Giả danh cựu chiến binh để lừa quan chức Liên Xô cũ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -  Kẻ lừa đảo nổi tiếng Venya qua đời năm 1969 ở tuổi 55. Ngôi mộ của ông được đặt tại nghĩa trang Kiev và thu hút những khách du lịch hiếu kỳ.

Những thông tin và chân dung kẻ mạo danh Venya do cơ quan điều tra Liên Xô thu thập được.
Những thông tin và chân dung kẻ mạo danh Venya do cơ quan điều tra Liên Xô thu thập được.

Lợi dụng vẻ ngoài tàn tật, Veniamin Vaisman đã vẽ nên câu chuyện về một cựu chiến binh hy sinh thân mình cho Tổ quốc để lừa tiền của các chính trị gia cấp cao. Đích thân lãnh đạo Joseph Stalin đã phát đi thông báo yêu cầu tìm và truy bắt kẻ lừa đảo này.

Cựu chiến binh trong Thế chiến 2

Bộ trưởng Hạm đội Đường sông Liên Xô Zosima Shaskov, chính trị gia đầu tiên bị Venya lừa đảo.

Bộ trưởng Hạm đội Đường sông Liên Xô Zosima Shaskov, chính trị gia đầu tiên bị Venya lừa đảo.

Vào một ngày tháng 3/1946, một người đàn ông chống nạng, bước đi khập khiễng trên đôi chân giả tiến đến Văn phòng Hạm đội Đường sông Liên Xô và xin được gặp Bộ trưởng Zosima Shaskov.

Người đàn ông có vẻ bề ngoài kham khổ, mặc quân phục và đeo hai Ngôi sao Anh hùng, huy chương dành cho những người đóng góp cho sự phát triển của Liên bang Xô viết.

Người này tự giới thiệu mình là lính xe tăng và là thuyền trưởng tàu hộ vệ Kuznetsov, mang hàm đại úy. Trong cuộc chiến với Đức Quốc xã gần thủ đô Berlin, người này đã xông pha cứu một nhóm lính người Liên Xô mắc kẹt trong chiếc xe tăng T-34 và bị thương ở chân. Đôi chân sau đó hoại tử, phải cắt bỏ.

Khi trở lại Liên Xô, với đồng lương ít ỏi, người lính 32 tuổi cùng gia đình đã lâm vào hoàn cảnh nghèo đói. Không còn cách nào khác, anh ta đành phải nhờ đến sự giúp đỡ của những “đồng đội” trong quá khứ.

Thương cảm cho hoàn cảnh của người lính tật nguyền, Bộ trưởng Zosima Shaskov đã quyết định trao tặng thương binh 2.300 rúp cùng 7m vải sa tanh và vải lanh để sắm sửa cho gia đình. Riêng người lính được trao tặng một bộ vest thẳng thớm, quần áo trong và một đôi ủng Mỹ chắc chắn xuất từ kho nhà nước.

Vài ngày sau, người đàn ông này xuất hiện trước mặt Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Thực phẩm Nga Vasily Zotov trong hình ảnh một người chăn nuôi gia súc tật nguyền.

Anh ta tiếp tục giới thiệu mình là một đại úy đã chiến đấu trong quân đoàn xe tăng của Tướng Mikhail Yefimovich Katukov, một trong những vị tướng nổi tiếng của Hồng quân Liên Xô.

Câu chuyện về cuộc sống khó khăn sau chiến tranh của người đàn ông này đã khiến Bộ trưởng Vasily rơi lệ. Ông lập tức trao tặng anh ta 2.000 rúp và nhiều nhu yếu phẩm khác.

Chẳng bao lâu sau, người ta lại bắt gặp hình ảnh người lính tật nguyền trước cổng Bộ Công nghiệp Lâm nghiệp Liên Xô. Lần này, người đàn ông được Bộ trưởng Mikhail Saltykov ủng hộ 2.500 rúp cùng rất nhiều quần áo, vải vóc thời thượng.

Cứ như vậy, sau ít ngày, hắn ta lại xuất hiện ở các cơ quan chính phủ lớn, yêu cầu gặp những vị quan chức cấp cao và kể lại câu chuyện huy hoàng về sự hi sinh thân mình cứu đồng nghiệp trong chiến tranh. Mỗi lần, người đàn ông ra về cùng những súc vải, những đồng tiền vàng chật ních trong túi.

Thế nhưng, người đàn ông này không phải một người lính thực thụ. Toàn bộ câu chuyện anh hùng cũng là do hắn ta bịa ra, đánh vào lòng trắc ẩn của những vị quan lớn để được cho tiền. Đại úy “rởm” tên thật là Veniamin Vaisman, biệt danh là Venya Zhitomirsky. Hắn ta là một tên trộm đã nhiều lần “vào tù ra tội” với thủ đoạn lừa đảo tinh quái.

Quá khứ “vào tù ra tội”

Veniamin Vaisman là tên trộm nổi tiếng dưới thời Liên Xô cũ.

Veniamin Vaisman là tên trộm nổi tiếng dưới thời Liên Xô cũ.

Veniamin Vaisman sinh năm 1914, tại thành phố Zhitomir, Ukraine, trong một gia đình người gốc Do Thái có cha mẹ làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Thói trộm cướp của Veniamin bắt đầu từ năm 1923, khi lên 9 tuổi.

Một ngày nọ, cha của Veniamin phát hiện bị mất chiếc đồng hồ vàng nên đã báo cảnh sát. Rất nhanh sau đó, các sĩ quan phát hiện kẻ trộm không ai khác chính là con trai của nạn nhân. Veniamin bị đưa đến trại cải tạo tập trung dành cho thanh, thiếu niên nhưng đã trốn thoát sau đó một tháng.

Kể từ đó, Veniamin bỏ nhà đi bụi và sống nhờ vào tài ăn trộm. Hắn ta không ít lần bị cảnh sát bắt được và tống vào tù nhưng rất nhanh sau đó lại trốn thoát. Cho đến năm 18 tuổi, Veniamin được cho là đã ra vào nhà tù 9 lần.

Mỗi lần, hắn ta lại xuất hiện với một cái tên mới như Trachtenberg, Zilbenstein, Rabinovich... Nhưng trong giới tội phạm, mọi người dần biết đến hắn ta với biệt danh Venya.

Năm 1934, Venya cùng đồng bọn lên kế hoạch cướp một toa hàng hóa. Dù phi vụ thành công, chẳng bao lâu sau, Venya bị bắt. Sẵn hồ sơ “đen”, hắn ta bị đưa đến trại lao động cưỡng bức ở vùng Nizhneamurskaya trong vòng 10 năm. Nhưng đến tháng 3/1940, hắn ta lại thành công trốn thoát. Trở về cuộc sống bình thường, Venya tiếp tục hành nghề trộm cắp, sống xa hoa, tiêu tiền phung phí.

Đến năm 1945, khi bị bắt trở lại nhà tù, Venya quyết định sẽ bỏ trốn vào mùa Đông vì cho rằng sương giá sẽ ngăn cản chó đặc vụ lần theo dấu vết. Tuy nhiên, vì giá lạnh và tuyết rơi dày đặc, hắn bị lạc trong rừng và ngất xỉu giữa tiết trời âm 40 độ C sau 5 ngày bị bỏ đói.

Đến khi người dân gần đó phát hiện ra Venya, chân hắn đã bị hoại tử. Hắn ta chỉ có thể giữ lại mạng sống sau khi bị cắt bỏ hai chân và ngón tay út bên trái. Dù bị đưa trở lại nhà tù sau khi điều trị, Venya được thả ra vào tháng 7/1945 theo diện ân xá người tàn tật.

Dù được tha bổng, Venya chẳng những không biết ăn năn hối cải, mà còn tiếp tục kiếm sống bằng nghề phạm tội. Tuy nhiên, do đôi chân tàn tật, hắn ta không còn đủ nhanh nhẹn để đi ăn trộm như trước đây. Vì vậy, hắn ta phải nghĩ ra một kế hoạch lừa đảo tinh vi hơn, nhắm vào tầng lớp giàu có.

Tình cờ, Venya đọc được một mẩu tin trên báo về một người khuyết tật đến gặp một quan chức nổi tiếng nhờ giúp đỡ nhưng bị người này xua đuổi. Vì quá bất bình, Venya thề sẽ trả thù thay cho người nọ.

Lộ tẩy chân tướng

Vasily Stalin (trái), con trai lãnh đạo Joseph Stalin, là nhân vật trong câu chuyện lừa đảo của Venya.

Vasily Stalin (trái), con trai lãnh đạo Joseph Stalin, là nhân vật trong câu chuyện lừa đảo của Venya.

Hắn ta bắt đầu dồn tiền bạc mua huy chương giả Anh hùng Liên Xô, tài liệu về Chiến tranh Thế giới thứ 2 kèm theo đôi chân giả bằng gỗ sơ sài có thể đi lại được.

Sau đó, Venya dành nhiều thời gian quanh quẩn ở các ga xe lửa, quán rượu và lắng nghe các cuộc trò chuyện của những cựu chiến binh để tìm hiểu về các hoạt động quân sự, đặc biệt là các trận đánh xe tăng.

Khi nắm được những kiến thức giá trị, Venya mua một bộ quân phục sĩ quan rồi bắt đầu vẽ nên câu chuyện về một thương binh quả cảm trong thời chiến.

Cách vài ba ngày, Venya lại xuất hiện tại văn phòng các bộ trưởng cấp cao Liên Xô. Vốn dĩ, tiếp cận những nhân vật này không hề dễ dàng nhưng hắn ta đã hai lần được trao tặng Huy chương Anh hùng và là một thương binh.

Khi gặp gỡ vị bộ trưởng nào, hắn ta cũng tìm hiểu rất kỹ về lĩnh vực người này đang quản lý để vẽ nên câu chuyện chân thực nhất. Tại Bộ Tài chính, hắn ta xưng là kế toán. Tại Bộ Giao thông, hắn ta là tài xế lái xe điện... Với tài ăn nói thuyết phục cùng vẻ bề ngoài khắc khổ, bất kỳ ai cũng tin câu chuyện mà Venya vẽ ra.

Chỉ trong một năm, Venya đã được các chính trị gia quyên tặng vô số tiền mặt, vải vóc và hàng hóa. Hắn ta thậm chí còn táo tợn đến mức tìm đến Thư ký của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Nicolai Patolichev và than phiền về điều kiện sống khó khăn. Ngay lập tức, ông Nicolai đã ra thông báo tặng cho vị thương binh anh hùng một căn hộ nằm ở trung tâm Kiev với đầy đủ trang thiết bị.

Nhờ đó, hắn ta có thể ăn uống tại những nhà hàng hạng sang, tham gia các bữa tiệc thân mật của giới chức giàu có và nướng hàng nghìn rúp vào các sới bạc. Khi nào hết tiền, hắn ta chỉ cần khoác lên mình bộ dạng khắc khổ và tìm đến các chính trị gia giàu có.

Tuy nhiên, Venya đã mắc sai lầm chết người. Khi trò chuyện với Bộ trưởng Công nghiệp Hàng không Mikhail Khrunichev, Venya đã khoác lác mình từng cứu mạng Vasily Stalin, con trai của lãnh tụ Stalin.

Tình cờ thay, ông Mikhail cũng quen biết Vasily và tự hào đem câu chuyện giúp đỡ ân nhân của Vasily ra kể. Đổi lại, Vasily Stalin chỉ đáp một câu: “Tôi không quen biết người đó”.

Đáp án khiến Bộ trưởng Mikhail vô cùng sửng sốt. Vasily cũng đem chuyện này kể cho cha mình. Stalin sau đó đã yêu cầu cơ quan pháp luật “tìm và trừng phạt” kẻ đưa thông tin bịa đặt. Rất nhanh sau đó, thân thế của Venya đã được xác định và được gửi đến tất cả các cơ quan nhà nước để vây bắt kẻ lừa đảo.

Tuy nhiên, họ phải chờ đợi khá lâu bởi sau khi nhận tiền từ các bộ trưởng, Venya đã lặn mất một thời gian để tiêu pha số tiền này. Đến lúc cảnh sát tưởng đã hết hy vọng thì hắn ta đột nhiên xuất hiện tại Bộ Công nghiệp nặng và bịa ra câu chuyện là người thợ hàn đã bị mất sức khỏe sau khi ra trận vì Tổ quốc.

Như mọi lần, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng đã viết lệnh xuất 2.000 rúp để Venya đến lĩnh tiền tại quầy thủ quỹ. Hắn ta bị lực lượng cảnh sát bắt tại chỗ khi đang nhận tiền.

Venya bị xét xử 9 năm tù giam tuy nhiên vụ án không được công bố vào thời điểm đó bởi có liên quan đến nhiều chính trị gia cấp cao. Hơn nữa, vụ án có thể gây ra phản ứng tiêu cực khi đất nước còn hàng triệu cựu chiến binh đang sống trong cảnh nghèo khổ.

Rời nhà tù năm 1959, Venya đã nhờ cảnh sát tìm giúp một viện dưỡng lão và hứa sẽ sống nghiêm túc tại đó đến hết đời. Cảnh sát đã sắp xếp cho hắn đến một trung tâm dành cho người tàn tật ở Orenbug.

Không chỉ giữ lời hứa với cảnh sát, Venya còn phát hiện giám đốc trung tâm đã ăn chặn tiền trợ cấp dành cho người khuyết tật. Tên giám đốc cùng các tay sai đã bị bỏ tù.

Kẻ lừa đảo nổi tiếng Venya qua đời năm 1969 ở tuổi 55. Ngôi mộ của ông được đặt tại nghĩa trang Kiev và thu hút những khách du lịch hiếu kỳ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Park Hang Seo gây sốt trên mạng xã hội trong tháng 3.

HLV Park Hang Seo gây 'sốt' mạng xã hội

GD&TĐ - Dù đã chia tay tuyển Việt Nam từ lâu nhưng HLV Park Hang Seo vẫn luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của người hâm mộ bóng đá trên dải đất hình chữ S.