Khương Tử Nha từ chối tái hợp với vợ cũ, bài học cho hậu thế

Khương Tử Nha là vị quân sư tài ba có công lớn giúp Chu Văn Vương diệt nhà Thương, dựng lập nhà Chu.

Cảnh trong phim Anh hùng phong thần diễn nghĩa.
Cảnh trong phim Anh hùng phong thần diễn nghĩa.

Khương Tử Nha tên thật là Khương Thượng, tự Tử Nha, lại có tự Thượng Phụ, là khai quốc công thần nhà Chu thế kỷ 12 trước Công nguyên và là quân chủ khai lập nước Tề tồn tại từ thời Tây Chu đến thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Do là vị quân chủ đầu tiên của nước Tề, nên thông thường còn được gọi là Tề Thái Công.

Gia thế của Khương Tử Nha vô cùng vinh hiển, tiếng tăm lừng lẫy. Tổ tiên của ông là Lã Bá Di, từng làm chức Tứ nhạc giúp Hạ Vũ trị thủy có công. 

Sử ký xác định tổ tiên ông được phong ở đất Lã vào khoảng thời Thuấn đến thời nhà Hạ. Sang thời nhà Thương, vì Khương Tử Nha là con cháu chi thứ nên dần dần trở thành dân thường, gia cảnh lại khánh kiệt, nghèo nàn, khiến người đời xem như kẻ xuất thân thấp kém.

TV Show - Khương Tử Nha từ chối tái hợp với vợ cũ, bài học cho hậu thế
Trước khi Khương Tử Nha gặp Chu Văn Vương, ông từng chán nản, buồn bã đến cực điểm.

Khương Tử Nha từng đi ở rể gia đình nhà vợ, nhưng bởi vì ông không giỏi mưu sinh, làm việc gì kiếm sống cũng không được lâu dài nên sau này bị gia đình nhà vợ đuổi đi. Trong Chiến quốc sách – Chương Tần ngũ có ghi chép về điều này.

Trong sử sách cũng ghi chép rằng, Khương Tử Nha từng đi bán bột mì kiếm sống. Ông mua 30kg bột mì đem đến trấn Khẩu Tử bán. Ông cất tiếng rao hàng từ sáng sớm đến tận lúc mặt trời xuống núi mà không có một người nào hỏi mua.

Khương Tử Nha thất vọng ngửa mặt lên trời thở dài một tiếng: “Trời ơi!”. Không ngờ, khi ông vừa ngửa mặt lên há miệng ra than trời thì bị phân chim rơi vào miệng.

Ông vội vàng tới bờ sông tìm nước rửa miệng thì bỗng nhiên một trận cuồng phong nổi lên, lật tung chiếc sọt đựng bột của ông. Tất cả 30 kg bột mì bị gió thổi bay biến không còn lại chút nào…Đây thực sự là đẩy người ta đến tình cảnh cùng cực, “kêu trời, chim thải phân; kêu đất, đất cuộn tung quầy hàng”.

Bởi vì gia cảnh bần cùng nghèo khó, nên vợ ông là Mã Thị sinh lòng ghét bỏ, muốn đuổi ông ra khỏi nhà. Khương Tử Nha khuyên vợ rằng: “Ta chắc chắn sẽ có ngày được hưởng vinh hoa phú quý, nàng đừng làm như vậy!”. Mã Thị không nghe lời khuyên của chồng mà vẫn cương quyết rời bỏ ông.

Dù cuộc sống cùng cực như vậy nhưng Khương Tử Nha lại là “người cùng, chí không cùng”. Cho dù buôn bán làm ăn kiếm sống, xem bói tạm kiếm cơm qua ngày cũng vậy, ông đều siêng năng học tập về thiên văn địa lý, quân sư mưu lược, nghiên cứu con đường “trị quốc an bang”.

Về sau, Khương Tử Nha trợ giúp Chu Văn Vương diệt nhà Thương, dựng lập nhà Chu, sau khi diệt nhà Thương xong ông lại được phong thần. Mã Thị thấy ông có địa vị cao sang, tài phú của cải nhiều thì liền mong muốn cùng Khương Tử Nha “gương vỡ lại lành”.

Nhưng Khương Tử Nha sớm đã nhìn thấu lòng dạ người vợ cũ của mình. Ông đổ một bát nước lên mặt đất và bảo người vợ cũ của mình hốt lên. Mã Thị chỉ có thể bốc lên được một nắm bùn.

Lúc này Khương Tử Nha mới nói: “Nhược ngôn ly canh hợp, phúc thủy dĩ nan thu”, ý rằng một khi đã nói lời chia cắt thì khó hợp, giống như bát nước đã đổ đi thì khó hốt lại cho đầy. Đây cũng chính là nguồn gốc của điển tích “bát nước đổ đi”.

TV Show - Khương Tử Nha từ chối tái hợp với vợ cũ, bài học cho hậu thế (Hình 2).
Trong Phong thần diễn nghĩa, Khương Tử Nha là nhân vật được thần thánh hóa.

Theo Phong thần diễn nghĩa trước khi Khương Tử Nha xuống núi, sư phụ của ông là Nguyên Thuỷ Thiên Tôn đã dự ngôn rằng ông sẽ phải nhẫn chịu “Mười năm chịu túng áo còn bâu”, tuy nhiên bĩ cực thái lai, “Tám mươi lẻ nửa mang đai ngọc/Chín chục dư ba buộc ấn hầu”.

Vì vậy, Tử Nha đã một lòng níu kéo vợ, “không nỡ lúc khó vợ chồng có nhau, đến lúc hiển vinh mình tôi riêng hưởng”. Tuy thế, Mã Thị chỉ biết cái lợi trước mắt, không giữ đạo tam tòng, nên mới phải ôm nỗi tiếc hận về sau.

Trong quan điểm văn hóa truyền thống Trung Hoa, người xưa cho rằng vợ chồng là duyên trời định, cần hết lòng trân quý, sướng khổ có nhau. Khi chồng hưởng vinh hoa thì trọng vọng, điều ấy ai cũng làm được. Nhưng lúc chồng sa cơ lỡ vận, khốn khó nghèo hèn, người vợ có thể nhẫn nại, bao dung, tảo tần giúp chồng vượt qua, ấy mới là người vợ hiền đức.

Ngày nay “cộng khổ”, sau này mới có phúc “đồng cam”, đó cũng là trời đang thử lòng người vậy.

Cũng có người hỏi, vậy nếu rủi gặp người chồng bất tài, bây giờ chung cay đắng sau này cũng chẳng thể hưởng ngọt bùi thì sao? Thực ra, chuyện sinh tử phú quý trong đời đều đã được an bài, dựa trên đức và nghiệp mà một người tích lũy từ tiền kiếp.

Đời này có thể tích đức hành thiện, ăn ở hiền lành, không ngại thiệt thòi, thì có thể chuyển họa thành phúc, xa dữ đón lành. Làm người cần tuân theo đạo nghĩa mà sống, chứ không nên ngả nghiêng vì danh lợi.

Người vợ cần thuỷ chung, tôn kính phu quân, và người chồng cũng cần yêu thương, trân trọng thê tử.

Trong Lễ ký có chép lời Khổng Tử: “Tam đại thánh thời cổ đại là Nghiêu, Thuấn, Vũ, lúc cầm quyền một mực đều tôn trọng thê tử, thuận theo đạo vợ chồng. Bởi vì mối quan hệ với thê tử là mối quan hệ chính yếu nhất trong các mối quan hệ thân tình, vậy thì sao có thể không tôn trọng thê tử được?”.

Theo nguoiduatin.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ