Gia đình tôi vượt qua đại dịch Covid-19 bằng cách nào?

GD&TĐ - Đại dịch Covid-19 làm thế giới biến động, Việt Nam không ngoại lệ. Dẫu rất tin tưởng vào nhà nước giúp người dân vượt qua đại dịch, song mỗi cá nhân không nên phụ thuộc quá nhiều mà phải tự chủ phòng chống.

Gia đình tôi cùng vượt qua đại dịch (hình minh họa).
Gia đình tôi cùng vượt qua đại dịch (hình minh họa).

Và đây là cái cách mà gia đình tôi đã và đang áp dụng.

Cái nhìn tích cực

Giữa mùa dịch này luôn có bất trắc, được nhìn thấy các thành viên khỏe mạnh, cười nói, nói cười luôn làm cho tâm hồn trùng xuống, cảm giác yêu đời và yêu người hơn. Mọi thành viên lại như quấn quýt, yêu thương, trò chuyện cùng nhau. Ngẫm ra một điều: “Ở đâu có tình yêu ở đó mọi gian khó sẽ chỉ là thoáng qua”.

Sự lạc quan và khả năng thích nghi trở thành nhân tố cơ bản để mỗi cá nhân và gia đình vượt qua ngoạn mục mùa Covid-19. Đây cũng là dịp để dọn dẹp, trang hoàng lại không gian của ngôi nhà hơn. Từng chi tiết nhỏ của căn phòng được chú trọng, cho ta cảm giác đặc biệt gần gũi, làm cho các thành viên xích lại gần nhau hơn.

Vậy là tôi đã tạo ra được nhiều thói quen tích cực trong mùa dịch và kể cả khi dịch qua đi, tôi vẫn muốn đảm bảo nó được duy trì vì một lối sống lành mạnh cho hạnh phúc gia đình, xã hội tốt đẹp.  

Thay đổi thói quen

Thay đổi bất cứ một việc gì cũng là điều không hề dễ dàng, dẫu biết chắc sự thay đổi ấy là tốt đến đâu thì nó cũng mang lại cho người ta những bất cập nhất định. Thói quen sinh hoạt lâu nay cả gia đình đã áp dụng, đã hình thành lối sống, nay bỗng thiết lập lại, ban đầu các thành viên gia đình đều khó chịu.

Những thứ cần thay đổi trong thời dịch bệnh đòi hỏi cả gia đình phải lưu tâm. Để làm gương cho cả nhà, tôi là người đi đầu trong thay đổi. Ví dụ, luôn thực hiện 5k, đồng thời nhắc nhở mọi người cùng thực hiện.

Ngày trước chồng tôi có thói quen la cà hàng quán sau mỗi buổi đi làm, đến khuya mới về. Các con thì thích tụ tập bạn bè tám chuyện phiếm, chúng thích ở ngoài đường hơn ở nhà. Còn tôi thì cứ có lương thưởng là đi shopping, mua sắm bừa bãi. Tất cả thói quen đó không phải là xấu nhưng quả thật rất vô bổ.

Bây giờ mọi thói quen đó đều phải hạn chế và tôi là người tiên phong và lần lượt mọi người đều thiết lập lại thói quen này.

Cắt giảm chi phí

Trong lúc tài chính eo hẹp, là người nắm quyền chi tiêu cho cả gia đình, buộc tôi phải tính toán chi ly, cắt giảm những chi phí chưa cần thiết. Tôi đã chọn lối sống tối giản. Cắt giảm triệt để chi tiêu mua sắm không chỉ về thời trang, về du lịch mà ngay cả về mua sắm thực phẩm cũng thay đổi.

Trên sân thượng ngày thường thì nghĩ trồng vài cây hoa, cây cảnh chơi chơi. Giờ đây, tôi thay thế bằng những loại rau cải, rau muống, rau thơm, kinh giới, tía tô… Điều này thực ra tiết kiệm không được là bao nhưng rất tiện lợi vì ít phải đi chợ, ít tiếp xúc với người lạ hơn.

Tự làm một số loại giá đỗ, rau mầm, rất đơn giản mà lại an toàn. Trước đây, chính tôi rất thích uống mấy thứ đồ uống có ga, có cồn nhưng nay đã thay thế bằng những loại đồ uống tự chế như nước chanh, nước ép vừa tiết kiệm, vừa bổ dưỡng.

Duy trì sức khỏe tốt

Giữ gìn sức khỏe không có gì khác ngoài phải tính chủ động “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Tự chăm sóc sức khỏe bản thân chưa bao giờ là muộn. Ý thức chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân vẫn là điều kiện tiên quyết.  

Ai cũng biết tập thể dục là để có một cơ thể khỏe mạnh để có sức đề kháng tốt. Thế nhưng, thường ngày thì không được chú trọng. Nay tôi tận dụng mọi hình thức, ngay cả khi nấu cơm, nghe đài, nghe nhạc, cũng có thể tập thể dục. Để thúc đẩy tinh thần của các thành viên khác, tôi đưa ra ý tưởng “thể dục tập thể”. Bật to băng đĩa và chơi môn tập “nối vòng tay lớn” để tạo ra bông hoa sinh động.

Để chống cảm cúm, hàng ngày tôi đều đun một nồi nước sả, gừng, quế, hồi, chanh rồi để giữa nhà. Vừa là khử trùng, vừa để tạo mùi hương đồng nội ngọt ngào, không gian thân mật được tăng lên. Nhà cửa sạch sẽ để không tạo điều kiện cho vi trùng, vi khuẩn xâm nhập.

Bữa ăn hàng ngày có thức ăn vẫn chỉ là chút thịt, chút cá nhưng tăng thêm rau xanh, nước quả ép… nhưng được tôi chăm chút hơn. Không phải chăm chút là nhiều đồ ăn hơn mà là chăm chút về mặt hình thức, bày biện trang trí đẹp hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ