Những bà mẹ “đẻ con thuê” cho người giúp việc

GD&TĐ - Cuộc sống bận rộn, nhiều bà mẹ thuê người giúp việc chăm con. Trong số đó, không ít chị em giao phó con hoàn toàn cho người giúp việc. Lâu dần, đứa trẻ chỉ biết đến mẹ “ô sin” và không nghe lời bố mẹ đẻ.

Ảnh minh hoạ: IT
Ảnh minh hoạ: IT

Vô tình thành người lạ

Chuyện bố mẹ là người địa phương này nhưng con lại nói giọng của tỉnh khác, nói đúng ngôn ngữ hay tiếng lóng của người giúp việc không còn lạ. Bởi những ông bố, bà mẹ kia không thường xuyên ở bên cạnh chăm sóc các con.

Trẻ ở nhà tiếp xúc chủ yếu với người giúp việc nên sẽ nói theo giọng vùng miền đó.

Không chỉ là câu chuyện về giọng nói hay ngôn ngữ. Nhiều đứa trẻ, vì được giúp việc chăm sóc, ôm ấp từ nhỏ nên hoàn toàn phụ thuộc cũng như trao tình cảm cho người gần gũi với mình nhất. Đó cũng là cuộc chiến khiến đôi khi cha mẹ phải “giành” lại con về với mình.

Nhiều người mẹ, khi công việc quá bận rộn, tối về cũng muốn được nghỉ ngơi nên chỉ chơi với con một chút, rồi giao lại con cho người giúp việc ru ngủ. Thậm chí, nhiều người mẹ mới sinh, không có người giúp đỡ, họ cũng thuê ngay một người giúp việc để ngủ cùng bé, chăm sóc bé buổi đêm khi quấy khóc, và mẹ ngủ ngon lành trong một căn phòng khác cho đến sáng.

Tất nhiên, việc sau sinh, phụ nữ sức khỏe yếu hơn, cần được nghỉ ngơi để phục hồi cũng như giảm căng thẳng là điều cần thiết.

Thế nhưng, nó khác hoàn toàn với việc giao phó tất cả mọi việc liên quan đến con cái mình cho người lạ. Nếu cứ như vậy, đến một ngày, chính cha mẹ lại trở thành “người lạ” với trẻ. Bởi con mình chỉ ăn những món người giúp việc làm, chỉ ngủ với người giúp việc. Thậm chí chỉ có người giúp việc mới dỗ được con bạn.

Chị Nguyễn Thu Hoài – cán bộ Tín dụng ngân hàng Vietinbank chia sẻ: Công việc khá bận rộn, tối lại thường về muộn, sau khi nghỉ 6 tháng thai sản, chị đã thuê ngay giúp việc về chăm con giúp, bởi không còn cách nào khác.

Ban đầu, cũng chỉ muốn người giúp việc trông trẻ khi mình vắng nhà, nhưng lâu dần, chị ỷ lại người giúp việc toàn bộ việc chăm sóc con, về nhà chỉ chơi với con một chút, rồi con lại ngủ cùng người giúp việc.

Khi trẻ lớn hơn chút, con không theo mẹ mà chỉ có người giúp việc mới dỗ dành con được. Điều này khiến chị chạnh lòng và bình tâm để xem xét cũng như sắp xếp lại việc nhà. Khi đó, chị chợt nhận ra, con mình đang lớn lên theo cách mà giúp việc chăm sóc và dạy dỗ.

Đừng giao phó con cho người giúp việc

Trên thực tế, nhiều cha mẹ trẻ còn vướng bận chuyện kiếm tiến, phấn đấu ở cơ quan hay công việc quá mệt nhọc, thậm chí là những người nổi tiếng thường xuyên phải đi xa nhà lâu ngày... Thế nhưng, nếu vì điều đó mà giao phó hoàn toàn con trẻ cho một người giúp việc, có thể hậu quả sẽ khôn lường.

Chuyên gia tâm lý Lê Hải Ninh – Bác sĩ tâm lý chăm sóc sức khỏe trẻ em và phụ nữ cho rằng: Nếu cứ giao phó con cho người giúp việc, bạn đã biến con mình thành con người khác.

Hãy quan tâm tới chuyện ăn ở sinh hoạt của con hơn, hãy dành những buổi tối để thủ thỉ tâm tình cùng trẻ. Hãy dành nhiều thời gian hơn để hiểu về sở thích của con cái. Nếu không biết, hãy hỏi qua người giúp việc. Bởi đối với trẻ, sự chăm sóc không chỉ là cung cấp cho con nhiều tiền để có đời sống vật chất đủ đầy, mà thế giới tình cảm, tinh thần mới quan trọng hơn cả.

Nếu cha mẹ còn không hiểu được tính cách, sở thích, đặc điểm của con bằng người giúp việc thì làm sao có thể dạy con, giúp con trưởng thành theo cách mà cha mẹ mong muốn.

Nhiều cha mẹ khi “thức tỉnh”, thấy con có nhiều biểu hiện giống hệt như người giúp việc, bác sĩ Lê Hải Ninh khuyên rằng, nên uốn nắn chỉnh sửa dần dần, bởi trước đó, trẻ không được chính tay bạn chăm sóc và dạy dỗ. Thay vào việc quát nạt, mắng mỏ, hãy dạy trẻ và lồng ghép vào những câu chuyện vui vẻ. Vì tâm lý trẻ nhỏ luôn thấy sự mắng chửi, chúng sẽ cho rằng bố mẹ không còn yêu thương chúng nữa, từ đó lại mong muốn ở với người giúp việc hơn.

Điều này cũng phần nào giúp các bậc phụ huynh tỉnh táo, nên tìm người giúp việc có kinh nghiệm trông trẻ và tuyển chọn kỹ lưỡng, thường xuyên quan tâm đến chuyện ăn ở của trẻ và chú ý những điều trên trước khi giao con cho người giúp việc.

Khi giao con nhỏ cho người giúp việc chăm sóc thì bố mẹ cũng nên quan tâm xem con ăn ngủ ra sao. Để nhận biết được người giúp việc có yêu thương con mình không, cha mẹ có thể nhận ra bằng việc nhìn vào ánh mắt của họ khi họ chăm con và quan sát nhiều ngày liền trong từng cử chỉ với bé để thấy rằng sự ân cần đó có phải sự thật tâm hay không.

Trên mạng xã hội có rất nhiều trường hợp người giúp việc đánh đập, dọa nạt trẻ con, thậm chí là bắt cóc, chính vì vậy, tôn trọng người giúp việc và coi họ là người thân thiết cũng có những lợi ích, nhưng chuyện dạy con, đừng hoàn toàn giao hết cho họ.

Cô giáo Đỗ Thu Hằng – Giáo viên Trường Tiểu học Đại Yên (HN) chia sẻ: “Nhiều năm dạy học, tôi có kinh nghiệm trong việc nhìn nhận sự lớn lên của trẻ. Học sinh được cha mẹ quan tâm chăm sóc có sự phát triển về tâm lý, tình cảm, thể chất ổn định hơn so với nhiều trẻ đa số ở với người giúp việc.

Ở đây không phải chê bai hay nhận định tiêu cực về việc dạy dỗ, chăm sóc của những người trông trẻ, mà con cái muốn khôn lớn, trưởng thành thì cần nhiều hơn thế, chứ không chỉ chuyện đến giờ đi tắm, đến bữa cho ăn…

Vì vậy, nếu cần phải thuê giúp việc, hãy giúp họ chăm con theo cách của mình và cũng đừng ỷ lại hoàn toàn vào họ. Cha mẹ hãy gần gũi con nhiều hơn, để con cảm nhận được tình yêu thương và lớn lên trong tình yêu thương ruột thịt ấy”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ