Gia tăng lao động trẻ em vì… dịch bệnh

GD&TĐ - Theo nhiều nghiên cứu và thống kê, dịch bệnh, không được đến trường là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến gia tăng tình trạng lao động trẻ em.

Trẻ em mắc kẹt trong lao động bị tước mất tuổi thơ, sức khỏe tổn hại, mất cơ hội thoát nghèo và phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Ảnh minh họa.
Trẻ em mắc kẹt trong lao động bị tước mất tuổi thơ, sức khỏe tổn hại, mất cơ hội thoát nghèo và phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Ảnh minh họa.

Tiếp cận an sinh xã hội để trẻ được đến trường

Trẻ em mắc kẹt trong lao động bị tước mất tuổi thơ, sức khỏe tổn hại, mất cơ hội thoát nghèo và phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Khi bỏ học, các em có thể kiếm được một khoản nhỏ nhưng có thể bị đói nghèo cả đời.

Những cú sốc về kinh tế và trường học bị đóng cửa do đại dịch đồng nghĩa với việc những lao động trẻ em có thể phải làm việc trong thời gian dài hơn hay điều kiện làm việc tồi tệ hơn. Bên cạnh đó, rất nhiều trẻ khác có thể bị buộc làm việc trong những hình thức lao động khi các gia đình phải đối mặt với tình trạng mất việc làm và thu nhập.

“Khi đến thăm các trường học, đặc biệt là ở nông thôn, tôi nhận thấy có một số trẻ em phải lao động quá sức so với lứa tuổi. Các em chỉ khoảng 9, 10 tuổi nhưng đã phải làm việc cả ngày. Điều này rất nguy hại và khiến trẻ dễ bị tổn thương hơn, có nhiều nguy cơ hơn, kể cả bị buôn bán”, nhà báo Lê Phương Dung, truyền hình Quân đội Nhân dân chia sẻ.

Hiện, có nhiều nguyên nhân trẻ không được đi học, trước hết là do bỏ học. Phần là vì các gia đình buông lỏng quản lý, giáo dục con em mình hoặc bận rộn với công việc mà không chú ý, đôn đốc việc học tập của con cái. Nhất là những học sinh lêu lổng, ham chơi, cá biệt, những học sinh có sức học yếu, hổng kiến thức chán học, không theo kịp chương trình cũng dễ bỏ học,…

Theo cô Lê Thị Thền (Hiệu trưởng Trường THCS số 2 Mường Khương, Lào Cai), nguyên nhân học sinh bỏ học trước hết là do hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, các em muốn nghỉ học đi lao động phụ giúp gia đình, nhất là vùng núi, biên giới, hải đảo, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, lạc hậu. Thậm chí, ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học, hoặc nạn tảo hôn dẫn đến xa trường học. Trong số những thanh niên Việt Nam không được đi học trung học, có tới gần một nửa bị đói nghèo ngăn bước đến trường.

“An sinh xã hội hiện nay cho phép các gia đình tiếp tục cho trẻ em đến trường ngay cả khi kinh tế khó khăn. Vì vậy, chú trọng việc học tập của trẻ sẽ giảm thiểu nguy cơ lao động trẻ em”, cô Thền nói.

Cần giải pháp thúc đẩy việc làm thỏa đáng cho người trưởng thành

Theo một báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế, hàng triệu trẻ em trên thế giới đang đứng trước nguy cơ trở thành lao động trẻ em do tác động của đại dịch Covid-19. Một mô hình mô phỏng cho thấy con số này có thể tăng lên 46 triệu nếu trẻ em không được tiếp cận với các cơ chế an sinh xã hội thiết yếu.

Ở Việt Nam, từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù chưa có con số thống kê chính thức, song do tác động, ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, các cơ quan, đơn vị chức năng liên tục cảnh báo nguy cơ gia tăng lao động trẻ em. “Việc sử dụng lao động trẻ em chỉ mang lại những lợi ích tạm thời trước mắt, nhưng ảnh hưởng lâu dài về nhiều mặt. Trẻ em phải làm những công việc không phù hợp với độ tuổi, vừa gây tổn hại về sức khỏe, tinh thần, vừa giảm cơ hội học tập, còn gia đình và xã hội sẽ thiếu lực lượng lao động chất lượng cao trong tương lai. Đồng thời tạo ra vòng luẩn quẩn giữa nghèo đói và lao động trẻ em từ thế hệ này sang thế hệ khác”, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam trăn trở.

Theo ước tính, có hơn một triệu trẻ em từ 5-17 tuổi đang tham gia lao động trẻ em tại Việt Nam. Hơn một nửa trong số đó đang làm những công việc lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

“Covid-19 có thể khiến nghèo đói gia tăng. Từ đó cũng sẽ dẫn tới tăng lao động trẻ em vì các hộ gia đình phải sử dụng mọi phương cách có thể để tồn tại. Nghiên cứu tại một số quốc gia cho thấy khi nghèo đói tăng 1 điểm phần trăm thì lao động trẻ em sẽ tăng theo ít nhất 0,7 điểm phần trăm”, ông Đặng Hoa Nam nói.

Cũng theo đại diện Cục Trẻ em, mặc dù đã có những nỗ lực đáng kể, Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác vẫn còn hiện tượng lao động trẻ em trong khu vực kinh tế phi chính thức. Việc kiểm soát và xử lý các vi phạm liên quan đến lao động trẻ em, đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức còn nhiều bất cập. Trong đó năng lực phát hiện và can thiệp của cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương và thanh tra lao động còn hạn chế.

Trong khi đó, nguồn lực đầu tư, bố trí kinh phí để triển khai chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em còn hạn chế từ Trung ương tới địa phương. Một số địa phương không phân bổ hoặc phân bổ kinh phí rất hạn hẹp để triển khai thực hiện chương trình. Hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ. Do vậy việc triển khai, thực hiện còn gặp nhiều khó khăn…

Cô Lê Thị Thền cho rằng, để hạn chế việc sử dụng lao động trẻ em, cần nỗ lực cung cấp an sinh xã hội đầy đủ cho tất cả mọi người. Cùng với đó, cần tăng mức chi cho giáo dục có chất lượng, tạo điều kiện cho mọi trẻ em được đi học trở lại. Ngoài ra, cần nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy việc làm thỏa đáng cho người trưởng thành, giúp các gia đình không phải sử dụng trẻ em để tăng thêm thu nhập. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho hệ thống bảo vệ trẻ em cần được tăng cường…

“Càng trong đại dịch, vai trò của gia đình, nhà trường và thầy cô giáo càng phải nâng cao hơn nữa. Cha mẹ cần quan tâm tới đời sống sinh hoạt, nguyện vọng của con. Mỗi thầy cô cần thấu hiểu tâm tư, suy nghĩ của học trò để nắm bắt động viên kịp thời. Đặc biệt là trong đại dịch, trẻ không được đến trường, vì thế để giảm thiểu lao động trẻ em cần sự chung tay của toàn xã hội”, cô Thền nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...