Thời thế tạo anh hùng, nếu như dưới trướng anh em Nguyễn Huệ có “Tây Sơn tứ kiệt”, thì bên chúa Nguyễn có “Gia Định tam hùng”. Họ đều là những tướng lĩnh dũng mãnh tài ba, trung liệt với minh chủ.
Kỳ 1: Lửa trung đốt đỏ gương hào kiệt
Cũng như Trần Quang Diệu là người trung thành với nhà Tây Sơn từ lúc khởi nghĩa đến khi thất thế, thì Võ Tánh đã cống hiến cả tính mạng cho sự phục hưng cơ nghiệp chúa Nguyễn.
Theo chúa Nguyễn lập công trạng
Võ Tánh hay Võ Tính (1768 – 1801) sinh tại làng Phước Tỉnh, huyện Phước An, phủ Phước Tuy, thuộc dinh Trấn Biên (Biên Hòa). Một số tư liệu cho rằng, vào năm Giáp Thìn (1783), khi quân Tây Sơn tiến vào Gia Định, Nguyễn Ánh phải lánh nạn ở Băng Cốc.
Trong thời gian này, tại Phù Viên (Gia Định), Võ Tánh tích cực tìm cách tuyển mộ những người hiền tài, cùng anh trai là Võ Nhàn xây dựng lực lượng chống lại quân Tây Sơn.
Các thủ lĩnh Tây Sơn thường nói với nhau rằng Gia Định là nơi sinh sống của 3 vị anh hùng, trong đó có Võ Tánh và lệnh cho quân không được tấn công họ.
Những năm chúa Nguyễn lánh sang Xiêm, Võ Tánh huy động binh tướng đóng ở vùng Thập Bát Phù Viên, sau thấy không tiện bèn dời về Định Tường giữ bãi Khổng Tước, quân sĩ có đến hơn một vạn.
Năm 1788 chúa Nguyễn trở về nước, cử người tiếp xúc với Võ Tánh, thuyết phục theo về với chúa. Tháng 4/1788, Võ Tánh ra mắt chúa Nguyễn Ánh. Chúa mừng, phong ông làm tiên phong doanh Khâm sai Tổng nhung Chưởng cơ, rồi còn gả em gái là công chúa Ngọc Du.
Võ Tánh là một người tài năng, lại giỏi binh nghiệp. Những chiến công hiển hách của ông khiến Nguyễn Ánh vô cùng ngưỡng mộ và không tiếc lời khen ngợi: “Một vị tướng vĩ đại sánh ngang với các anh hùng huyền thoại. Đó là tài sản quý báu của quốc gia”.
Năm 1790, Võ Tánh tiến đánh thành Diên Khánh chiếm được phủ thành, đánh bại tướng Tây Sơn là Đào Văn Hồ. Trong trận tiến đánh thành Diên Khánh, chúa Nguyễn Ánh đã phải thốt lên rằng: “Trước… Tây Sơn mà khanh vẫn giữ được và bảo vệ nguyên vẹn thành. Đúng là gió lớn mới biết cỏ cứng, sóng to mới biết người vững tay chèo”.
Năm 1793, Võ Tánh được thăng chức Khâm sai Quản Soái hậu quân doanh, Bình Tây tham thắng tướng quân hộ giá. Khi trấn thủ thành Diên Khánh, Võ Tánh dùng mưu đuổi quân Tây Sơn đến vây thành vào năm 1794. Sau đó ông được phong tước Quận công kiêm lãnh chức Đại tướng quân.
Năm 1797, ông theo Nguyễn Ánh ra đánh Quảng Nam. Thừa thắng vượt sông Mỹ Khê (Quảng Ngãi) đánh bại Đô đốc Tây Sơn Nguyễn Văn Giáp.
Quên bản thân, dâng mẹo mực
Năm Kỷ Mùi (1799), Nguyễn Ánh cầm quân đi đánh Quy Nhơn và giành thắng lợi trước quân Tây Sơn. Đại quân đã chiếm thành Bình Định và bắt giữ hơn 6.000 quân Tây Sơn. Vui mừng trước chiến thắng này, nhiều danh tướng muốn tiếp tục tiến quân vào Phú Xuân (Huế).
Tuy nhiên theo lời khuyên của Võ Tánh, cho rằng đây là cuộc phiêu lưu khá mạo hiểm bởi quân binh vẫn khá mỏi mệt. Nguyễn Ánh nghe theo rút về Gia Định, giao thành Bình Định cho Võ Tánh và Lễ bộ tham tri Ngô Tùng Châu trấn giữ.
Nghe tin này, hai tướng Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng của Tây Sơn đem quân thủy bộ tấn công thành Bình Định. Đồng thời áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm chặn đường quân chi viện. Võ Tánh phái Lê Chất tới Gia Định để báo cho Nguyễn Ánh biết.
Lúc này, thành Bình Định đã bị quân Tây Sơn bao vây. Do tin tưởng vào Võ Tánh và đại quân của mình, đồng thời dự tính lương thực trong thành còn đủ một năm nên Nguyễn Ánh không gửi quân cứu viện. Nguyễn Vương muốn chờ đến mùa xuân mới điều lực lượng thủy quân tới giải vây.
Vào năm Canh Thân (1800), nhận được tin quân tăng viện đến cảng Cù Mông, Võ Tánh liều mạng đem quân ra đánh và ít nhiều đã gây tổn thất cho quân Tây Sơn. Mặc dù vậy vẫn không thể đánh đuổi được đội quân này ra khỏi vị trí cố thủ. Quân chi viện cũng không tới được thành, không giúp ích gì cho lực lượng bị bao vây.
Năm Tân Dậu (1801), quyết tâm hi sinh thành Bình Định để cứu ái tướng và đại binh, Nguyễn Ánh gửi mật tín lệnh cho Võ Tánh rời thành và rút lui. Cho rằng mọi lối thoát đều đã bị chặn và cách duy nhất là giao chiến, tức là quân lính khó thoát khỏi cuộc tàn sát, Võ Tánh tâu lên chúa Nguyễn như sau:
“Lúc này, trọng binh Tây Sơn đang đóng ở Bình Định, lực lượng ở Phú Xuân rất mỏng. Thời cơ đang đến, thần khẩn cầu chúa thượng dẫn quân ra chiếm Phú Xuân và như vậy sẽ dễ dàng giành thắng lợi. Nếu cái chết của thần mà đổi lại được thành Phú Xuân, thần cũng cam lòng, và thần tin rằng việc đó sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc cứu mạng thần”.
Nguyễn Ánh xúc động khi đọc bức huyết thư này và không thể nào đưa ra quyết định hi sinh ái tướng của mình. Song, các cận thần đã giải thích cái được và cái mất để thuyết phục chúa Nguyễn theo mưu kế mà Võ Tánh đã nêu.
Chúa Nguyễn để lại một lực lượng nhỏ ở Thị Dã, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Văn Thành để tiến hành chiến tranh du kích chống lại Tây Sơn, và để tăng cường cho đội quân của Võ Tánh trong trường hợp cần thiết. Nguyễn Ánh cũng lệnh cho lực lượng thủy binh và bộ binh tiến về hướng Phú Xuân.
Để báo cho đội quân bị vây hãm biết đại quân đã lên đường, theo thỏa thuận một ngọn đuốc lớn được thắp trên đỉnh núi cao. Khi đó, Võ Tánh sẽ ra ngoài để thu hút sự chú ý của quân địch.
Vừa giải vây thành Phú Xuân xong, chúa Nguyễn lập tức gửi quân cứu viện xuống Bình Định. Tuy nhiên, vừa tới Quảng Ngãi, đội quân dưới sự chỉ huy của Lê Văn Duyệt và Tống Viết Phúc, nhận được tin thành Bình Định thất thủ.
Tử tiết cứu ba quân
Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng nghe tin thành Phú Xuân thất thủ liền sai quân ra cứu vua Cảnh Thịnh. Quân ra tới Quảng Nam thì bị chặn đường phải lui. Trần Quang Diệu nổi giận đốc quân ngày đêm đánh thành. Sau một thời gian dài bị vây hãm, lương thực cạn kiệt khiến binh sĩ đói khát và thiếu thốn đủ thứ.
Trước tình cảnh này, có người khuyên Võ Tánh nên vượt vòng vây trốn thoát. Tuy nhiên, ông cương quyết ở lại: “Ta phụng mạng giữ thành này, nên thề với thành cùng sống chết. Nếu bỏ thành mà hèn nhát trốn lấy một mình, thì sau này còn mặt mũi nào trông thấy chúa thượng?”.
Võ Tánh gửi thư cho Trần Quang Diệu: “Tướng quân thua trận mà chết là việc của ta, quân lính không có tội gì, chớ nên giết hại họ”. Ông nói với quân sĩ: “Ta rồi cũng sẽ chết nhưng để giặc không nhìn thấy mặt ta, ta muốn phóng hỏa tự thiêu”.
Lúc đó Võ Tánh cho dựng lầu Bát Giác, vài ngày sau ông mặc triều phục rồi bước lên lầu. Trước khi sai thuộc hạ lấy rơm củi chất dưới lầu Bát Giác, ông gửi lời cảm ơn quân sĩ: “Trong hai năm qua, nhờ đức hi sinh và lòng dũng cảm của các vị mà ta đã giữ được thành trước một kẻ thù hùng mạnh.
Nay trong thành lương ăn đã hết, các vị cũng đã sức cùng lực kiệt, ta không thể tiếp tục cuộc chiến được nữa. Vì vậy, để các vị không phải chịu đau khổ và hi sinh cuộc sống của mình một cách vô ích, ta sẽ chết”.
Sau khi dứt lời, ông ra hiệu cho tướng sĩ rút lui rồi châm ngòi tự thiêu. Quan Tham tri Ngô Tùng Châu cũng uống thuốc độc tự vẫn.
Trần Quang Diệu vào thành Quy Nhơn tha cho cả bọn tướng sĩ và sai làm lễ liệm táng Võ Tánh và Ngô Tùng Châu.
Xót xa trước sự hi sinh của Võ Tánh, vua Gia Long đã nói với các cận thần rằng: Võ Tánh sánh ngang với các anh hùng huyền thoại như Trương Tuần, Hứa Viễn… Ta lệnh cho Tổng trấn thành Gia Định coi sóc gia đình của Võ Tánh và truy tặng vị đại tướng quân này là Dực Vận công thần Thái úy Quốc công. Bài vị Võ Tánh được đặc cách thờ tại Thế Miếu nơi chỉ dành riêng cho hoàng tộc.
Trước cái chết trung liệt của Võ Tánh, người dân Bình Định lưu truyền câu ca: Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên/ Cảm thương quan Hậu thủ thành ba năm.
Công chúa Ngọc Du - vợ Võ Tánh có thơ khóc chồng: Những tưởng ra tay giúp nước nhà/ Ai dè bình địa nổi phong ba/ Xót người vị quốc liều thân ngọc/ Khiến thiếp cô phòng ủ mặt hoa/ Gối mộng mơ màng duyên nợ cũ/ Đài mây xiêu lạc phách hồn xa/ Lửa trung đốt đỏ gương hào kiệt/ Nóng ruột thuyền quyên giọt lệ sa.
Mộ gió Võ Tánh nằm ẩn sâu trong con hẻm 19 Hồ Văn Huê (Phường 9, quận Phú Nhuận, TPHCM). Mộ được xây dựng vào năm 1801. Tương truyền vì không đưa được thi hài Võ Tánh từ Bình Định về Gia Định chôn cất, Nguyễn Ánh đã cho làm một hình nhân bằng sáp để mai táng.