Kính trọng không phải “nhiệm vụ”

GD&TĐ - Cổ nhân có câu “kính già, già để tuổi cho” để răn dạy con trẻ biết hiếu với các bậc cao niên. Thế nhưng, không ít bậc phụ huynh đã dạy con kính trọng người già như một “nhiệm vụ”.

Ảnh minh họa. IT
Ảnh minh họa. IT

Chuyện không của riêng ai

Lên thăm con được 3 ngày, hàng xóm của cụ Hoài (68 tuổi, quê Bình Định) khá bất ngờ khi ông tức tốc khăn gói ra bến xe về quê. Hỏi ra, cụ kể, lên đây được 3 ngày, con thì bận rộn tối ngày, về ăn xong lăn ra ngủ. Cháu lo đi học thêm hết cái này, cái kia… thành ra mỗi mình cụ ở nhà ngồi xem tivi. Cụ chia sẻ, đã mấy tháng nay con, cháu không về thăm nhà nên rất nhớ, muốn lên Sài Gòn thăm nhưng “tụi nó quá bận rộn làm kiếm tiền, nhiều việc”, cụ kể.

Còn với bác Lĩnh (quê Ninh Thuận), từ nhiều năm qua đã chuyển hẳn vào sống cùng gia đình con cái tại Sài Gòn. “Nhiệm vụ” của bác là đưa rước cháu nội đi học để phụ vợ chồng con trai làm ăn, kinh doanh ở Bình Dương. Nhiều hôm con cái bận đến nỗi không về nhà, hai ông cháu tự lo chuyện ăn uống, học hành…

Bác kể: Lúc rảnh rỗi hay rủ vài người bạn già cùng quê tới nhà con chơi, đàm đạo chuyện xưa thì… các con, cháu “cau có, khó chịu vì ồn ào, mất công phục vụ mệt người, vô bổ…”. Thậm chí còn buông những câu nói khó nghe. Dù rất buồn nhưng bác vẫn không nói ra, chỉ im lặng bởi thương con, thương cháu.

Câu chuyện của cụ Hoài, bác Lĩnh không hề hiếm trong xã hội ngày nay. Với những đứa trẻ, ai rồi cũng trưởng thành, có cuộc sống riêng, bao nhiêu thứ phải lo lắng cho tương lai, dường như mải mê chạy theo những thứ ngoài xã hội mà quên đi rằng, cha mẹ cũng cần sự quan tâm, chăm sóc khi về già. Con cái họ cũng rất cần sự dạy bảo, quan tâm, yêu thương đúng nghĩa của cha mẹ, họ hàng, láng giềng cũng như sự gắn kết.

Theo thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Mỹ Linh, mặc dù xã hội hiện đại, nhịp sống nhanh nhưng nhiều gia đình vẫn duy trì truyền thống văn hóa sum họp cùng nhau dịp lễ Tết. Con cháu hiếu thảo, kính trọng, chăm lo cho ông bà, bố mẹ, người thân. Quan tâm sẻ chia với hàng xóm, láng giềng, họ hàng… Nhiều thế hệ gia đình vẫn giữ được những lễ nghĩa, truyền thống tốt đẹp của người Việt là “kính già, già để tuổi cho”.

Tuy vậy, cũng không ít người gặp áp lực lớn với chuyện tiền bạc, công việc, thời gian nên đã vô tình quên đi những mối quan hệ thiết thực xung quanh mình. Với nhiều người nhập cư ở đô thị lớn, cả năm không về thăm ba mẹ, quê hương, họ hàng. Họ cũng dần quên đi mối quan hệ tình làng nghĩa xóm vì vòng xoay của cuộc sống mỗi ngày.

Việc chăm sóc, quan tâm, phụng dưỡng cha mẹ không phải ai cũng có thể làm được và làm tốt. Chính vì vậy mà không ít người lớn tuổi cũng cảm nhận rõ rệt… “cô đơn trong chính ngôi nhà của mình”. Vì thế, cần biết hài hòa giữa các mối quan hệ, dành thời gian cho gia đình nhỏ, gia đình lớn của mình, đặc biệt là quan tâm, chăm sóc cho người lớn tuổi trong gia đình.

Theo chuyên gia tâm lý Cao Cang, Giám đốc Công ty giáo dục miền Nam, không chỉ là thiếu quan tâm, chăm sóc, hiếu thảo… mà trong bất cứ xã hội nào vẫn còn tồn tại những sự việc hết sức đau lòng như con cái bạc đãi, bạo hành cha mẹ, coi cha mẹ là gánh nặng. Ngày nay, do sự phát triển của phương tiện thông tin đại chúng nên thông tin được truyền đi khắp mọi nơi. Chính vì vậy, ngoài nhà trường, vai trò giáo dục của gia đình là vô cùng quan trọng. 

Bố mẹ coi thường, con sẽ không kính trọng

Theo thạc sĩ Mỹ Linh, để con cháu biết kính trên nhường dưới, người lớn cần làm gương cho trẻ nhỏ, tận dụng biện pháp nêu gương. Khi cha mẹ đối xử tốt, biết quan tâm tới ông bà qua hành động, qua lời nói, trẻ cũng sẽ học được điều đó.

Đồng quan điểm nói trên, chuyên gia tâm lý Cao Cang, cho rằng, với trẻ con không có gì bằng biện pháp nêu gương. “Chúng ta muốn dạy cho trẻ quan tâm tới ông bà, yêu thương, kính trọng thì chính người lớn cần làm điều đó trước”.

Điều đó có thể bắt đầu từ những hành động rất nhỏ, đó là sự hỏi han bằng lời nói, sự quan tâm như: “Ba mẹ có đau nhức chân không, để con với cháu xoa bóp cho” hay “Mẹ ơi, có món ăn này mẹ thích, trên đường về con ghé mua cho mẹ…”. Đặc biệt là người lớn không nên buông lời nói, hành động thiếu tôn trọng người lớn tuổi, nhất là ông bà trước mặt con trẻ.

Theo chuyên gia tâm lý Cao Cang, nhiều khi chúng ta buông những câu nói như “ông bà thì hiểu gì đâu, trẻ giờ nó khác rồi” hoặc “Mấy ông bà hàng xóm nói linh tinh, con đừng nghe…” chính là đang không tôn trọng người lớn tuổi, dễ làm họ tổn thương, nghĩ ngợi… Dĩ nhiên, trẻ con bắt chước rất nhanh, và chính chúng sẽ lặp lại như thế với ông bà nếu bố mẹ có những lời nói, hành động không tôn trọng ông bà.

Ngoài biện pháp nêu gương, hãy dạy cho trẻ thể hiện cảm xúc, tình cảm của mình với cha mẹ, với ông bà. Bởi thực tế, có rất nhiều người gặp khó khăn khi để nói ra những suy nghĩ của mình với cha mẹ, ông bà, bạn bè. Cha mẹ hãy dạy trẻ biết thể hiện cảm xúc, lời nói của mình từ những chuyện rất đời thường như mua hoa, tự làm thiệp tặng ông bà bố mẹ, nói những lời yêu thương…

Đặc biệt, để trẻ hiểu và tôn trọng ông bà, người lớn tuổi, những người xung quanh cũng dạy cho trẻ mối quan hệ trong gia đình, mối quan hệ thiết thực trong xã hội. Đó là mối quan hệ giữa ba mẹ, con cái, ông bà, giữa người thân trong gia đình, họ hàng và cả láng giềng, giữa thầy trò… 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quang Hải cân nhắc tiếp tục xuất ngoại.

Quang Hải chuẩn bị xuất ngoại?

GD&TĐ - Quang Hải hiện đang nhận được sự quan tâm của một số câu lạc bộ ở Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Thái Lan nên cân nhắc xuất ngoại thêm một lần nữa.