Có tiền trẻ dễ hư
Những người thân trong khu tập thể Thành Công (Hà Nội) thường hay góp ý với chị Hà về việc không nên cho tiền con thường xuyên như vậy. Tuy nhiên, chị cho rằng việc thưởng cho con mỗi khi làm được việc nhà hay được cô khen ở trường là điều đương nhiên. Vì theo chị làm điều này là khiến cho trẻ sẽ hào hứng hơn trong công việc. Bởi vậy cứ mỗi lần giúp mẹ dọn nhà hay nấu cơm, hai đứa con chị lại tính toán vòi vĩnh đòi mẹ thưởng. Lâu dần thành quen nếu chị chưa kịp cho tiền chúng lại đòi hỏi. Thậm chí ngay cả khi có khách, làm xong chúng lân la tới chỗ mẹ vì chúng biết những lúc như thế mẹ thường “hào phóng” hơn.
Hồi còn học tiểu học mỗi khi có tiền hai đứa chỉ tiêu chút ít rồi chủ yếu bỏ lợn tiết kiệm. Tiêu gì cũng có sự đồng ý của bố mẹ. Tuy nhiên, từ hồi học cấp hai chúng thường xuyên giấu nhẹm số tiền được thưởng rồi tự tiêu. Mỗi lần nhắc con dọn dẹp nhà cửa thì chúng đều mặc cả đòi mẹ phải cho tiền mới làm. Không những thế nhiều khi chị còn thấy con gái lớn len lén tô son khi đi học mà chị biết chắc con đã tự ý lấy tiền để mua. Nhưng bực mình hơn là việc gần đây chị bắt gặp cậu lớn trốn nhà đi chơi điện tử. Vì muốn động viên con chăm chỉ việc nhà, phấn đấu học tập tốt mà chị thưởng tiền chúng, song không ngờ những tác hại kéo theo cũng không phải là nhỏ.
Cô Vũ Kim Phượng, giáo viên Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) cho biết: Hiện nay nhiều gia đình nuông chiều con thường lấy tiền để thưởng mỗi khi con làm được việc tốt. Song quan trọng nhất là vấn đề giúp con quản lý và chi tiêu các khoản tiền này như thế nào. Bên cạnh đó, nếu quá lạm dụng việc thưởng tiền cho con sẽ khiến trẻ nảy sinh suy nghĩ và có những hành động tiêu cực. Ví như trẻ luôn đòi hỏi phải được trả công mà mất đi tinh thần tự giác, tự nguyện trong học tập cũng như lao động.
Thưởng thế nào là hợp lý
Thạc sĩ Phạm Đức Chuẩn, Trung tâm Nghiên cứu tâm lý và tâm bệnh lý trẻ em (Hà Nội) cũng cho rằng: Bố mẹ có nhiều cách để thưởng cho con, và một số người sử dụng tiền - cách dễ nhất nhưng cũng khó nhất. Lý do là, khi sử dụng phải biết liều lượng thế nào, trong thời gian bao lâu... nếu không nó sẽ như con dao hai lưỡi, rất nguy hiểm. Bởi khi trẻ đã được thưởng bằng tiền thì rất dễ có tâm lý đòi hỏi lần sau phải nhiều hơn lần trước, và dần dần trẻ có thể hiểu những việc này mang tính đổi chác, có tiền thì làm, không thì thôi. Việc này làm nảy sinh tâm lý không tự giác, thụ động chờ được thưởng, ra điều kiện với bố mẹ ở trẻ.
Theo nhà tâm lý, có nhiều cách khác tích cực để bố mẹ khuyến khích con làm việc nhà hay học tập. Thực tế, trẻ rất thích làm mọi việc nhưng thường không được như ý người lớn. Trong khi đó, ban đầu, bố mẹ có thể cùng làm với con, hướng dẫn con cách làm, tạo cơ hội cho con được tự làm việc bằng cách cho bé làm những việc mình thích trước. Chẳng hạn, có 10 việc thì ban đầu để cho con làm 8 việc bé thích, hai việc bé không thích, sau đó tăng dần việc con không thích. Việc học hành của trẻ cũng vậy. Cần biết tâm lý con, tìm hiểu xem lý do con không tập trung, bị điểm kém rồi từ từ giúp bé khắc phục.
Để trẻ không có tính thực dụng và nhận thức được những việc đó là trách nhiệm của mình, các bậc làm cha mẹ có thể hứa thưởng cho con một chuyến du lịch đâu đó vào dịp hè, hay sẽ mua sắm cho con vài bộ quần áo mới, hay món đồ chơi mà con thích. Việc này nên khuyến khích vì trẻ cũng sẽ có động lực làm việc rất hiệu quả và có cách suy nghĩ tích cực về lao động như một nghĩa vụ và trách nhiệm thay vì chỉ là do… có tiền thưởng.