Gia Định tam hùng - Kỳ 2: Cờ nghĩa Đông Sơn, tên độc chúa Nguyễn

GD&TĐ - Cùng với Võ Tánh, Đỗ Thanh Nhơn được người đời xưng tụng là “Gia Định tam hùng”. Thế nhưng, ông lại sớm lìa đời bởi lập nhiều công trạng lẫn những hiềm khích trên chốn quan trường.

Mộ Đỗ Thanh Nhơn ở Bình Dương.
Mộ Đỗ Thanh Nhơn ở Bình Dương.

Đỗ Thanh Nhơn còn được biết đến với tên Đỗ Thanh Nhân, hiện chưa rõ năm sinh. Ông là người hợp binh Đông Sơn, cứu chúa Nguyễn thoát khỏi quân Tây Sơn. Nhưng cuối cùng, ông bị chúa Nguyễn cho võ sĩ mai phục bắn tên độc giết chết.

Cứu chúa lập công

Dù lập nhiều công trạng, Đỗ Thanh Nhơn vẫn bị Nguyễn Ánh hạ sát.

Dù lập nhiều công trạng, Đỗ Thanh Nhơn vẫn bị Nguyễn Ánh hạ sát.

Theo một số tài liệu sử học, Đỗ Thanh Nhơn xuất thân từ huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên, sau về sống ở trấn Phiên An, Gia Định sau này. Thời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765 - 1777), anh em Tây Sơn hiệu triệu dân chúng, khởi nghĩa lớn mạnh, đánh chiếm nhiều địa bàn thuộc quyền kiểm soát của chúa Nguyễn.

Năm 1775, chúa Nguyễn Phúc Thuần bị Tây Sơn đuổi chạy đến Trấn Biên. Quân cứu viện không đến kịp, nhân cơ hội này Đỗ Thanh Nhơn gọi bằng hữu hợp binh ở Ba Giồng được hơn 3.000 người, xưng là “Đông Sơn thượng tướng quân” rồi đem binh cứu giá.

Từ Ba Giồng, Đỗ Thanh Nhơn đưa quân đánh úp quân Tây Sơn do Nguyễn Lữ chỉ huy, thắng luôn mấy trận. Nguyễn Lữ biết không địch nổi, lấy thóc trong kho chở hơn hai trăm thuyền chạy về Quy Nhơn.

Đỗ Thanh Nhơn lấy lại được Gia Định bèn đón chúa Nguyễn Phúc Thuần trở lại. Do lập được đại công, Đỗ Thanh Nhơn được chúa Nguyễn cho giữ hàm Chưởng dinh Ngoại hữu, phong tước Phương quận công. Tướng sĩ Đông Sơn đều được ban thưởng theo thứ bậc.

Bấy giờ, có viên tướng đi theo Tống Phúc Hiệp là Lý Tài, gốc người Hoa, chỉ huy đạo Hòa Nghĩa quân. Trước khi tham gia phong trào Tây Sơn từng kiếm sống bằng nghề buôn bán. Đi với Tây Sơn một thời gian, Lý Tài từng làm phó tướng cho Nguyễn Huệ, nhưng do nhiều phen bại trận, thay vì quyết chí lập công, Lý Tài lại tỏ ra bất mãn.

Tướng của chúa Nguyễn ở Phú Yên biết rất rõ điều này nên đã chiêu hàng được Lý Tài. Chúa Nguyễn Phúc Thuần muốn thu dùng Lý Tài, nhưng Đỗ Thanh Nhơn vì muốn tranh giành địa vị nên nói: Lý Tài chẳng qua cũng chỉ là loài chó, loài heo, có dùng cũng vô ích mà thôi.

Bởi lời này, Lý Tài kết oán với Đỗ Thanh Nhơn. Đến khi Tống Phúc Hiệp mất, Lý Tài lo Đỗ Thanh Nhơn làm hại mình, bèn đem thuộc hạ chiếm giữ núi Châu Thới chống lại Đỗ Thanh Nhơn.

Tháng 11/1776 do sức ép của Lý Tài, chúa Nguyễn Phúc Thuần làm lễ nhường ngôi cho cháu ruột mình là Nguyễn Phúc Dương (Tân Chính Vương). Lý Tài được Nguyễn Phúc Dương phong là Bảo giá đại tướng quân. Đỗ Thanh Nhơn vì đang chống đối Lý Tài nên không đến dự lễ nhường ngôi, Tân Chính Vương phong cho Phạm Công Lý giữ chức Ngoại hữu thay Nhơn.

Năm sau (1777), Nguyễn Huệ đem quân đánh chiếm Gia Định lần thứ 2. Tân Chính Vương sai Lý Tài đem Nghĩa Hòa quân ra Hóc Môn cự chiến. Lý Tài xa thấy bóng cờ, ngờ là quân Đông Sơn đến đánh úp mình nên tự rút quân về. Quân Tây Sơn thừa thế đuổi theo, Lý Tài hoảng loạn chạy về Ba Giồng thì bị quân Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhơn đón đường giết chết. 

Đỗ Thanh Nhơn họp binh Đông Sơn cứu chúa Nguyễn (tranh minh hoạ).

Đỗ Thanh Nhơn họp binh Đông Sơn cứu chúa Nguyễn (tranh minh hoạ).

Bị hạ sát bằng tên độc

Các nhà khoa học nghiên cứu mảnh xương quai xanh được cho là hài cốt Đỗ Thanh Nhơn.

Các nhà khoa học nghiên cứu mảnh xương quai xanh được cho là hài cốt Đỗ Thanh Nhơn.

Xương quai xanh của hài cốt nam giới, bên trái nguyên vẹn, bên phải bị gãy do vật nhọn tác động. Đoạn xương gãy có màu xanh đồng, khác biệt với những mảnh xương khác. Sau khi giải phẫu, các nhà khoa học kết luận, chủ nhân có thể đã bị tử thương. Vết vỡ không bình thường và chất độc ở vết thương đã làm cho đoạn xương phản ứng đổi từ màu trắng thành xanh đồng.

Tướng Tây Sơn là Nguyễn Huệ chiếm được Sài Gòn, Tân Chính Vương cùng cận thần bị Tây Sơn bắt giết. Thái thượng vương Nguyễn Phúc Thuần bỏ chạy về Long Xuyên nhưng tới tháng 9 năm 1777 cũng bị Tây Sơn bắt được và giết đi.

Không thể để ngôi chúa bỏ trống, đầu năm Mậu Tuất (1778), Nguyễn Phúc Ánh, cháu Nguyễn Phúc Thuần khi này mới 17 tuổi được các tướng tôn làm Đại nguyên soái, Nhiếp quốc chính. Từ đó, Đỗ Thanh Nhơn được kề cận phò tá Nguyễn Phúc Ánh.

Sau đó Đỗ Thanh Nhơn lập nhiều công trạng, cùng Lê Văn Quân giết Tư Khấu Oai ở sông Bến Nghé, cùng Hồ Văn Lân đi Chân Lạp giết Nặc Ong Vinh, tôn con là Nặc Ong Ẩn lên ngôi Chân Lạp, để Hồ Văn Lân ở lại bảo hộ, còn mình kéo quân về Gia Định.

Năm 1780 Nguyễn Ánh xưng vương, phong Đỗ Thanh Nhơn làm Ngoại hữu phụ chính Thượng tướng quân, tước Quận công. Đường hoạn lộ của Đỗ Thanh Nhơn vô cùng thuận lợi, chỉ trong 6 năm từ chức quan võ nhỏ nhất leo lên đến chức quan võ cao nhất triều đình.

Tuy có tài nhưng Đỗ Thanh Nhơn cũng nhiều tật, ngang tàng, ăn nói bạt mạng nên làm mất lòng nhiều người. Khi Nguyễn Ánh bày tỏ ý định cầu viện quân Xiêm và quân Pháp để đánh Tây Sơn, Nhơn thẳng thừng can ngăn: “Mời họ đến thì dễ, đuổi họ đi mới khó”.

Do nghịch ý Nguyễn Ánh nên ông bị vua ghét. Triều thần có người khuyên Nguyễn Ánh là Đỗ Thanh Nhơn lộng quyền, có nguy cơ phản loạn nên trừ bỏ sớm để ngăn hậu họa. Nguyễn Ánh chuẩn y, vờ bệnh nặng cho mời Đỗ Thanh Nhơn về gặp rồi cho võ sĩ mai phục ngoài tư dinh bắn tên tẩm thuốc độc hạ sát.

Đỗ Thanh Nhơn vừa ra khỏi dinh bị trúng ba mũi tên, khi chất độc phát tác, biết không sống được, ông ngửa mặt lên trời kêu lớn: “Tôi chết không nhắm mắt nhưng hậu thế sẽ không chê cười tôi”.

Sợ tội tru di tam tộc, con cháu ông sau khi bí mật chôn cất đã phải tản mát đi nơi khác và thay tên đổi họ để tránh họa. Mãi sau này vua Thiệu Trị mới giải oan cho ông cùng nhiều công thần khác.

Hai tướng tâm phúc của Thanh Nhơn là Võ Nhàn (anh trai Võ Tánh) và Đỗ Bảng, rút binh về Ba Giồng, chống Tây Sơn lẫn chúa Nguyễn. Nguyễn Ánh cho người đi khuyết dụ, nhưng hai tướng không tin. Về sau nhờ cho người trà trộn vào trong quân, bắt sống được Võ Nhàn và Đỗ Bảng đem chém. Từ đó, binh Đông Sơn bị phân tán.

Thông đồng với Tây Sơn?

Sách “Việt sử tân biên” chép: Trong khi Đỗ Thanh Nhơn lập nhiều công lớn, thì chúa Nguyễn Ánh đã nghe lời dèm pha đem giết đi... Rồi sử sách (Gia Định thông giám) của triều Nguyễn đã cố bào chữa về cái chết này: Họ bảo Đỗ Thanh Nhơn đã quá cậy công, có ý thông đồng với Tây Sơn để làm phản”.

Thủ lĩnh Tây Sơn Nguyễn Nhạc nghe tin Nhơn bị Nguyễn Ánh giết thì cười nói rằng: “Thành Nhơn bị giết, các tướng còn lại không đáng sợ”. Sau đó, anh em Nguyễn Nhạc đưa quân đánh vào Gia Định, khiến Nguyễn Ánh phải lưu vong.

Sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” viết: Trước, Đỗ Thanh Nhơn tự phụ là người có tài và dũng cảm hơn thiên hạ, trong tay lại có đội quân Đông Sơn cho nên vẫn ngấm ngầm làm chuyện ngang ngược và lộng hành... Khi Tây Sơn vào lấn cướp, hắn lén đem quân vào núi để đầu hàng làm phản, nhưng mưu ấy không thành.

Sử người phương Tây cho rằng, cái tội của Đỗ Thanh Nhơn chỉ là do làm được nhiều công lớn, uy thế lừng lẫy hầu làm lu mờ cả địa vị ông chúa trẻ tuổi (lúc này Nguyễn Ánh mới 18 tuổi). Trước vụ này, Giám mục Bá Đa Lộc đã hết lời can ngăn chúa Nguyễn mà không xong.

Dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - Gia Định, bà Đỗ Thị Mới và Huỳnh Thị Đệ đại diện hậu duệ của Đỗ Thanh Nhơn đã gửi thư cho nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật đề nghị giúp hai việc: Tìm cách làm rõ công và tội cho Đỗ Thanh Nhơn và tìm mộ phần thất lạc.

Mộ phần thất lạc có người nói nằm ở đất Lưỡng Long hoặc khu Tháp Hòa (Phú Lâm), nhưng nhiều lần đi tìm không thấy dấu vết. Vào năm 2002, thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) mở đường. Cạnh đường Phạm Ngũ Lão có một ngôi mộ cổ gọi là mộ Ông Lớn. Chính quyền địa phương muốn biết đây là mộ của ai, nên mời nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật tới nghiên cứu.

Khi phò chúa Nguyễn, Đỗ Thanh Nhơn từng tham gia nhiều cuộc chiến ở Chân Lạp.

Khi phò chúa Nguyễn, Đỗ Thanh Nhơn từng tham gia nhiều cuộc chiến ở Chân Lạp.

Ở trên miếu thờ gần ngôi mộ có ghi ba chữ “Đỗ Hiệp Trấn”. Ông Truật mừng thầm, linh cảm đã tìm thấy mộ Đỗ Thanh Nhơn khi thấy phần cuối tấm minh văn có ghi tên hai người lập là Đỗ Bản và Võ Nhàn – hai thuộc tướng trung thành với Đỗ Thanh Nhơn.

Tháng 7/2005, việc khai quật ngôi mộ bắt đầu. Các nhà khoa học xác định, ngôi mộ từng đặt ở khu đồi vắng, được chôn cất theo thuật phong thủy “đầu gối thiên sơn, chân đạp vạn thủy”, địa trạng nằm đúng cung Tốn, để đầu về phía Bắc là Phước đức, chân về phía Nam là Thiên y.

Mộ làm bằng hợp chất vôi mật ong, cát, than trộn với nhựa cây ô dước cứng như xi măng, phía dưới có gạch bản xây làm vách ngăn huyệt mộ, sau khi vất vả phá lớp này, hiện ra bên trong mộ có hai hố cát lộ hai quan tài một nam, một nữ. Hài cốt nữ còn 12 chiếc răng, ước tính có độ tuổi tầm 60. Nam giới cao tầm 1,6 m còn 5 cái răng, độ tuổi tầm 50.

Sau khi nghiên cứu cấu trúc ngôi mộ, độ tuổi hài cốt, thời gian tái táng đều trùng hợp với giả thiết về trường hợp Đỗ Thanh Nhơn. Đặc biệt, ngôi mộ nằm chỉ cách 200m so với tư dinh cũ của Đỗ Thanh Nhơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.