7 lưu ý để ly hôn văn minh, chia tay lịch sự

GD&TĐ - Ly hôn chắc chắn là điều không một ai khi đã kết hôn muốn xảy ra với gia đình nhỏ của mình. Tuy nhiên, khi tình cảm hết, cực chẳng đã đành phải chia tay. Vậy bạn nên làm gì để ly hôn văn minh và không gây thêm tổn thương cho người đã từng đầu ấp má kề và con cái?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khi cuộc hôn nhân đến hồi kết, không mấy người trong cuộc nào có thể giữ được bình tĩnh và sự tỉnh táo. Họ thường mang tâm lý chỉ muốn rời xa đối phương càng nhanh càng tốt, giành giật lấy những quyền lợi dù là nhỏ nhất.

Theo TS. Vũ Thu Hương, dường như với đa số mọi người, khi đã ly hôn, họ tự cho mình quyền hành hạ vợ/chồng cũ, có quyền cư xử “cạn tàu ráo máng” với đối phương và cả với những đứa trẻ. Đây là suy nghĩ hết sức tiêu cực, lạc hậu. Thù hận chỉ làm bản thân thêm yếu đuối và gây ảnh hưởng trầm trọng với lũ trẻ.

Bởi vậy, theo TS. Vũ Thu Hương, một khi đã buộc phải ly hôn, có một số nguyên tắc vợ/chồng cũ nên cùng nhau thực hiện để hạn chế tối đa thiệt thòi cho con cái.

1. Ngồi xuống nói chuyện cụ thể với nhau. Bỏ qua mọi mâu thuẫn dẫn đến việc chia tay. Cả hai nên thỏa thuận cách ly hôn văn minh nhất và ít ảnh hưởng đến con cái nhất.

2. Bàn về việc nuôi dạy con cái. Cả hai cần thống nhất quan điểm: Bố mẹ ly hôn không phải bố hoặc mẹ sẽ chết, hay vĩnh viễn xa con mà chỉ là một sự… đổi chỗ ở. Con ở với mẹ hoặc bố và sẽ sang chơi với người kia, nhận sự giáo dục của người kia, nhận cả tình cảm và sự quan tâm của người kia hàng tuần, hàng tháng.

Chúng ta đều yêu con cả. Hãy thống nhất là như vậy.

Vì thế, hãy cùng nhau cam kết giữ hình ảnh đẹp của người kia trong mắt con. Điều đó sẽ đem lại hạnh phúc và bình an cho chính con chứ không phải cho bố và mẹ.

3. Đừng nghĩ đến việc trả thù người kia bằng cách giữ con hay làm điều gì đó bất lợi. Điều này là vô nghĩa vì chắc hẳn nó không có giá trị lâu dài. Đơn giản là khi chúng ta xử xong ở phiên tòa rồi, quay trở lại guồng quay cuộc sống bình thường, những rắc rối từ việc trả thù người cũ sẽ chính là rào cản, là khổ sở, là khó khăn mà chính chúng ta và con cái phải gánh chịu.

Hơn nữa, trẻ con không phải món hàng để chúng ta đẩy qua đẩy lại. Nếu cha mẹ cư xử tồi tệ, có thể sẽ đến lúc chúng ta nhận được quả đắng từ chính những người con của mình. Trẻ chắc chắn sẽ cảm nhận được dù chúng ta giấu diếm đến đâu. Nếu cùng nhau hòa giải được, xử lý tốt vụ con cái thì con sẽ cảm ơn bố mẹ rất nhiều.

4. Tài sản chính là gánh nặng. Nếu chúng ta tìm cách giành giật tài sản để rồi sau này con cái quay lưng lại, liệu có đáng không? Trẻ con rất công bằng. Chúng luôn nghĩ phải làm sao để cả bố lẫn mẹ đều vui vẻ và thoải mái. Nếu 1 người chịu thiệt thòi, chắc chắn con sẽ biết và nó sẽ đứng về phía người thiệt thòi, coi thường, thậm chí ghét bỏ người kia.

5. Đừng nói xấu người cũ với ai. Điều này chẳng dễ dàng đâu. Nhưng các mẹ, các bố chú ý: Người kia dù gì cũng là bố/mẹ của con mình. Không nể mặt họ thì nên nể mặt con mình. Giữ sĩ diện cho con là việc rất nên làm.

Hơn nữa, nói gì cũng không thể cải thiện tình hình. Mâu thuẫn luôn đến từ hai phía. Một khi đã ghét nhau rồi thì rõ ràng là sai từ cả 2. Vậy nên, tốt nhất là im lặng, như vậy sẽ thoải mái hơn.

6. Ra tòa án, không nên nói nhiều về mâu thuẫn. Cứ cãi nhau tay bo ở tòa sẽ chẳng ích gì. Đằng nào cũng ly hôn. Và ly hôn được mặc định là bước cuối cùng giải quyết mâu thuẫn, đưa mối quan hệ cũ đến một giai đoạn mới.

7. Tạo lịch hẹn để con gặp gỡ bố/mẹ nếu con ở với mình. Các bố, mẹ đừng quên, "xa mặt cách lòng", đừng để con tủi thân vì bố mẹ ly hôn xong là con có cảm giác bị mất bố/mẹ. Điều này thật sự quá tàn nhẫn với trẻ.

"Nếu cùng nhau thực hiện được các nguyên tắc trên, dù không hề muốn nhưng khi buộc phải chứng kiến bố mẹ ly hôn, con trẻ vẫn hoàn toàn có thể vui tươi, vững vàng sống một cuộc sống tốt đẹp", TS Vũ Thu Hương nhắn nhủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ