ CO2.”

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng rừng nhiệt đới đang mất dần khả năng hấp thụ carbon.

Ông nói thêm: “Chúng tôi không biết rằng sự thay đổi có thể trở nên không thể đảo ngược vào lúc nào.”

Ngoài ra, theo nghiên cứu, nạn phá rừng và cháy rừng đã tăng gần 4 lần vào năm 2019 so với một năm trước đó, từ khoảng 1 triệu héc-ta lên 3,9 triệu héc-ta.

Việc áp dụng các chính sách bảo vệ môi trường của Brazil đang sụt giảm mạnh kể từ năm 2019.

Các hệ sinh thái trên cạn là một yếu tố quan trọng trong công cuộc hạn chế lượng khí thải CO2 đạt mức 40 tỷ tấn vào năm 2019.

Trong nửa thế kỷ qua, thực vật và đất đã hấp thụ khoảng 30% lượng khí thải dù lượng khí thải này tăng lên 50% trong giai đoạn này. Khí thải ở các đại dương cũng giảm hơn 20%.

Một nửa diện tích rừng mưa nhiệt đới của trái đất nằm ở lưu vực sông Amazon, có khả năng hấp thụ và lưu trữ carbon hiệu quả hơn các loại thảm thực vật khác. Tuy nhiên nếu khu vực này trở thành nguồn cung cấp CO2, thì việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ gặp khó khăn.

Nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế nhận định rằng những khu rừng bị suy thoái là một trong những nguồn phát tán CO2.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ