Những điệp viên nữ 'khét tiếng' của tình báo Liên Xô

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trong lịch sử, phái đẹp đã góp vai trò quan trọng vào công tác tình báo và hoạt động quân sự của Liên Xô.

Olga Chekhova tham dự một sự kiện cùng Adolf Hitler (ngoài cùng bên trái).
Olga Chekhova tham dự một sự kiện cùng Adolf Hitler (ngoài cùng bên trái).

Nhiều người trong số đó tìm đến với hoạt động tình báo để thể hiện sự ủng hộ, tin tưởng đối với lý tưởng cách mạng và chủ nghĩa xã hội.

Moura Budberg

Moura Budberg (1892 - 1974) sinh ra ở thành phố Poltava, Ukraine, là con gái của một quý tộc, nhà ngoại giao người Nga. Bà là điệp viên hai mang cho Tổng cục Chính trị Nhà nước Liên Xô thời kỳ đầu (OGPU) và Cơ quan Tình báo Anh.

Budberg được biết đến với nhiều tên gọi như Nữ bá tước Benckendorff, Quý bà của nước Nga.

Năm 1911, bà kết hôn với Ioann von Benckendorff, nhà ngoại giao người Đức kiêm thư ký thứ hai của Đại sứ quán Nga tại Đức. Nhờ khả năng sử dụng tiếng Anh và tiếng Đức trôi chảy, bà đã phụ giúp chồng trong công việc ngoại giao. Đến năm 1918, khi ông Benckendorff bị ám sát, Budberg cùng các con quyết định trở lại Nga sinh sống.

Tại đây, bà gặp gỡ và nảy sinh tình cảm với nhà ngoại giao Anh Rober Lockhart, người đứng đầu bộ phận tình báo Anh tại Nga. Hai người từng bị bắt vì nghi ngờ có liên quan đến một âm mưu chống phá chính quyền Xô viết. Lockhart bị trục xuất khỏi Nga. Còn theo các nhà sử học, Budberg có thể đã được thả tự do với điều kiện tham gia vào hoạt động tình báo của Xô viết.

Budberg còn được biết đến có mối quan hệ đặc biệt thân thiết với đại văn hào người Nga Maxim Gorky từ năm 1920 - 1933. Bà đã dịch nhiều tác phẩm của Gorky sang tiếng Anh và được ông viết lời đề tặng trong cuốn tiểu thuyết “The Life of Kilim Samgin”.

Năm 1946, sau khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất kết thúc, Budberg rời Nga đến sống tại Anh và xin nhập quốc tịch Vương quốc Anh. Tưởng như đã biến mất khỏi thế giới, nhưng đến năm 1951, Budberg bị rơi vào tầm ngắm sau khi hai nhà ngoại giao Guy Burgess và Donald Maclean bị phát hiện là cựu gián điệp Nga. Cả hai đều là người quen của Budberg.

Không có nhiều thông tin liên quan đến hoạt động tình báo của Budberg nhưng có nhiều lý giải cho việc Budberg là điệp viên hai mang. Một mặt, Budberg từng yêu và sẵn lòng bảo vệ hai người đàn ông Anh quốc. Mặt khác, bà luôn coi nước Nga là quê hương của mình và được đánh giá là một người yêu nước chân chính.

Anna Revelskaya

Chân dung Anna Revelskaya.

Chân dung Anna Revelskaya.

Cuộc đời của Anna Revelskaya vốn là một ẩn số, đến nỗi nhiều người cho rằng bà không có thật. Tuy nhiên, nhà văn Valentin Pikul đã cố gắng thu thập thông tin về Anna qua hồi ký của các lãnh đạo cấp cao người Đức và Nga để kể lại câu chuyện của bà thông qua tiểu thuyết Moonzund.

Anna Revelskaya được miêu tả là người phụ nữ Nga xinh đẹp, tháo vát. Bà mở một tiệm cafe ở thành phố cảng Libau, nơi quân đội Đức thường xuyên lui tới. Tháng 11/1916, quân đội Đức cử 10 tàu khu trục thăm dò biển Baltic.

Anna đã thông báo tin này cho quân Nga và giúp quân Nga thành công phá hủy 8/10 tàu của Đức. Chỉ trong một đêm, hạm đội Đức đã mất đi những tàu khu trục tân tiến nhất, cản trở kế hoạch tiếp cận một phần biển Baltic.

Lần thứ 2 Anna xuất hiện là vào năm 1917 tại Thụy Điển khi bà yêu cầu gặp lãnh đạo cấp cao của Đại sứ quán Nga tại Stockholm. Theo thông tin mà Anna thu thập được, quân đội Đức sẽ tiến hành kế hoạch đánh chiếm thành phố Petrogard trong vài ngày tới.

Nhờ đó, quân đội Nga có thể đi trước một bước để tấn công hải quân Đức ở lối ra vùng vịnh Riga. Tổng cộng 10 chiến hạm và 6 tàu rà quét thủy lôi của Đức bị phá hủy và kế hoạch Petrogard thất bại hoàn toàn.

Đến tháng 6/1941, một người phụ nữ tầm 40 - 45 tuổi tự xưng là Anna Revelskaya đã đề nghị gặp tùy viên hải quân Đại sứ quán Liên Xô ở Berlin. Bà khẳng định quân Đức sẽ nổ súng tấn công Liên Xô vào đêm 22/6 và cung cấp chi tiết kế hoạch tấn công của quân Đức.

Ngay lập tức, hải quân Liên Xô đã triển khai các biện pháp phòng ngừa bổ sung, nhờ đó, phía hải quân không phải chịu bất kỳ thiệt hại nào trong đợt tấn công hôm đó.

Tuy nhiên, kể từ đó, không ai còn hay tin về Anna Revelskaya cũng không ai biết rõ số phận của bà về sau này.

Olga Chekhova

Olga Chekhova (1897 - 1980) là người dân tộc thiểu số Đức nhưng sinh ra và lớn lên ở Nga. Thời trẻ, bà yêu và kết hôn với Mikhail Chekhov, cháu trai của nhà soạn kịch nổi tiếng Anton Chekhov.

Nhưng cuộc hôn nhân này không kéo dài lâu. Sau khi hai người ly hôn, Olga quyết định định cư tại Đức và làm việc trong một xưởng phim nhỏ. Bà tích cực học tiếng Anh với mong muốn trở thành diễn viên nổi tiếng và gia nhập giới thượng lưu nghệ sĩ.

Trong một dịp tình cờ, Olga được mời đến biểu diễn trong bữa tiệc do Bộ trưởng Tuyên truyền Đức Joseph Goebbels tổ chức và có sự tham dự của Quốc trưởng Adolf Hitler.

Cả Quốc trưởng lẫn Bộ trưởng đều đánh giá cao vẻ đẹp và sự thông minh của bà, nhờ đó, Olga thường xuyên ra vào căn cứ của quân đội Đức để biểu diễn. Trong nhiều sự kiện đình đám, Olga còn được mời đi chung và ngồi cạnh Hitler.

Việc bà chiếm được lòng tin của Quốc trưởng và được phép ra vào căn cứ của quân đội Đức cho thấy Olga có đủ điều kiện thuận lợi để thu thập thông tin mật.

Nữ diễn viên được dạy kỹ thuật mã hóa và giới thiệu về các điểm an toàn, bộ mã bí mật để truyền tin. Có tin đồn rằng, tình báo Xô viết đã lên kế hoạch ám sát Hitler, trong đó, Olga đóng vai trò chủ đạo.

Tuy nhiên, vào phút cuối, lãnh tụ Joseph Stalin đã quyết định hủy kế hoạch do lo ngại giới tướng lính Đức Quốc xã sẽ ký hiệp ước chống Liên Xô với Anh và Mỹ sau khi Hitler chết.

Olga từng bị quân đội Đức nghi ngờ và bắt giam nhưng cuối cùng đã được thả tự do. Olga cũng được quân đội Nga bảo vệ tương đối chặt chẽ. Vào cuối Thế chiến 2, bà được đưa về Moscow và sống trong căn biệt thự nhỏ có lính canh gác.

Năm 1955, bà khai trương hãng mỹ phẩm “Olga Chekhova Cosmestics” tại thành phố Munich, Đức. Hãng mỹ phẩm có thể do Moscow đầu tư nhằm tiếp cận với vợ của các sĩ quan NATO.

Xung quanh cuộc đời Olga vẫn còn rất nhiều tin đồn bí ẩn khác. Dù chưa ai xác nhận Olga là điệp viên của quân đội Nga nhưng cũng không có ai bác bỏ giả thuyết này. Lãnh tụ Stalin cũng từng nhận xét “nữ diễn viên Olga Chekhova sẽ vẫn còn giá trị kể cả sau chiến tranh”.

Elizabeth Zarubina

Được mệnh danh là “viên ngọc” của tình báo Xô viết, Elizabeth Zarubina lớn lên trong một gia đình khá giả có cha là người gốc Do Thái. Năm 1923, bà gia nhập Đảng Cộng sản Áo và làm phiên dịch cho Phái đoàn Thương mại của Liên Xô tại Vienna.

Trong thời gian này, Elizabeth có cơ hội làm việc với các sĩ quan trong Lực lượng An ninh mật Liên Xô và quyết định nhập tịch Liên Xô. Năm 1928, cô kết hôn cùng sĩ quan tình báo Xô viết Vasily Zarubin và cùng chồng hoạt động tại các nước châu Âu và Hoa Kỳ.

Họ đã chiêu mộ hàng trăm điệp viên, từ đó, cung cấp cho tình báo Liên Xô những thông tin, phân tích và đánh giá xác đáng về tình hình châu Âu và thế giới lúc bấy giờ.

Elizabeth là nhân viên tình báo đầu tiên của Liên Xô nhận được tin Mỹ bắt đầu nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử. Bà tìm cách tiếp cận Robert Oppenheimerv, cha đẻ của bom nguyên tử Mỹ thông qua người vợ của ông và làm quen với các nhà vật lý khoa học làm việc cùng Robert.

Sau này, những nhà vật lý đó cũng cung cấp thông tin chế tạo cho bà. Nhờ khai thác được thông tin về vũ khí nguyên tử, Elizabeth được trao tặng Huân chương Sao Đỏ dành cho những người có đóng góp đặc biệt trong chiến tranh và thời bình.

Với thành tích này, bà cũng được mệnh danh là “Mata Hari của nước Nga”, lấy theo tên một nữ tình báo nổi tiếng trong Thế chiến thứ nhất.

Trở lại Liên Xô, Elizabeth được phong quân hàm Trung tá an ninh còn chồng bà được thăng quân hàm Thiếu tướng. Bà qua đời năm 1987, hưởng thọ 87 tuổi.

Melita Norwood

Melita Norwood đã góp phần giúp Liên Xô thử nghiệm thành công bom hạt nhân trước Anh quốc.

Melita Norwood đã góp phần giúp Liên Xô thử nghiệm thành công bom hạt nhân trước Anh quốc.

Melita Norwood (1912 - 2005) được báo chí Anh mệnh danh là “Bà cụ đỏ” hay “Bà cụ của tình báo Xô viết” vì những đóng góp tích cực cho hoạt động tình báo. Sinh năm 1912 tại London, bà là con của một người Nga nhập cư vào Anh vì những lý do chính trị. Được truyền cảm hứng từ cha, từ nhỏ, Melita đã có những quan điểm ủng hộ chủ nghĩa xã hội.

Thời điểm đó, cơ quan tình báo Xô viết đã tích cực thu hút những điệp viên trẻ hoạt động vì lý tưởng cộng sản. Melita là một trong số họ. Bà yêu quý con người Nga và nước Nga bằng tất cả trái tim và ủng hộ tuyệt đối lý tưởng cộng sản.

Năm 1932, bà được bố trí làm thư ký tại Hiệp hội Nghiên cứu kim loại màu Anh quốc (BNFMRA), cơ quan phụ trách chương trình hạt nhân của nước Anh. Lấy biệt danh là Hola, bà bắt đầu truyền những thông tin về chế tạo hạt nhân của Anh cho các nhà khoa học Xô viết. Bà gửi tin bằng cách chép tay tất cả các tài liệu về hợp kim và công nghệ cao tại chỗ làm rồi chuyển cho các liên lạc viên của mình.

Từ cuối những năm 40, BNFMRA trở thành một trong những cơ quan đầu não tham gia Dự án Tube Alloys nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử. Chính vì vậy, Melita trở thành siêu điệp viên, có nhiệm vụ chuyển cho Liên Xô những kết quả nghiên cứu về vũ khí nguyên tử.

Thân phận của Melita suýt chút nữa thì bại lộ khi cơ quan phản gián Anh thu được một cuốn sổ tay ghi chép danh sách các điệp viên Xô viết tại Anh, trong đó có tên của cô. Tuy nhiên, họ không thể chuyển mã các kí tự trong cuốn sổ.

Trong 55 năm làm việc tại BNFMRA, Melita đã chuyển giao cho Liên Xô nhiều tài liệu quan trọng. Kết quả, Liên Xô đã thử nghiệm thành công bom hạt nhân trước Anh 3 năm.

Năm 1992, ở tuổi 80, Melita mới được hé lộ danh tính. “Tôi không có gì phải tiếc nuối và sẽ không hề dao động nếu được lựa chọn một lần nữa”, bà Melita Norwood khẳng định.

Tin tiêu điểm

Ông MacNair cắt tỉa cây cảnh tại nhà riêng ở Dubai.

Bậc thầy bonsai ở Dubai

Thế giới
GD&TĐ - Khi lần đầu mua cây cảnh vào những năm 1980, ông Robert MacNair (Scotland), không hề biết rằng nó sẽ là khởi đầu đam mê suốt đời mình.

Đừng bỏ lỡ