Trẻ em luôn cần kỳ nghỉ hè đúng nghĩa

GD&TĐ - Kỳ nghỉ hè của học sinh đang trôi qua rất nhanh. Tuy nhiên, làm thế nào để các em có một kỳ nghỉ hè bổ ích, đúng nghĩa sau một năm học căng thẳng vẫn là điều băn khoăn, lo lắng của không ít bậc phụ huynh.

Tham gia sinh hoạt hè tại khu dân cư giúp các em có những trải nghiệm thú vị trong những ngày hè. (Ảnh minh họa)
Tham gia sinh hoạt hè tại khu dân cư giúp các em có những trải nghiệm thú vị trong những ngày hè. (Ảnh minh họa)

Cha mẹ tạo ý nghĩa cho ngày hè của con

Lâu nay, dịp nghỉ hè được gọi vui là “học kỳ thứ 3” bởi lịch trình trải nghiệm mà các bậc cha mẹ “vẽ” ra ngay từ khi năm học còn chưa kết thúc và nhiều trẻ gần như không được tham gia lựa chọn.

Trên thực tế, trước mỗi kỳ nghỉ hè, việc gửi con ở đâu, cho con học thế nào, chơi ra sao là bài toán đau đầu với nhiều bậc phụ huynh. Ở thành phố, các khu tập thể cũ thì hầu như không có sân chơi cho trẻ, còn các khu chung cư mới xây, diện tích vui chơi lẽ ra là dịch vụ công ích thì đều bị thương mại hóa.

Bởi vậy, nếu không cho con đi học thêm cũng không có họ hàng ở quê để gửi thì đa phần phụ huynh sẽ chọn giải pháp “nhốt” con trong nhà “làm bạn” với máy tính, điện thoại hoặc thậm chí phải mang con lên cơ quan vì không có người trông nom.

Câu hỏi nhiều phụ huynh đặt ra là, ngày hè các em sẽ làm gì khi cha mẹ vẫn phải đi làm, không có điều kiện cho các em về quê hay tham gia các khóa học trại hè kỹ năng?.

Theo TS Vũ Thu Hương, nguyên Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, “Để mang lại những ngày hè vui chơi an toàn, đúng nghĩa cho trẻ, trước hết phụ thuộc vào nhận thức, quan điểm của mỗi gia đình. Các bậc cha mẹ, ngoài việc dành thời gian cho con, cần hướng dẫn trẻ tham gia các hoạt động góp phần giúp các em phát triển và hình thành thể chất, trí tuệ, nhân cách… một cách toàn diện”.

Trẻ cần được tôn trọng, có quyền được vui chơi nhưng cha mẹ cần giúp con hiểu nhiệm vụ của mình. Hãy cho trẻ cơ hội thảo luận về kế hoạch cho những ngày nghỉ hè mà chúng là nhân vật chính. Không nên quá gò ép trẻ theo ý kiến chủ quan của người lớn mà cùng con lên kế hoạch cho những ngày hè thực sự bổ ích và đúng nghĩa, phù hợp sở trường và mong muốn của con.

Tham gia làm việc nhà là hình thức trải nghiệm kỹ năng tuyệt vời cho trẻ (Ảnh minh họa)
 Tham gia làm việc nhà là hình thức trải nghiệm kỹ năng tuyệt vời cho trẻ (Ảnh minh họa)

Nghỉ hè sao cho đúng nghĩa và bổ ích?

Không nhất thiết phải cho trẻ tham gia các trại hè, khóa học kỹ năng mà ngay tại chính gia đình, các bậc phụ huynh cũng có thể tạo môi trường để trẻ có thể học được những kỹ năng bổ ích.

Các em không bao giờ là quá nhỏ để học về trách nhiệm và sự sẻ chia. Cha mẹ hãy tùy vào độ tuổi và khả năng của con để thu hút trẻ tham gia vào các công việc thường ngày trong gia đình, những việc mà trong năm học trẻ không có thời gian và cơ hội tham gia, như việc dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, mua sắm,…

“Khi được tham gia làm những công việc thường ngày, trẻ sẽ học được những bài học gắn liền với cuộc sống của mình, từ đó hình thành lối sống có trách nhiệm, biết chia sẻ, tính tự lập, không ỷ lại vào người khác.

Bên cạnh đó, khi được phân công công việc, những đứa trẻ sẽ cảm thấy chúng là người quan trọng, có ý nghĩa trong gia đình, từ đó tăng thêm tình cảm, sự gắn kết giữa các thành viên”, TS Vũ Thu Hương chia sẻ thêm.

Mặt khác, TS Vũ Thu Hương cho rằng, hầu hết trẻ nhỏ đều thích các trò chơi, trẻ sẽ rất vui nếu mình là người chiến thắng. Nắm bắt tâm lý đó, các bậc phụ huynh hãy lần lượt đưa ra thử thách và giới hạn thời gian cho trẻ hoàn thành thử thách ấy.

“Đó có thể đơn giản là đọc và tóm tắt một cuốn truyện ngắn trong vòng 2 tuần, tập chơi một môn thể thao mới trong 2 tháng hè, học thuộc 5 từ mới tiếng Anh mỗi ngày… Mỗi khi hoàn thành xong một thử thách, trẻ sẽ có mong muốn tiếp tục chinh phục các thử thách tiếp theo, từ đó tạo ra động lực học tập chủ động ở trẻ”, TS Vũ Thu Hương gợi ý.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, thay vì cho trẻ đến các lớp học thêm để kiểm soát trẻ, cha mẹ hãy cho con em mình tham gia các hoạt động ngoài trời tại các công viên, hội chợ vào những ngày cuối tuần.

Dưới sự hướng dẫn của các đoàn viên thanh niên, các em có cơ hội tham gia các trò chơi dân gian: kéo co, nhảy bao bố, ô ăn quan…; tham gia câu lạc bộ vẽ tranh, múa hát, võ thuật đây cũng là dịp để các em khám phá bản thân, phát huy tài năng.

“Các câu lạc bộ sinh hoạt hè tại khu dân cư là một môi trường lý tưởng để trẻ có thể phát huy được kỹ năng giao tiếp, mạnh dạn hơn trong các mối quan hệ, thể hiện tài năng của mình”, TS Vũ Thu Hương nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.