Đừng “mua”… thành tích của con

GD&TĐ - Treo thưởng bằng tiền cho con khi hoàn thành một nhiệm vụ cá nhân được nhiều cha mẹ áp dụng song cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Ảnh minh họa: IT.
Ảnh minh họa: IT.

Làm việc tốt là nhiệm vụ

Chị Nguyễn Ngọc Mai Trang, quận Bình Tân (TP HCM) kể, ngày nhỏ thường được mẹ cho 1 nghìn đồng khi đạt đủ số điểm 10 nhất định.

“Tôi đã rất cố gắng chỉ để trích 500 đồng bỏ heo đất, 500 đồng gom lại để đủ tiền mua báo khăn quàng đỏ - lúc đó 2.500 đồng/cuốn. Bây giờ đến khi làm mẹ, các con được tiếp cận nhiều thông tin. Tôi muốn dạy cho con hiểu được giá trị của đồng tiền thì mới thưởng nhưng khó quá”, chị Mai Trang tâm sự.

Chị Trang muốn con hiểu giá trị việc kiếm tiền bằng những việc tốt, bằng chính sức lao động, biết sử dụng đồng tiền đúng cách.

Chẳng hạn, bé lớn sẽ dùng tiền mua quà sinh nhật cho em nhỏ. Lâu lâu chơi trò cá cược, cháu vẫn dùng tiền trả ngược lại khi thua. Ngoài ra, mẹ cũng có thưởng bằng bánh, kẹo và bé biết tiết kiệm cả số bánh kẹo ấy. Bé dùng bánh kẹo để thưởng lại cho em khi yêu cầu em làm một việc nào đó. Nhưng cũng vì sợ hết “vốn” mà bé dần học được cách quản lý và sử dụng tiết kiệm số tiền, bánh kẹo.

Cử nhân Tâm lý học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - Phạm Thị Nhạn, bà mẹ 2 con cho rằng: Thưởng phạt trong dạy con là vấn đề nhạy cảm, cần ứng dụng linh hoạt trong mỗi hoàn cảnh. Riêng việc thưởng tiền cho con khi làm việc tốt là không nên. Trẻ cần hiểu rằng học tốt, chăm đọc sách, làm việc nhà… là để “ấm” vào thân chứ không phải làm giúp cho ai khác.

“Thay bằng thưởng tiền, cha mẹ nên dạy trẻ cảm nhận giá trị của sự chăm chỉ, tình yêu thương, ham học hỏi, cảm nhận không gian sinh sống hạnh phúc, cảm nhận về lòng biết ơn và sự gắn kết gia đình thông qua những trải nghiệm của các thành viên”, chị Phạm Thị Nhạn nói.

Ảnh minh họa: IT.

Ảnh minh họa: IT.

Hãy tạo động lực cho trẻ

Theo Chuyên gia tâm lý Vũ Trường Giang - Trung tâm Tư vấn tâm lý 247: Bất kỳ phương pháp giáo dục nào cũng đều có những ưu, nhược điểm riêng. Điều cần lưu ý là cách thức áp dụng như thế nào? Áp dụng vào thời điểm nào và nhằm mục đích gì?. “Cha mẹ thưởng tiền cho con khi làm việc tốt” cũng thế, nhưng có lẽ nhược điểm của phương pháp này nhiều hơn.

Cha mẹ có thể “thưởng tiền” khi con làm việc tốt nhằm dạy con về giá trị, cách thức sử dụng cũng như quản lý tiền bạc. Dưới góc nhìn tâm lý học, ban đầu cha mẹ sẽ thấy việc thưởng tiền đạt được một số hiệu quả nhất định. Vì các con thường rất thích phần thưởng, đặt biệt thưởng tiền sẽ khiến các con có động lực học và trở nên tích cực hơn. Thậm chí, có những bạn trở nên rất nghe lời và còn chủ động đề xuất sẽ làm việc nhà nhiều hơn để mong muốn được thưởng tiền nhiều hơn.

Nhưng theo thời gian, có thể chúng ta sẽ nhận thấy phương pháp này gây ra hệ luỵ cho sự hình thành nhân cách và nhận thức của con về sau.

Việc thưởng tiền sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến “động lực tự thân” của con, mà đây lại là sức mạnh nội tại nhằm thực hiện hành vi một cách tích cực nhất của con trẻ.

“Khoa học về động lực đã chứng minh rằng: Việc treo thưởng hay trả tiền khi con làm việc tốt sẽ làm chúng bớt yêu thích hoạt động đó. Bởi lẽ, khi con làm việc tốt, có ích cho con, bản thân công việc đó đã là phần thưởng. Khi tiền bạc xuất hiện, con có thể sẽ nghĩ làm vì tiền, làm vì cha mẹ, động lực tự thân chuyển thành ngoại sinh.

Về lâu dài có thể sẽ nảy sinh tâm lý đòi hỏi, làm việc tốt mang tính trao đổi, có tiền thì mới cố gắng, tâm lý phụ thuộc, dễ ỷ lại. Ngoài ra, việc thưởng tiền cũng có thể làm nảy sinh tâm lý không tự giác, thụ động để chờ được thưởng, con có thể ra điều kiện với bố mẹ để được nhiều tiền hơn.

Tình trạng này kéo dài sẽ khiến con không có tinh thần học tập, cố gắng học hỏi để hoàn thiện mình mà chỉ phụ thuộc vào mức tiền thưởng mà cha mẹ đưa ra”, chuyên gia Vũ Trường Giang nêu quan điểm.

Nêu nhược điểm của phương pháp treo thưởng con trẻ bằng tiền, vị chuyên gia này đồng thời cũng tư vấn các bậc cha mẹ cách kích thích động lực để trẻ hoàn thiện mình.

Trong gia đình, cha mẹ cần giúp con hiểu: Làm việc nhà là trách nhiệm của con, cha mẹ giao việc nhà để con nhận thức rằng gia đình được xây dựng dựa trên tinh thần trách nhiệm chung, và các thành viên trong gia đình cần giúp đỡ nhau. Làm việc nhà cũng mang lại niềm vui khi con là người có ích – và sự ghi nhận của các thành viên trong gia đình chính là phần thưởng, là sự khích lệ nhằm xây dựng lòng trắc ẩn cho con.

Trong học tập, cha mẹ cần giúp con hiểu: Con cần học vì chính bản thân, việc học là nhiệm vụ, quyền lợi khi bố mẹ đã tạo điều kiện cho đi học. Khi học hỏi được nhiều điều, bản thân con sẽ thấy hào hứng, vui vẻ và gắn bó, yêu thích với việc học. Việc tìm thấy niềm vui trong quá trình học tập, thấy mình tiến bộ chính là động lực tự thân của con – đây chính là cách thức truyền cảm hứng cho con.

“Để động viên và khuyến khích con làm việc tốt và đạt hiệu quả trong học tập, cha mẹ có thể khen ngợi, đồng thời ghi nhận thành quả và sự cố gắng của con khi hoàn thành tốt việc đó, và cũng nên thấu hiểu, tin tưởng, kiên nhẫn khi con chưa làm được việc, hay đạt kết quả chưa tốt.  
Cha mẹ có thể sử dụng những phần thưởng gần gũi với con thay cho việc sử dụng tiền. Có thể lựa chọn những món quà mà con thích ví dụ như những tập truyện, cuốn sách, món đồ chơi, những buổi đi chơi hay đơn giản là những cái ôm ấm áp thể hiện sự yêu thương, tự hào về con. Điều này không những mang lại giá trị tinh thần lớn cho con mà còn giúp cho mối quan hệ với con luôn bền chặt và có nguồn cảm hứng bất tận từ cha mẹ” - Chuyên gia tâm lý Vũ Trường Giang. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 đưa vào vận hành khai thác góp phần rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Diễn Châu (Nghệ An) từ 5 giờ xuống còn 3,5 giờ. Ảnh minh họa: INT

Mở đường cho đột phá phát triển kinh tế

GD&TĐ - Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, cương quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, loại bỏ quy định cản trở, xây dựng thể chế phù hợp, tháo gỡ vướng mắc, “điểm nghẽn” là mở đường cho phát triển kinh tế.

Một lớp học của Trường Tiểu học Thủ Lệ (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Phòng GD&ĐT

Khơi thông chính sách cho nhà giáo

GD&TĐ - Trong năm 2024, nhiều “điểm nghẽn” về chính sách dành cho nhà giáo được tháo gỡ, tạo động lực để các thầy, cô cống hiến.