Gia đình văn hóa mới - Nhân tố quan trọng để giáo dục trẻ em

Gia đình văn hóa mới - Nhân tố quan trọng để giáo dục trẻ em

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và giao lưu văn hoá với các nước trong khu vực và thế giới, chúng ta đã và đang chịu những biến đổi sâu sắc về xã hội, trong đó gia đình - tế bào của xã hội cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Bên cạnh những thành quả do kinh tế thị trường mang lại, nhiều khó khăn bất trắc đang tồn tại, gây ra sự bất ổn cho gia đình và xã hội, gia đình đang đứng trước nguy cơ bị đồng hoá, hệ thống giá trị và chuẩn mực văn hoá riêng của cộng đồng đang bị suy kiệt. Lối sống thực dụng, ích kỷ, đề cao cuộc sống hưởng thụ, chạy theo giá trị vật chất… đang làm mai một, xói mòn những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Theo quan niệm truyền thống thì gia đình là “tổ ấm”, là đơn vị xã hội có ý nghĩa rất thiêng liêng, một loại “tổ chức” mà các nền đạo đức và pháp quyền chính thống trải qua các thời đại đều phải thừa nhận. Trong xã hội hiện đại thì gia đình được coi là chiếc “nôi” của những mối quan hệ ruột thịt và là nơi thể hiện những tình cảm mới, cao đẹp của con người - những tình cảm cách mạng chân chính. Việc nắm vững mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục là yêu cầu tất yếu đối với việc dạy dỗ con em trong gia đình. Song hiệu quả của nó tùy thuộc rất lớn vào việc phát huy tác dụng giáo dục cùng chiều, không để xảy ra tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” giữa các thành viên trong gia đình. Muốn vậy, gia đình phải là tập thể nhỏ văn minh, tiến bộ, có văn hóa cao. Tích cực tham gia xây dựng gia đình văn hóa mới chính là biện pháp hữu hiệu đối với việc phát huy vai trò và tác dụng của gia đình trong sự nghiệp trồng người.
Ảnh minh họa - Internet
Ảnh minh họa - Internet
Ngày nay, chúng ta đang xây dựng gia đình văn hóa mới theo những tiêu chí cơ bản: Xây dựng quan hệ dân chủ, bình đẳng, hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ giữa các thành viên; Hăng hái tham gia lao động và thực hành tiết kiệm; Chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... Chỉ khi hội đủ các tiêu chí này thì gia đình mới trở thành môi trường giáo dục tốt đối với con em, trở thành trường học chân chính về tình thương và lẽ phải cho sự hình thành nhân cách con người mới trong thế hệ trẻ. Thực tế cho thấy: Khi mỗi thành viên trong gia đình đều tích cực phấn đấu theo tiêu chí gia đình văn hóa mới thì mặc nhiên gia đình đó đã đi vào “quỹ đạo” của sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ theo quan điểm của Đảng. Nó là cơ sở ban đầu rất quan trọng cho việc hình thành con người Việt Nam mới hoặc tiếp tục hoàn thiện, nâng cao phẩm chất và năng lực của người lao động mới làm chủ tập thể và phát triển toàn diện. Bởi vì trong gia đình, vợ chồng có thực sự yêu thương, tôn trọng nhau, thường xuyên bàn bạc để cùng chăm lo công việc chung, hết lòng chăm sóc, yêu quý con cái, có quan điểm và phương pháp giáo dục đúng với con cái thì mới mong có con ngoan trò giỏi, biết yêu thương, nghe lời cha mẹ, yêu mến cộng đồng... Một gia đình văn hóa mới chẳng những là gia đình hòa thuận, mọi người quan tâm, chăm sóc lẫn nhau mà còn là một gia đình nền nếp, bố mẹ biết cách tổ chức cuộc sống trong gia đình, là tấm gương mẫu mực về nhân cách sống, tránh những hủ tục, mê tín dị đoan... Có thể nói việc xây dựng gia đình văn hóa mới là một trong những nhân tố quan trọng để hình thành nhân cách cho con em mình. Thực hiện tốt những nội dung của gia đình văn hóa mới là biến gia đình thành “môi trường giáo dục” đặc biệt thuận lợi đối với sự hình thành nhân cách của trẻ em.
Phạm Quỳnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ