Thuê người giúp việc, đề phòng con bị bạo hành

Chỉ vì ăn chậm, làm ồn, không ít trẻ đã bị người giúp việc tát má, véo tai, túm chân dốc ngược… tại chính ngôi nhà của mình.

Thuê người giúp việc, đề phòng con bị bạo hành
Thue nguoi giup viec, de phong con bi bao hanh - Anh 1

Chăm sóc trẻ là công việc đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn, tận tâm

 Sự việc chỉ bị phanh phui khi các phụ huynh nghi ngờ nên đã lắp camera theo dõi. Dù những người giúp việc này đã bị đuổi việc nhưng hậu quả để lại ở những đứa trẻ khá nặng nề…

Từ véo tai, tát má đến túm chân, dốc ngược!

Những ngày qua dư luận lại xôn xao khi những hình ảnh một đứa trẻ ở Mỹ Đình, Hà Nội bị người giúp việc đánh đập khi cho ăn, được đăng tải trên một diễn đàn mạng. Được biết, người giúp việc này mới được chủ nhà thuê từ sau Tết, do một người quen giới thiệu.

Thời gian đầu, bà ta làm việc khá chăm chỉ, song càng ngày càng có biểu hiện lười biếng, cẩu thả, đặc biệt là trong việc trông trẻ. Được sự cảnh báo từ hàng xóm, chủ nhà đã lắp camera theo dõi và vô cùng đau xót khi thấy con mình bị bạo hành khá nhiều lần. Theo những hình ảnh được đưa lên mạng, người giúp việc trong khi cho bé ăn mắt vẫn dán vào tivi. Khi bé tỏ ý không muốn ăn, bà ta lập tức đánh, tát vào mặt, vào cổ bé hoặc véo, giật tai em bé, thậm chí ấn cả cốc nước vào mặt trẻ.

Trước đó, một đoạn clip khác ghi lại cảnh người giúp việc bạo hành bé trai 3 tuổi được chia sẻ trên mạng xã hội Facebook của một bà mẹ trẻ ở Hà Nội cũng khiến người xem phẫn nộ. Đoạn clip cho thấy, trong lúc tắm cho cháu bé, người giúp việc bóp miệng bé trai, dùng khăn tắm nhúng nước bịt miệng khiến bé ho sặc sụa.

Còn tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, tháng 3 vừa qua, cơ quan công an đã tiếp nhận đơn tố cáo của một phụ huynh có con 8 tháng tuổi bị người giúp việc có hành vi bạo lực kèm hình ảnh được camera của gia đình ghi lại. Theo anh N.T.V (cha cháu bé), con anh bị người giúp việc túm chân, dốc ngược, lắc mạnh. Vào thời điểm sự việc bị phát hiện, trên người cháu bé xuất hiện 2 vết bầm tím ở cơ quan sinh dục. Tại cơ quan công an, người giúp việc này đã thừa nhận các hành vi như tố cáo trên.

Sau khi xem những đoạn clip trên, không ít người đã bày tỏ sự giận dữ, bức xúc. Chị Vũ Thu Thảo - nhân viên ngân hàng ở quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, trông trẻ là công việc khá vất vả, đặc biệt là với những đứa trẻ hiếu động nên người giúp việc không tránh khỏi mệt mỏi, cáu gắt.

Tuy vậy, nếu chỉ vì lý do này mà có hành vi bạo lực đối với trẻ là không thể chấp nhận được. “Thực tế có những đứa trẻ khi ở với những người giúp việc không dám khóc, không nô nghịch và ăn rất nhanh nhưng khi ở với bố mẹ thì ngược lại. Phụ huynh lại xem đó là dấu hiệu đáng mừng vì thấy con mình ngoan, rất sợ và nghe lời giúp việc nhưng trên thực tế có thể trẻ đã bị đánh đập, dọa nạt. Do vậy, điều quan trọng nhất khi thuê người giúp việc chăm sóc trẻ phụ huynh phải có biện pháp giám sát chặt chẽ” - chị Thảo khuyến cáo.

Thận trọng kẻo hối không kịp

Dù trông trẻ là công việc khá phức tạp, đòi hỏi người giúp việc phải có tình thương yêu và những kỹ năng nhất định, song điều đáng nói là hầu hết những người được thuê trông trẻ hiện nay không được đào tạo về kỹ năng chăm sóc trẻ, có trình độ thấp. Một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị người giúp việc đánh đập là do họ có tâm lý ích kỉ, ghen tị với điều kiện sinh hoạt của chủ nhà ngay cả khi họ được đối xử khá tốt.

Còn trong trường hợp gia đình chủ nhà có sự phân biệt, coi thường người giúp việc thì việc họ bạo hành trẻ chính là một cách để trả thù. Ngoài ra, khối lượng việc nhà hàng ngày khá nhiều cũng khiến người giúp việc không giữ được bình tĩnh, họ rơi vào trạng thái căng thẳng về mặt tâm lý, dẫn đến mất kiểm soát về nhận thức và hành vi, không còn tỉnh táo để suy nghĩ về hậu quả việc làm của mình - Tiến sỹ tâm lý Trịnh Hòa Bình nhận định.

Trẻ bị bạo hành không chỉ bị đau đớn về thể xác mà còn bị tổn thương về tinh thần, luôn rơi vào trạng thái hoảng loạn, lo sợ, ăn ngủ kém, thậm chí bị ám ảnh bị bạo lực trong thời gian dài.

Để đảm bảo an toàn cho con em mình, thời gian đầu thuê người giúp việc, phụ huynh phải chú ý quan sát nhằm phát hiện kịp thời những biểu hiện bất thường ở trẻ, như: Nếu con mệt mỏi, mắt đỏ, có thể bé đã khóc rất nhiều; còn nếu trẻ tỏ ra sợ sệt, hoảng loạn có thể bé đã bị bạo hành.

Khi tìm người giúp việc, các gia đình cần đến các trung tâm uy tín, chọn kỹ người có nhân thân tốt, biết chăm sóc trẻ con. Để có căn cứ giải quyết khi phát sinh tranh chấp sau này, việc thuê người trông trẻ cần được xác lập bằng văn bản, trong đó có đầy đủ thông tin cá nhân, quyền và nghĩa vụ của cả 2 bên. Khi thuê người giúp việc, chủ nhà cần khai báo tạm trú tại chính quyền địa phương, đồng thời giám sát bằng nhiều cách khác nhau như lắp camera theo dõi, về nhà đột ngột không báo trước vài lần trong ngày, nhờ sự hỗ trợ từ hàng xóm…

Khi phát hiện con bị đánh đập, ngược đãi, phụ huynh cần tỏ thái độ rõ ràng, nghiêm khắc cảnh cáo người giúp việc, trình báo công an nếu hành vi bạo hành ở mức độ nghiêm trọng. “Điều quan trọng nhất đối với trẻ chính là tình thương yêu, sự quan tâm, chăm sóc từ cha mẹ. Do vậy, để trẻ phát triển toàn diện, tránh rủi ro, các bậc phụ huynh cần sắp xếp thời gian ở bên con mình nhiều nhất có thể” - Tiến sỹ Trịnh Hòa Bình đưa ra lời khuyên.

Theo ANTĐ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ