Ngày 16/8, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - Nguyễn Thị Thanh Lịch vừa kí văn bản tăng cường thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trên trẻ em.
Cụ thể, thời gian qua tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều, nhất là trong khoảng thời gian học sinh nghỉ hè và mùa mưa.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 15 vụ làm chết 22 trẻ. Đáng chú ý, vào khoảng 14 giờ ngày 17/7, 3 cháu H. Hm, Hy. (cùng SN 2014) và Blunh (SN 2016), cùng trú thôn Dôr 2 (xã Glar, huyện Đak Đoa) đến chơi tại khu vực hồ của ông Hl. (SN 1964, trú thôn Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa) thì bị ngã xuống nước tử vong.
Các vụ đuối nước trẻ em xảy ra nhiều tại các địa bàn Chư Prông, Đak Đoa, Krông Pa. Trong đó đuối nước tại ao, hồ, đập, mương nước 10 vụ (chiếm 66,67%), tại sông, suối 4 vụ (chiếm 26,67%) và thác nước 1 vụ (chiếm 6,66%). Trong đó, trẻ tử vong dưới 6 tuổi chiếm 27,73%, từ 6 đến 10 tuổi chiếm 45,45% và trên 10 tuổi chiếm 26,82%.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc trẻ em đuối nước là do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, thiếu sự quan tâm, nhắc nhở, giám sát con em. Bên cạnh đó một số địa phương chưa thường xuyên rà soát, cắm biển cảnh báo tại những nơi nguy hiểm. Ngoài ra, nhiều chủ ao, hồ, nhất là các khu vực phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp thiếu trách nhiệm, chủ quan không làm rào chắn hoặc làm nhưng không đảm bảo an toàn, không làm biển cảnh báo nguy hiểm... Đồng thời nhiều trẻ em không biết bơi và chưa được trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Mặt khác, hiện nay đang trong thời gian mùa mưa, học sinh nghỉ hè, thường đến các ao, hồ, sông, suối để chơi, tắm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, nhất là khu vực nông thôn.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác bảo vệ trẻ em, nhất là phòng ngừa đuối nước.
Đối với Sở GD&ĐT, UBND tỉnh yêu cầu chỉ đạo nhà trường phối hợp chặt chẽ với gia đình trong công tác quản lý và chú trọng giáo dục kỹ năng sống, phòng ngừa bạo lực học đường, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh.
Còn UBND các huyện, thị xã, thành phố phải thường xuyên chỉ đạo cấp xã, thôn, làng rà soát các hố sâu, ao, hồ, sông, suối, khu vực thường xảy ra đuối nước hoặc có nguy cơ đuối nước để vận động, chỉ đạo lắp đặt rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm...
Đặc biệt, quan tâm đầu tư, xây dựng và tổ chức các lớp dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước, phổ cập bơi cho trẻ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, quan tâm kêu gọi xã hội hoá đầu tư các bể bơi tư nhân tại địa phương góp phần nâng cao kỹ năng bơi, rèn luyện sức khoẻ và phòng tránh đuối nước cho trẻ em.