Một lần nữa, mặt trái của bóng đá chuyên nghiệp được phơi bày xung quanh sự kiện bi hài của đội bóng này.
Liên tiếp gây sốc
Ngày 16/11, CLB bóng đá Gia Định gây sốc khi đánh bại Công an Nhân dân (CAND) ở trận play-off tranh vé lên chơi hạng nhất 2021. Nên nhớ trong đội hình của CAND có đến 9 cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo bóng đá HAGL, trong đó nhiều cầu thủ từng được triệu tập vào đội hình U20, U23 Việt Nam như Đinh Thanh Bình, Lương Hoàng Nam, Trần Thanh Sơn… Trong khi đó, Gia Định là đội bóng mới chỉ góp mặt ở giải hạng nhì và đa phần toàn cầu thủ phong trào, trẻ.
Tuy nhiên, niềm vui lên hạng của thầy trò HLV Flavio Cruz (Brazil) chỉ kéo dài đúng 21 ngày. Ngày 7/12, Chủ tịch Huỳnh Hoàng Trường của Gia Định chính thức ký công văn gửi đến VFF để xin phép rút lui không tham dự hạng nhất 2021.
Thay vào đó, Gia Định đề nghị VFF cho phép họ được tiếp tục thi đấu ở hạng nhì mùa tới. Trong văn bản gửi VFF, Gia Định nêu căn cứ tại chương V, từ điều 24 đến 28 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, cho biết đội chưa đạt 2 tiêu chí, gồm: Sân thi đấu chưa đạt yêu cầu và chưa có các tuyến đào tạo trẻ tham dự các giải vô địch quốc gia.
“Tại giải hạng nhì năm 2020, CLB bóng đá Gia Định xác định thi đấu hết mình, trung thực với mục tiêu giành kết quả cao tại giải. Bằng nỗ lực phấn đấu của tất cả các cầu thủ, đội Gia Định đã giành quyền lên thi đấu tại Giải bóng đá chuyên nghiệp V-League 2 (hạng nhất) mùa giải 2021.
Tuy nhiên, căn cứ vào quy định tại chương V từ điều 24 đến điều 28 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, CLB Gia Định nhận thấy chưa đáp ứng các tiêu chí: Sân thi đấu chưa đạt yêu cầu và chưa có các tuyến đào tạo trẻ tham dự các giải vô địch quốc gia.
Để đáp ứng các tiêu chí trên, CLB bóng đá Gia Định cần có thời gian đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, sân bãi; tổ chức các tuyến đào tạo trẻ quy củ để có thể duy trì đội bóng thi đấu lâu dài tại giải bóng đá chuyên nghiệp V-League 2.
Bằng văn bản này, tôi kính đề nghị LĐBĐVN, Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam xin phép rút lui không tham dự giải bóng đá chuyên nghiệp V-League 2 mùa giải 2021. Chúng tôi đề nghị LĐBĐVN được tiếp tục thi đấu tại giải hạng nhì quốc gia mùa giải 2021. Rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo LĐBĐVN”, theo công văn CLB Gia Định gửi VFF.
Chia sẻ với báo chí, ông Huỳnh Hoàng Trường cho biết: “Chúng tôi rất tiếc khi giành quyền lên chơi ở hạng nhất rồi phải rút lui như thế này. Nhưng Gia Định cần có thời gian đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, sân bãi; tổ chức các tuyến đào tạo trẻ quy củ để có thể duy trì đội bóng thi đấu ổn định.
Thay vào đó, chúng tôi đề nghị VFF được tiếp tục thi đấu tại giải hạng nhì 2021 để có sự chuẩn bị tốt hơn cho tương lai. Gia Định hy vọng nhận được sự cảm thông, chia sẻ của các cầu thủ, Ban huấn luyện cùng tất cả những người hâm mộ”.
Sau khi nhận được công văn của Gia Định, một quan chức VFF cho biết rằng, tổ chức này đang xem xét các quy định liên quan để đưa ra hướng xử lý. Trên thực tế đội bóng đề nghị như vậy thì khả năng để thi đấu tại giải hạng nhất 2021 là không cao.
Tuy nhiên để xử lý, VFF cần xem xét các quy định liên quan, đảm bảo quyết định phải đúng luật. Nhiều khả năng mong muốn của Gia Định sẽ được VFF đồng ý và rất có thể, CAND sẽ được trao suất lên hạng nhất 2021.
Bài toán khó mang tên “đầu tiên”
Theo tìm hiểu, những lý do Gia Định nêu ra trong công văn gửi VFF chỉ là bề nổi, mang tính hình thức. Trên thực tế, có khá nhiều đội bóng tại giải hạng nhì không thể đáp ứng đầy đủ các quy định của BTC nếu “soi” từng tiêu chí.
Ngay cả V-League, đến nay vẫn có những đội bóng không đáp ứng tiêu chuẩn chuyên nghiệp do LĐBĐ châu Á đặt ra. Như V-League 2021 có 4 đội: Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, SLNA. Trong đó, SLNA và Hải Phòng thậm chí 2 năm liên tiếp được VFF “đặc cách” cho dự giải, trong đó Hải Phòng thiếu cả tuyến trẻ, sân bãi nhiều năm bị chê.
Hạng nhất năm tới cũng chưa hoàn tất khâu đăng ký của các CLB do Cần Thơ mới đây có văn bản xin hoãn. Lý do, nhà tài trợ của XSKT Cần Thơ đang thực hiện thoái vốn theo đề án tái cơ cấu đã được UBND thành phố Cần Thơ phê duyệt.
Khả năng Cần Thơ “bỏ giải” là rất lớn. Vậy nên, thiếu hụt tài chính mới là lý do lớn nhất khiến Gia Định quyết định rút lui, không tham dự hạng nhất 2021 vốn đòi hỏi có kinh phí cao gấp nhiều lần (tối thiểu 25 tỷ đồng theo quy định) so với giải hạng nhì (hơn 2 tỷ đồng).
Cũng cần phải nhấn mạnh thêm, 25 tỷ đồng chỉ là con số theo quy định từ BTC. Thực chi cho một đội bóng với khoảng 30 thành viên trong một mùa giải sẽ hơn rất nhiều.
Ngoài ra, như đã đề cập, Gia Định là tập hợp của những cầu thủ nghiệp dư. Nhiều gương mặt đến từ các giải phong trào. Ông chủ của Gia Định cần phải cải tổ đội hình nếu không muốn trở thành “ngân hàng điểm” và sớm trở lại hạng nhì. Số tiền chuyển nhượng, “lót tay” cho những nội binh chất lượng có thể sẽ vượt qua cả con số 25 tỷ đồng cần có như quy định của BTC.
Như vậy, một phép cộng đơn giản và dễ thấy, để chơi hạng nhất một năm thì ông chủ Gia Định tiêu tốn khoảng 40 - 50 tỷ đồng. Số tiền quá lớn cho đội bóng mới được thành lập năm 2019 và ông chủ Huỳnh Hoàng Trường.
Không chỉ Gia Định mà gánh nặng tài chính và kinh phí hoạt động eo hẹp vẫn đang là vấn đề nhức nhối của nhiều đội hạng Nhất và cả các CLB V-League. Phải thi đấu khi nơm nớp lo chuyện nợ lương, thưởng... khiến nhiều cầu thủ thiếu nhiệt huyết và không quyết tâm, dễ nảy sinh tiêu cực.
Trước thềm mùa giải 2021, CLB Than QN đứng trước những khó khăn về tài chính khiến hàng loạt các cầu thủ trụ cột ra đi. Đội bóng đất Mỏ đang rơi vào khủng hoảng và thậm chí có nguy cơ dừng hoạt động. Sở VHTT Quảng Ninh đã làm việc với Ban lãnh đạo Than QN để khắc phục khó khăn, tuy nhiên vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra.
Theo ông Phạm Thanh Hùng, Chủ tịch CLB Than QN, bản thân ông và đội bóng vẫn chờ những quyết định của tỉnh. Nguồn kinh phí để Than QN duy trì hoạt động mỗi năm từ 70 - 80 tỷ đồng. Hai nguồn chi kinh phí chính là từ tỉnh Quảng Ninh (nguồn kinh phí này do Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam tài trợ) khoảng 30 tỷ đồng, còn lại là tiền do doanh nghiệp của ông Hùng chịu.
Nhưng ở mùa giải 2020, CLB không nhận được kinh phí từ tỉnh Quảng Ninh. Điều này dẫn đến việc đội bóng gặp khó khăn về tài chính dẫn đến việc nợ lương, thưởng. Đến thời điểm này, thầy trò ông Phan Thanh Hùng vẫn chưa nhận được lương trong 4 tháng qua. Các khoản lót tay của mùa giải 2020 và thậm chí, 10% của mùa giải 2019 vẫn chưa đến tay cầu thủ.
Chưa biết số phận Than QN sẽ trôi về đâu. Còn trước mắt, sau khi nhiều cầu thủ ra đi đến HLV Phan Thanh Hùng xác nhận, ông đã nộp đơn từ chức lên lãnh đạo CLB Than QN.
“Tôi đã gửi đơn xin nghỉ từ cuối tháng 11 vừa qua và đang đợi lãnh đạo phê duyệt. Thực tình tôi rất muốn tôn trọng hợp đồng nhưng lại quá sốt ruột trước tình hình của đội bóng. Nếu mọi chuyện tốt hơn thì tôi đã tiếp tục ở lại để thực hiện hết hợp đồng 1 năm còn lại”, HLV Phan Thanh Hùng chia sẻ.
Vị chiến lược gia này còn cho biết, ông nộp đơn từ chức là làm đúng thủ tục hành chính “nộp trước 30 ngày” đã quy định trong hợp đồng lao động.
Không chỉ Than QN, ngay cả những đội bóng giàu truyền thống như SLNA hay Nam Định cũng phải sống dựa vào ngân sách của tỉnh. Chuyện chạy ăn từng bữa đã quá quen thuộc với Nam Định. Còn với đội bóng xứ Nghệ, nhiều năm qua đội bóng này luôn thiếu tiền giữ chân các ngôi sao.
Mỗi năm SLNA cũng được hỗ trợ khoảng 20 tỷ đồng từ tỉnh. “Trả đội bóng về cho tỉnh” hay “xin rút khỏi giải”… trở thành lý do phổ biến của lãnh đạo các đội bóng, CLB khi khó khăn về kinh phí. Các đội bóng vẫn còn nơi bấu víu khi bị đẩy đến bước đường cùng là “trả về nơi sản xuất” là địa phương.
Mặc dù vậy, việc trả đội bóng về địa phương hay xin dừng cuộc chơi chính là biểu hiện rõ nét nhất cho mặt trái của bóng đá chuyên nghiệp với tư duy bóng đá bao cấp nặng nề về xin cho, ăn sẵn.
Sau 20 năm bước lên chuyên nghiệp, đến giờ chúng ta vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp. Trong đó, chính các CLB không thể trở thành chuyên nghiệp và đặc biệt, các đội bóng không thể tự nuôi mình khi mà các nguồn thu từ bản quyền truyền hình, quảng cáo hay giá trị thị trường cực thấp.
Các đội bóng, kể cả tầm đại gia như Hà Nội FC, Viettel… vẫn phải sống nhờ “bầu sữa” và mức độ đầu tư của các ông chủ doanh nghiệp. Vậy nên, mỗi khi bị các ông bầu hay địa phương ngừng cấp tiền thì đội bóng nào cũng ngay lập tức bị đẩy đến tình thế “sống thực vật”.
Hôm nay là Gia Định và Than QN, trong tình thế Covid-19 còn lửng lơ trên đầu người ta không biết ngay mai đến đội nào có nguy cơ giải thể, hoặc số phận bị đẩy đến miệng vực của khủng hoảng. Bóng đá Việt Nam sau 20 năm lên chuyên vẫn không thể tự nuôi mình!