Dạy con biết cách trân trọng người khác

GD&TĐ - Việc dạy trẻ học giỏi, ngoan ngoãn đã khó, dạy con trở thành người tử tế lại càng khó hơn, bởi đó là cả một quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng trong những môi trường thuận lợi. Đặc biệt, chuyện con cần tôn trọng người khác đồng nghĩa với tôn trọng chính bản thân mình, càng cần được cha mẹ dạy bảo từ sớm.

Uốn nắn trẻ từ những công việc nhỏ nhất hàng ngày. Ảnh minh họa
Uốn nắn trẻ từ những công việc nhỏ nhất hàng ngày. Ảnh minh họa

Để tôn trọng không phải là “khái niệm”

Trong cuộc sống, nhiều cha mẹ thường dạy con rằng phải biết tôn trọng bạn bè, thầy cô, người lớn tuổi… Tuy nhiên, nếu chỉ nói chung chung như thế, trẻ nhỏ chưa chắc đã hiểu “tôn trọng” thực sự là gì và cần phải làm như thế nào?

Tác giả sách hạt giống tâm hồn và rèn luyện kỹ năng,ThS Nguyễn Tú Lê cho rằng: “Cha mẹ không nên chỉ nói “ra rả” suốt ngày rằng “con hãy tôn trọng mẹ”, “con cần tôn trọng mọi người”… Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo và tiểu học chưa chắc đã hiểu được điều cha mẹ chỉ “nói” mà không “hành động”.

Thay vào đó, nên nói với con cần thể hiện thái độ gì, lời nói nào trong mỗi tình huống đó, và giải thích cho con hiểu, như thế có nghĩa là con đang tôn trọng đối phương”.

ThS Nguyễn Tú Lê cũng cho biết thêm, trước khi dạy trẻ tôn trọng người khác, hãy dạy con tôn trọng chính bản thân mình trước. Nhiều cha mẹ cho rằng đó là cách dạy con sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân.

Thực tế, biết cách ưu tiên bản thân là để con biết cách chăm sóc, bảo vệ chính mình trước khi muốn tiếp cận bất cứ ai. Chỉ khi con hiểu được giá trị của hành động, lời nói do mình gây ra thì con mới biết cách để tôn trọng mọi người.

Khi con trẻ biết bảo vệ bản thân mình, không bị đánh đập, áp bức, đè nén, con mới không có những cảm xúc tiêu cực đối với người khác. Nhất là với chuyện, con thường có hành vi đánh đập người xung quanh, cắn cấu bạn, đánh lại bố mẹ hoặc tranh giành đồ với anh, chị, em trong gia đình.

Chuyên gia tâm lý Hà Thu Thủy, giáo viên giảng dạy bộ môn tâm lý ở các trường THPT cho rằng, việc đánh bạn, đá, cắn đều là hành vi bình thường của trẻ ở độ tuổi mới biết đi.

Chính vì điều đó, ngay trong thời thơ ấu, cha mẹ cần dạy con học cách không thực hiện các hành vi xâm phạm thể chất đến chính bản thân mình và người khác. Muốn vậy, cha mẹ cần dạy trẻ kiềm chế sự thôi thúc tự nhiên này khi chúng khó chịu.

Khi con đi nhà trẻ, nếu con có hành vi “bạo lực”, hãy nói với con rằng bạn đang bị đau và thể hiện cảm xúc ở chỗ con vừa đánh bằng cách ôm vào chỗ đau. Điều này lặp đi lặp lại khiến trẻ cảm nhận được việc mình làm đã gây tổn thương cho người khác và nó không hề vui vẻ.

Cha mẹ cần dạy con cách cùng chơi và tôn trọng bạn bè.
Cha mẹ cần dạy con cách cùng chơi và tôn trọng bạn bè.

Giúp con hiểu tôn trọng là điều hiển nhiên

Nếu con bạn đánh một đứa trẻ khác, cha mẹ hãy bình tĩnh thay vì la mắng làm con sợ hãi mà vẫn không biết sai ở đâu để sửa.

Trước mặt con, cha mẹ nên kiểm tra xem “nạn nhân của vụ ẩu đả” có bị thương hay không sau đó mới chuyển sự chú ý qua con mình. Khi đưa con tránh xa chỗ ồn ào đó, cha mẹ cần nhẹ nhàng nói cho con hiểu suy nghĩ hiện tại của mình, đang cảm thấy buồn, thấy đau lòng.

Thậm chí, có thể nói cho con biết, nếu con bị đánh như vậy, bố mẹ sẽ thương xót như thế nào, và chắc hẳn, bố mẹ của bạn đó cũng như vậy khi nhìn thấy con của họ bị đánh.

Chuyên gia Hà Thu Thủy khuyên rằng: “Cha mẹ nên giúp con suy nghĩ kỹ trước khi hành động, cần chia sẻ với bạn cùng chơi, kiểm soát cảm xúc cáu giận và hiểu được hậu quả của cảm xúc tiêu cực. Sau khi con đánh bạn, đợi con bình tĩnh lại, cha mẹ có thể đưa các tình huống để con sẽ nghĩ cách xử lý. Hãy để con kể lại sự việc, rồi hỏi con xem nếu không đánh bạn thì có cách xử lý nào khác hay hơn mà vẫn đem lại kết quả mong muốn”.

Nếu cha mẹ đánh con, sẽ khó để dạy trẻ không đánh bạn. Tuy nhiên, cũng cần phân biệt được đâu là đánh nhau tranh giành lợi ích, đâu là tự vệ, để giúp con cách “phòng thân” khi bị bạn đánh.

Ngay cả với anh em trong gia đình, cha mẹ cũng cần khéo léo để đứa này có cảm giác đứa kia được bênh vực, thiên vị hơn. Cần có những thưởng phạt công bằng trong cách giáo dục con để chúng không ức chế và dồn nén lên chính anh chị em của mình.

Muốn vậy, để giáo dục trẻ nhỏ về giá trị bản thân, điều đầu tiên bố mẹ cần làm chính là làm gương. Cha mẹ cũng cần thể hiện sự tôn trọng với chính bản thân, với mọi thành viên khác, con sẽ học theo đó để sống tích cực hơn. Trong một môi trường tốt, con sẽ thấy mình lạc lõng nếu có hành vi thái quá, không giống mọi người xung quanh.

Điều quan trọng nhất mà cha mẹ cần làm, chính là để con hiểu được tầm quan trọng của sự tôn trọng, chúng phải được nhìn thấy những hành động, ứng xử xung quanh và nhận ra sự tôn trọng là điều đúng đắn và hiển nhiên chứ không phải là sự gượng ép, bắt buộc phải làm để cha mẹ khen. Cha mẹ cũng cần đối xử với con như cách đối xử với những người trưởng thành khác, con mới cảm nhận được sự tôn trọng thực sự.

Các chuyên gia cũng cho rằng, để dạy trẻ tôn trọng người khác, cha mẹ cần giữ bình tĩnh, kiểm soát được tình huống, hoàn cảnh cụ thể. Việc này cũng khiến con hiểu được, đó là sự tôn trọng mà cha mẹ dành cho con, từ đó con có thể noi gương.

Nếu trẻ có xu hướng thích bạo lực, thường đánh nhau, hãy bình tĩnh để xem đó là vô tình hay cố ý rồi tìm cách phân tích. Nói cho con biết mọi hành động gây ra tổn thương cho người khác đều khiến nhiều người đau xót và xa lánh mình.

Đối với nhiều trẻ có chút “bướng bỉnh”,  phụ huynh nên kỷ luật con đúng cách. Kỷ luật có nghĩa là giáo dục, đào tạo phù hợp với chính con bạn, chứ không phải là việc trừng trị.

Không chỉ là cách ứng xử với con người, ngay từ khi trẻ con nhỏ, người lớn cũng có thể dạy con cách yêu thương động vật, cây cỏ, quý mến từng đôi mắt của con mèo, cái lá trong vườn cây… con sẽ có tính cách hòa nhã hơn, biết thương xót nếu lỡ vô tình gây ra tổn thương cho người khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.