Kỷ niệm 49 năm thống nhất đất nước

Giá trị của hòa bình

GD&TĐ - Ralph Waldo Emerson từng nói: “Những chiến thắng thật sự và bền lâu là chiến thắng của hòa bình, không phải của chiến tranh”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Câu nói ấy thêm lần nữa nhắc nhở chúng ta - thế hệ không phải đi qua chiến tranh phải biết nâng niu, trân trọng giá trị của cuộc sống hòa bình ở hiện tại. Và, chúng ta càng phải biết ơn, trân trọng máu xương mà cha ông đã đánh đổi để có được đất nước độc lập, tự do, hòa bình như ngày hôm nay.

Trân trọng máu xương cha ông

Theo thống kê, cả nước ta có 1.146.250 liệt sĩ. Trong đó, có 191.605 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp; 849.018 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ và 105.627 người đã vĩnh viễn nằm xuống trong các chiến dịch khác để bảo vệ Tổ quốc.

Cả nước cũng có hơn 3.000 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; hơn 1 triệu thương bệnh binh, 187.000 người hoạt động kháng chiến và có con bị nhiễm chất độc hóa học; cùng đó là hàng vạn cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man...

Có thể con số thống kê trên vẫn chưa đầy đủ về những mất mát, đau thương mà đất nước chúng ta đã phải gánh chịu trong các cuộc chiến đấu giành lại độc lập, tự do và hòa bình cho dân tộc. Rõ ràng, suốt chín năm chống thực dân Pháp, hơn hai mươi năm chống Mỹ là quãng dài thời gian Việt Nam chìm trong khói lửa, đạn bom... Đau thương, mất mát như trời, như biển... không dễ gì qua những con số có thể nói hết được. Ai cũng cần biết và hiểu điều này để luôn sống đúng, sống tốt vì độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hòa bình - khát vọng của mọi thế hệ

Nói đến hòa bình là nói đến tình bạn, sự hòa hợp xã hội trong tình trạng không có thù địch, không có sự sợ hãi bạo lực; là mối quan hệ hiểu biết, tôn trọng, bình đẳng và hợp pháp giữa các quốc gia - dân tộc, giữa người với người, là khát vọng của toàn nhân loại.

Hòa bình là khát vọng chung của mỗi con người và tất cả quốc gia, dân tộc; bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết trong “Nhật ký hành trình” (1946): “Tuy phong tục mỗi dân mỗi khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau. Ấy là dân nào cũng ưa sự lành và ghét sự dữ”.

Thực tế ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, hòa bình gắn liền với độc lập, thống nhất, hòa hợp dân tộc. Nghĩa vụ của mỗi nhà nước là tạo ra hòa bình trong biên giới của mình, từ đó liên kết thành khu vực hòa bình để mở rộng thành thế giới hòa bình.

Chiến tranh - dù là chiến tranh chớp nhoáng hay kháng chiến trường kỳ, tổn thất sức người, sức của là không tránh khỏi; dù thắng hay thua, bên nào cũng có mất mát về vật chất, tinh thần. Vì thế, giá trị của hòa bình không đong đếm được qua một cuộc chiến, qua những con số; trải qua nhiều cuộc chiến liên tiếp như ở Việt Nam càng khó định lượng được đau thương, mất mát.

Do vậy, với niềm khát khao cháy bỏng về hòa bình, đất nước, dân tộc và nhân dân Việt Nam luôn thể hiện thiện chí muốn “làm một quốc gia tự do” trong khối Liên hiệp Pháp, muốn “hợp tác đầy đủ” với Mỹ vì hòa bình, tiến bộ và phát triển. Ngay trong năm đầu của nền dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Quốc hội Việt Nam đã sang tận Pháp tìm kiếm mọi cơ hội đàm phán với Chính phủ Pháp, thuyết phục chính giới Pháp nhằm giành độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam bằng hòa bình.

Nhạc sĩ Văn Cao gọi ngày 30/4/1975 là “Mùa Xuân đầu tiên” với “Mùa bình thường mùa vui nay đã về”, “Người mẹ nhìn đàn con nay đã về”. “Mùa bình thường” được đổi bằng “lớp cha trước, lớp con sau; đã thành đồng chí chung câu quân hành” với hàng triệu người Việt Nam hy sinh cho hòa bình độc lập tự do.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi lên đường sang thăm và đàm phán với nước Pháp đã viết thư “khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ”. Người lãnh đạo cao nhất của Đảng ngay từ khi Hiệp định hòa bình được ký kết đã trăn trở về “Vấn đề lớn nhất sau chiến tranh cần phải làm là hòa hợp dân tộc”.

Hòa bình là vô giá bởi giá trị của nó không chỉ khó lượng hóa, mà còn là điển hình của cả dân tộc Việt Nam anh hùng trong chiến tranh, nay chuyển sang thời kỳ xây dựng phát triển để đất nước “có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế”. Để giành được độc lập cho dân tộc, giữ trọn vẹn bờ cõi đất nước, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã dâng hiến tuổi xuân, sẵn sàng xả thân cho dân cho nước. Hàng nghìn nghĩa trang liệt sĩ, hàng nghìn tượng đài vẫn đang nhắc nhở chúng ta - những người đang được sống, làm việc và học tập trong môi trường hòa bình; là công dân của một đất nước độc lập tự do không bao giờ được lãng quên sự hy sinh ấy:

“Có những phút làm nên lịch sử

Có cái chết hóa thành bất tử

Có những lời hơn mọi bài ca

Có con người từ chân lý sinh ra”.

(Hãy nhớ lấy lời tôi! - Tố Hữu)

Hòa bình đã mở đầu cho hòa hợp dân tộc - một truyền thống khoan dung, nghĩa tình của dân tộc từ xa xưa. Còn nhớ, nhà Trần sau chiến thắng giặc Nguyên Mông, bắt được cả một hòm biểu xin hàng, nhưng Thượng hoàng sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc. Lại thấy, Nguyễn Trãi dặn “Lấy khoan hồng để bụng hiếu sinh” đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ