Kết hôn không giá thú

GD&TĐ - Muốn kết hôn, thì phải bỏ ra cả món tiền rất lớn làm đám cưới, mua nhẫn cưới, thuê áo cưới, trang điểm, làm tóc, trăm thứ phải chi. Nhưng ít ra lúc chi phí làm đám cưới thì còn được vợ, được chồng. Cho đến khi li hôn, không những mất chồng, mất vợ, lại vẫn mất luôn cả tiền!

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bạn Hằng, khi bước vào tuổi 45, hai vợ chồng sinh chuyện, chồng bỏ đi khỏi nhà hơn một năm trời thì bạn quyết định ly hôn. Nhưng chồng bạn không chịu ký.

Chưa cần bàn đến chuyện tại sao chồng Hằng đã bỏ đi đã lâu, cũng không còn yêu thương gì vợ mà lại không chịu ly hôn, trong câu chuyện này, chúng ta hãy chỉ chú ý đến vấn đề thực tế, là bạn Hằng phải đơn phương ly dị.

Bên tòa án yêu cầu chị Hằng phải xuất trình chứng minh nhân dân của chồng chị. Chị Hằng không làm được việc này do chồng bất hợp tác. Có cá nhân gợi ý, rằng chị vẫn có thể làm thủ tục ly dị chồng được, nếu chị chịu chi khoản lót tay chừng 40 triệu đồng.

Bạn Tú Linh, là nhân viên massage cho một cơ sở spa ở Hà Nội. Chồng bạn lại hiểu massage theo nghĩa xấu, liên tục ghen tuông, đánh vợ vũ phu, dù vợ đang kiếm tiền về nuôi anh ta. Tú Linh không chịu nổi, quyết định ly dị chồng.

Lại giống trường hợp của Hằng, Tú Linh được gợi ý phải chi một khoản tiền lo lót thì mới có thể có được “tấm bằng tự do”, bởi chồng cô không chịu ký đơn ly hôn, và cô cũng không thể mượn được thẻ căn cước của anh ta để xuất trình cho tòa án.

Từ thực tế kể trên, nhiều bạn trẻ ngày nay khi kết hôn đã không làm giấy giá thú. Họ không tội gì phải ra tòa cho mệt xác nếu có xảy ra rủi ro hôn nhân, phải quyết định chia tay nhau. Khi có chuyện rủi ro, tờ giấy giá thú trở thành thứ của nợ, khiến họ phải mất thời gian, chịu đựng thủ tục pháp lý phức tạp và mất cả một món tiền.

Khi không giải quyết được mâu thuẫn, không muốn chung sống nữa, họ có thể đường ai nấy đi mà không phải dẫn nhau ra tòa, đó là lựa chọn của họ, để tránh rắc rối về thủ tục giấy tờ.

Hoàng Hà, một họa sỹ thiết kế đã lấy chồng từ năm 2010, có 3 mặt con với nhau, nhưng cô và chồng không đăng ký kết hôn. Vậy con cái và tiền nong thì thế nào? Hoàng Hà cho biết, con thì là con chung, mang họ bố, vẫn làm giấy khai sinh được bình thường, các cháu vẫn đi học như bao trẻ em khác, hưởng cuộc sống đầy đủ của một gia đình, giấy kết hôn của bố mẹ có hay không chẳng ảnh hưởng gì đến con. Về vấn đề tiền bạc, thì vợ chồng Hoàng Hà thống nhất như sau: Chồng chi trả học phí cho con và các vấn đề quan hệ nội, ngoại; Vợ chi tiền thực phẩm hàng ngày. Các chi tiêu lớn như mua nhà, sắm xe thì hai vợ chồng chi chung. Ngoài ra, nhu cầu riêng của mỗi người thì tự chi bằng tiền mình kiếm ra, không cần xin phép vợ (hoặc chồng). Cuộc sống như vậy khá thoải mái.

Còn vợ chồng Quang H. đã cưới nhau 4 năm, không giấy giá thú, cũng chưa sinh con. Vợ chồng họ thống nhất cùng nộp vào quỹ chung một phần thu nhập để chi phí sinh hoạt hàng ngày. Vợ Quang H. chịu trách nhiệm quản lý quỹ chung đó. Về các khoản chi tiêu lớn (không thường xuyên) trong gia đình thì cả hai cùng thống nhất thời điểm nào sẽ chi, và chia đôi khoản chi. Người này có thể vay tạm người kia nếu thu nhập của mình chưa đủ, nhưng đã vay là phải trả. Thời gian qua, họ vẫn sống với nhau vui vẻ, ai nấy đều tập trung làm việc, kiếm tiền. Không ai có ý định dựa dẫm về tài chính vào người kia.

Có thể xu hướng lựa chọn kết hôn không giá thú của một bộ phận các bạn trẻ hiện nay không “hợp nhãn” các bậc bề trên, hoặc tạo vấn đề đối với quản lý xã hội. Nhưng đây cũng là một hiện tượng thay đổi trong hôn nhân, dự báo cho sự biến động và sự cần thiết nâng cao chất lượng luật pháp, cũng như thay đổi hệ giá trị mà chúng ta cần nghiên cứu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ