Từ thằng Nhỏ mồ côi thành chiến sĩ vệ quốc
Lê Văn Hinh quê ở Bình Định nhưng sinh ra ở Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang bây giờ). Bố mẹ mất sớm, không còn anh em, ông lưu lạc khắp nơi, chẳng nhớ nổi tên mình. May mắn ông được một người nhận về nuôi, đặt tên là Nhỏ. Nhưng không lâu sau thời cuộc thay đổi, ly tán, cậu bé mồ côi lang bạt sang tận Campuchia, rồi được nhận vào một trại trẻ, học võ thuật. Năm 16 tuổi, một chị nuôi trong trại tiết lộ “những đứa nào giỏi võ, nhanh nhẹn sẽ bị đưa vào hoàng cung làm thái giám”, Nhỏ sợ quá, chỉ kịp lấy một nắm xôi rồi bỏ trốn.
Xung quanh là rừng, chẳng biết trốn đi đâu, Nhỏ theo trí nhớ trước kia chạy theo phía rừng U Minh, trở về Việt Nam. Đói, gặp gì ăn nấy: Quả dại, ngọn cây, ếch nhái… lúc lả đi chỉ lờ mờ biết có 4 người đàn ông tìm thấy mình. Khi tỉnh dậy, được cho ăn, uống nước, Nhỏ thấy mình đã lọt vào một ngôi làng. “Mọi người nói tiếng gì tôi nghe không hiểu, có lẽ là tiếng Việt Nam, nhưng xa xứ lâu ngày tôi không nhớ nữa, chỉ biết nói tiếng Campuchia thôi, cũng chẳng biết chữ. Một người đàn ông hỏi tôi bằng tiếng Campuchia, tôi kể lại mọi chuyện. Rồi ông hỏi tôi biết làm gì, tôi trả lời biết võ rồi chạy ra sân đánh uỳnh uỵch, tôi cũng biết cưỡi ngựa giỏi”, ông Lê Văn Hinh kể lại. Rồi các ông ấy hỏi tôi có đi làm liên lạc cho các ông ấy? Tôi thấy họ là người tốt, cho mình ăn uống, không đánh đập nên đồng ý.
Tháng 5/1945, Lê Văn Hinh gia nhập Tiểu đoàn Trương Định rồi sau này làm cảm tử quân Tiểu đoàn 307, cùng nhân dân miền Tây Nam bộ chống Pháp. Năm 1952, Lê Văn Hinh vinh dự là một trong 8 chiến sỹ thi đua toàn quốc đầu tiên về chiến khu D dự Liên hoan anh hùng, chiến sỹ thi đua cụm 21 tỉnh Nam bộ.
|
Chiến sĩ biệt động thành Lê Văn Hinh
Tháng 10/1954, Lê Văn Hinh bị thương ở chân và được đồng đội khiêng cùng đoàn thương binh hơn 1.000 người tập kết ra Bắc. Lúc này, ông mới chính thức lấy tên mình là Lê Văn Hinh. Cái tên được ghép từ tên 2 đồng đội thân thiết đã hi sinh và tên dòng sông Hinh, để nhớ quê hương gốc gác của mình ở Bình Định.
Do mang nhiều viết thương nên ông phải mất khá nhiều thời gian điều trị tại trại 14, Hà Nội. Trong thời gian này, ông đã được 3 thương binh cùng phòng dạy cho biết chữ. Sau khi điều trị vết thương, Lê Văn Hinh được phân công về Tiểu đoàn 5, Sư đoàn 338 đóng quân ở Xuân Mai (Hòa Bình), sau đó điều về Quân khu 4, tham gia huấn luyện đặc công. Tại đây, ông gặp và nên duyên với cô công nhân nhà máy điện nổi tiếng xinh đẹp Nguyễn Thị Bưởi (SN 1941, trú TP Vinh, Nghệ An) mà ông luôn tự hào gọi là “vợ Hoa Bưởi của anh”.
Tháng 2/1962, trước yêu cầu của tình hình mới, Lê Văn Hinh được giao nhiệm vụ sang Lào giúp nước bạn diệt phỉ Vàng Pao. Hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, được triệu tập về nước và trở lại chiến trường Nam Bộ, tham gia hoạt động với nhóm tình báo của nữ Anh hùng Đinh Thị Vân ở nội thành Sài Gòn với mật danh H5. “Tôi lấy cái tên đó vì lúc này tôi đã có 5 người con, tên đứa nào cũng bắt đầu bằng chữ H”, ông hóm hỉnh lý giải.
Mùa Xuân 1975, cuộc chiến đấu của dân tộc bước vào giai đoạn chuẩn bị hối hả, khẩn trương cho trận tổng tiến công cuối cùng. Theo sự phân công, ngày 18/4/1975, anh lính biệt động Lê Văn Hinh tìm cách lọt vào Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn với cấp hàm thiếu úy và đột nhập vào Dinh Độc lập với vị trí lính bảo vệ. Trước đó, lần gặp anh Tư Chu (Đại tá Nguyễn Đức Hùng, nguyên Chỉ huy trưởng Lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định) trong một căn hầm trú ẩn ở Củ Chi, Lê Văn Hinh được trao cho 1 khẩu súng, 1 con dao và 1 huy hiệu không quân Mỹ. “Anh Tư Chu nói với tôi, huy hiệu này có thể cứu sống anh trong khi làm lính biệt động, nhưng cũng có thể giết chết anh…”.
Giờ khắc lịch sử
Sáng 30/4, người lính biệt động nhận được lệnh phải vô hiệu hóa hệ thống điện bảo vệ vòng ngoài của Dinh Độc lập, tạo điều kiện cho quân Giải phóng tiến vào. Trạm điện được khóa và luôn có người bảo vệ. Thời gian gấp gáp, không còn cách nào, Lê Văn Hinh đánh liều nói với viên thiếu tá cảnh sát canh trạm điện: “Giờ cấp bậc và chức vụ chẳng là cái gì. Tôi và anh, sống cùng sống, chết cùng chết. Chúng ta đóng hết cầu dao điện lại. Quân Giải phóng sắp vào rồi, chúng ta cùng là người một nước cả, biết mình làm vậy quân Giải phóng tha cho, không chừng còn ghi nhận công lao cho anh em mình”.
Viên thiếu tá không nói gì, tra chìa vào ổ khóa trạm điện rồi im lặng bỏ đi. Chỉ chờ có vậy, ông nhanh chóng cắt toàn bộ nguồn điện của tòa nhà. Từ trong Dinh Độc lập, chứng kiến xe tăng, những đoàn lính mang cờ giải phóng rầm rập tiến vào, mà trống ngực ông đánh thình thịch, cảm xúc lâng lâng, nước mắt cứ thế chảy thành dòng.
“Đến giờ, tôi vẫn không biết viên thiếu tá đó là ai, tên gì, số phận của anh ta sau cuộc chiến ra sao”, Lê Văn Hinh nói. Hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, người lính đặc công trở về đơn vị. Cuối năm 1975, ông được ra Bắc an dưỡng theo chế độ của thương binh 2/4. Những vết thương cũ có, mới có từ cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ hành hạ khắp cơ thể và cả 1 mảnh đạn ở trong đầu vẫn chưa lấy ra được. Nhưng ông quyết định xin về nhà, về TP Vinh, Nghệ An nơi có vợ và 5 con nhỏ.
Giờ đây, ở tuổi 90, ông vẫn minh mẫn, trí nhớ tốt. Trong căn nhà nhỏ ở phường Bến Thủy, TP Vinh, có một góc riêng ông dành để cất giữ kỷ niệm suốt cuộc đời kỳ lạ của mình. Phía trên, ông treo lá cờ giải phóng miền Nam sao vàng nền xanh và đỏ. Bên dưới là ảnh Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, huy hiệu lính Mỹ “hộ thân” trong thời gian làm biệt động, sách báo, tấm bản đồ Đô thành Sài Gòn và treo tranh vẽ xe tăng tiến vào Dinh Độc lập. “Tôi tự vẽ bức tranh đó theo trí nhớ suốt hơn 1 tháng. Nó không đẹp được như họa sĩ vẽ, nhưng là ký ức thiêng liêng, vô cùng sâu đậm. Và tôi cũng đã góp một phần nhỏ trong thời khắc lịch sử đó của dân tộc”, chiến sĩ đặc công Lê Văn Hinh tự hào.