(GD&TĐ) - Chiều qua (7/2), Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã chính thưc có công văn gửi Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) yêu cầu thực hiện 3 công việc liên quan đến quá trình quản lý, tổ chức, điều hành các giải chuyên nghiệp, trong đó có yêu cầu đưa giải VĐQG về tên cũ V-League.
Super League chính thức được trở về với cái tên cũ, V-League |
Giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam là giải thi đấu bóng đá cao nhất trong hệ thống bóng đá Việt Nam. Giải do Liên đoàn bóng đá Việt Nam tổ chức từ năm 1980. Tính mùa giải năm 2011 đã có 28 giải được tổ chức (giải Tập huấn năm 1999 không được tính là giải vô địch quốc gia). Thể Công (tên gọi trước là Câu lạc bộ Quân Đội) là đội đoạt chức vô địch nhiều lần nhất (5 lần). Từ mùa bóng 2000-2001 đến 2011, giải mang cơ chế chuyên nghiệp, chính thức mang tên V-League, và cho phép các cầu thủ nước ngoài tham gia thi đấu. Với sự ra đời của Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), từ năm 2012 giải đổi tên thành Giải bóng đá Ngoại hạng (Super League).[1] |
Trong công văn gửi VPF ngày 7/2, VFF đã yêu cầu đổi lại tên giải Super League trở lại thành V-League. Giải hạng Nhất quốc gia sau 4 vòng đấu nhận mác "V-League" sẽ trả lại cái tên này cho giải vô địch quốc gia. Công văn của VFF đã cụ thể hóa yêu cầu từ Tổng cục TDTT về việc giữ lại cái tên thuần Việt và dễ hiểu cho giải vô địch bóng đá chuyên nghiệp.
Trong công văn gửi VFF trước đó, Tổng cục TDTT cho rằng tên gọi của giải vô địch bóng đá quốc gia là yếu tố quan trọng để xác định nguồn gốc của quốc gia tổ chức giải đấu và phải được thể hiện bằng ngôn ngữ chính thức của quốc gia đó.
Do vậy, kể từ lượt trận thứ 5, các giải bóng đá chuyên nghiệp QG giữ nguyên tên gọi là Giải bóng đá Vô địch quốc gia Eximbank 2012 (viết tắt là: V-League Eximbank 2012), thay vì Super League như những vòng đấu trước. Giải bóng đá hạng Nhất QG vẫn giữ nguyên tên Giải bóng đá Hạng nhất quốc gia - Cúp Tôn Hoa Sen 2012.
Trước yêu cầu này, Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng cho biết: "VPF sẵn sàng lắng nghe ý kiến từ các cơ quan chức năng, giới truyền thông và người hâm mộ để việc tổ chức giải ngày một tốt hơn. Việc thay đổi tên giải cũng không phải là chuyện phức tạp, nhưng chúng tôi cũng cần lấy ý kiến của HĐQT".
Trong công văn gửi VPF, ngoài việc đổi tên giải, VFF cũng chỉ đạo VPF tiếp tục điều hành các giải đấu theo Quy chế 2011 trong khi chờ Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch thông qua Quy chế mới.
Theo kế hoạch, hôm nay (8/2) Hội đồng quản trị VPF sẽ tổ chức buổi gặp mặt với đại diện các CLB, lực lượng huấn luyện viên để lắng nghe những ý kiến đóng góp nhằm nâng cao chất lượng giải đấu theo yêu cầu của Tổng cục TDTT. Việc thay đổi tên giải đấu cũng được VPF đưa ra bàn với các cổ đông trước khi VPF đưa ra quyết chính thức.
Cao Cường