Điệp viên Liên Xô ẩn mình trong dự án tuyệt mật của Mỹ

GD&TĐ -“Dự án Manhattan” là niềm tự hào của nước Mỹ nhưng cũng ẩn chứa một nỗi đau ê chề khi nước này bỏ lọt gián điệp George Koval.

Căn cứ bí mật của 'Dự án Manhattan' tại Oak Ridge, Mỹ.
Căn cứ bí mật của 'Dự án Manhattan' tại Oak Ridge, Mỹ.

Ông đã giúp Liên Xô đẩy nhanh tiến độ phát triển bom hạt nhân.

Một người Mỹ yêu nước

Koval là điệp viên duy nhất thâm nhập thành công vào 'Dự án Manhattan'.

Koval là điệp viên duy nhất thâm nhập thành công vào 'Dự án Manhattan'.

Trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, quân đội Mỹ đã cố gắng hết sức để giữ bí mật về dự án phát triển bom hạt nhân, còn gọi là “Dự án Manhattan”. Trung tướng người Mỹ Leslie Groves, người giám sát dự án, thậm chí đã vẽ ra “vùng đất chết” nằm ở thị trấn Oak Ridge để che giấu “Dự án Manhattan” với thế giới xung quanh, thậm chí với cả người dân Mỹ.

Tất cả nhân viên làm việc trong dự án chỉ được tiếp cận từng bước tách rời. Nhân viên ở các phòng ban khác nhau không được phép trò chuyện. Nhất cử nhất động trong khu vực dự án đều được giám sát và theo dõi cẩn mật đến mức ngay cả một con ruồi cũng không thể lọt qua.

Nước Mỹ đã xây dựng bức tường thành kiên cố để bảo vệ dự án phát triển bom nguyên tử nhưng không thể cản bước kỹ sư hạt nhân George Koval, điệp viên người Nga trong vai một người Mỹ yêu nước.

Ngày 2/11/2007, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã truy tặng ông George Koval danh hiệu cao quý nhất. Thông tin này gây chấn động phương Tây, đặc biệt là Mỹ, bởi họ vẫn lầm tưởng rằng trung sĩ George Koval là một người Mỹ yêu nước, một kỹ sư tận hiến cho công việc chế tạo bom hạt nhân.

Những người từng tiếp xúc với George Koval bắt đầu lục tìm lại ký ức về ông trong trí nhớ của họ. Hầu hết đều có chung nhận xét rằng George Koval là con người bí ẩn nhất họ từng biết.

Nhà báo Ann Hagedorn, người từng viết bài về George Koval, nhận xét: “George Koval là một điệp viên thú vị. Một phần vì anh ta là sĩ quan tình báo được đào tạo trong Hồng quân Liên Xô, một phần vì anh ta sinh ra và lớn lên ở bang Iowa, Mỹ”.

Trong nhiều năm, các đặc vụ liên bang Mỹ đã phát hiện 6 điệp viên làm gián điệp cho Liên Xô nhưng hầu hết đều vì yêu quý Liên Xô và không ai trong số họ được đào tạo trở thành gián điệp bài bản.

Nhưng George Koval khác với phần đông. Ông là điệp viên được đào tạo bài bản trong cơ quan tình báo của quân đội Liên Xô nên có thể tiếp cận các nhà máy hạt nhân của Mỹ và không để các điệp viên khác phát hiện.

Từng học đại học với ông Koval, ông Arnold Kramish, nhà vật lý cấp cao của Mỹ, đánh giá: “George Koval thân thiện, giàu lòng nhân ái và thông minh. Ông ấy không nói giọng Nga, thông thạo tiếng Anh và học lực tốt. Tôi thường thấy ông ấy nhìn chằm chằm vào khoảng không và suy nghĩ. Giờ tôi có lẽ đã biết ông ấy đang nghĩ gì”.

Ông George Koval sinh năm 1913 ở bang Iowa, Mỹ, nơi có cộng đồng người Do Thái lớn. Cha của ông là thư ký trong một tổ chức Do Thái địa phương do Liên Xô thành lập và là người di cư từ Belarus. Ngay từ nhỏ, Koval đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ cha và nuôi dưỡng tình yêu với Liên Xô.

Năm 1929, Koval tốt nghiệp trung học, sau đó theo học ngành Kỹ thuật điện tại Trường Đại học Iowa. Trong cuộc đại suy thoái ở Mỹ năm 1932, Koval theo cha mẹ đến nhập cư tại vùng Birobidzhan ở Siberia, Liên Xô cũ. Ở đây, tiếng Nga của ông được cải thiện và trau dồi.

2 năm sau, Koval theo học tại Trường hoá học Mendeleev, Moscow, Nga. Sau khi tốt nghiệp bằng xuất sắc, ông chính thức nhập quốc tịch Liên Xô và gia nhập Cục Tình báo quân đội Liên Xô (GRU) và được đào tạo trở thành gián điệp rồi được đưa trở lại Mỹ.

Lý do GRU cử Koval sang Mỹ một mặt vì ông đã sống ở Mỹ lâu năm nên có chất giọng Anh - Mỹ chuẩn, không pha tạp và lối sống “rất Mỹ”. Mặt khác, Koval có niềm tin vô cùng vững vàng vào chủ nghĩa cộng sản và sẵn sàng phục vụ Liên Xô.

Dự án Manhattan

'Dự án Manhattan' chiêu mộ nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hạt nhân

'Dự án Manhattan' chiêu mộ nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hạt nhân

Sau khi đến Mỹ, Koval ban đầu dùng một cái tên giả và thu thập thông tin tình báo về các loại chất độc được Mỹ sử dụng cho vũ khí hóa học. Vì ông quá ít nói về bản thân nên mọi người đều nghĩ rằng ông chỉ là một người dân New York bình thường. Trong mắt họ, cha mẹ của Koval đều đã qua đời và ông là con một.

Không lâu sau, phía Liên Xô quyết định cho Koval làm việc dưới tên thật. Ông gia nhập quân đội Mỹ và tình cờ được đến gần với dự án bom nguyên tử còn non trẻ của Mỹ.

Vào thời điểm đó, dự án bom nguyên tử của Mỹ đang ở giai đoạn sơ khai và cần rất nhiều nhân tài. Koval được chọn một phần nhờ vào thành tích học tập xuất sắc của mình. Để chiêu mộ những tài năng xuất chúng, Mỹ đã lựa chọn hơn 10 thanh niên xuất sắc và cử đến Trường Đại học Metropolitan, Manhattan, để học kỹ thuật điện. Trường đại học này được biết đến với cái tên “Đại học Harvard cho người nghèo”.

Kowal và hàng chục sinh viên do quân đội cử đến học kỹ thuật điện. Trong thời gian học, Kowal thường tránh tham gia các cuộc tranh luận liên quan đến chủ nghĩa xã hội và Liên Xô. Blom, bạn cùng lớp của ông nhớ lại: “Theo như tôi biết, anh ấy không bao giờ nói về chính trị cũng như bất cứ điều gì liên quan đến Liên Xô, không bao giờ, không một lời nào”.

Sau quá trình khổ luyện, trường đại học đã chọn ra số ít học viên ưu tú để tham gia dự án bom nguyên tử. Đáng chú ý, trong số các học viên được chọn có một người tên là Julius Rosenberg, cũng là gián điệp đã cung cấp thông tin về bom nguyên tử cho Liên Xô. Người này bị toà án Mỹ đưa ra xét xử năm 1953 và bị kết án tử hình.

Đầu năm 1944, nhóm ưu tú được cử đến Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge, cơ sở sản xuất nhiên liệu hạt nhân bí mật của Mỹ. Quá trình sản xuất nhiên liệu cho bom nguyên tử là quá trình khó nhất nên có thể thấy tầm quan trọng của Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge.

Dự án bom nguyên tử, tên gọi khác là “Dự án Manhattan”, là kế hoạch tuyệt mật do quân đội Mỹ đảm nhiệm nhằm nghiên cứu sử dụng phản ứng phân hạch hạt nhân để phát triển bom nguyên tử. Mỹ rất coi trọng “Dự án Manhattan”. Tổng thống Roosevelt khi đó tin rằng nếu Mỹ phát triển thành công bom nguyên tử, họ sẽ “chiếm ưu thế trên mọi lĩnh vực”.

“Dự án Manhattan” được triển khai bí mật tại Los Alamos, vùng sa mạc hẻo lánh nằm ở New Mexico, miền Tây Nam nước Mỹ. Thời điểm đó, Đức tuyên bố đang phát triển bom nguyên tử nên Mỹ kỳ vọng có thể sản xuất vũ khí này sớm hơn đối thủ.

Để hoàn thành mục tiêu này, hơn 200 nghìn người Mỹ được huy động tham gia dự án, trong đó có nhà vật lý nổi tiếng người Do Thái Oppenheimer (1904 - 1967) là cố vấn kỹ thuật. Sau này, ông Oppenheimer được gọi là “cha đẻ của bom nguyên tử”.

Dự án Manhattan là dự án tốn kém nhất trong Thế chiến II, nó tiêu tốn khoảng 1,8 tỷ đô la Mỹ (tương đương 18 tỷ đô la ngày nay) trong 5 năm để tạo ra 4 quả bom nguyên tử. Quả đầu tiên được thử nghiệm tại sa mạc New Mexico vào ngày 16/7/1945, có sức nổ mạnh gấp 4 lần sức công phá dự kiến, tương đương với sức công phá của 21.000 tấn thuốc nổ TNT.

Có thông tin cho rằng, do Dự án Manhattan được bảo mật rất nghiêm ngặt, ngay cả Phó Tổng thống Truman cũng chỉ biết về kế hoạch này khi ông lên làm Tổng thống sau khi ông Roosevelt mất năm 1945.

Dù vậy, GRU vẫn có thể thâm nhập vào dự án và thu được lượng lớn thông tin tình báo cốt lõi, giá trị. Người Mỹ không hề hay biết Liên Xô đã đánh cắp được bí mật của họ nhờ một điệp viên nòng cốt, Koval.

Điệp viên hàng đầu của thế kỷ 21

Đám mây hình nấm trong vụ thử hạt nhân của Liên Xô vào năm 1949.

Đám mây hình nấm trong vụ thử hạt nhân của Liên Xô vào năm 1949.

Sau khi tham gia vào “Dự án Manhattan”, Koval được giao nhiệm vụ theo dõi công tác an toàn và sức khoẻ của nhân viên trong căn cứ. Ông có thẻ ra vào căn cứ và hàng ngày lái xe kiểm tra từng toà nhà để đảm bảo không công nhân nào bị nhiễm phóng xạ.

Từ ngày 27/6/1945, quyền hạn của Koval được mở rộng hơn và ông có thể tiếp cận phòng thí nghiệm bí mật ở Dayton, Ohio. Tại đây, người Mỹ đã sản xuất chất phóng xạ Polonium 210. Lần lượt vào tháng 8 và tháng 9 cùng năm, Mỹ thả hai quả bom nguyên tử tại thành phố Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản, một minh chứng Mỹ đã chế tạo thành công thứ vũ khí nguy hiểm này.

Tuy nhiên, 4 năm sau, vào ngày 29/8/1949, quả bom nguyên tử đầu tiên do Liên Xô phát triển đã phát nổ thành công tại một bãi thử ở Kazakhstan, phá vỡ thế độc quyền hạt nhân của Mỹ.

Theo đánh giá của một sĩ quan người Nga vào năm 2007, bộ phận đánh lửa của quả bom này được thiết kế sẵn. Điều này chứng tỏ Koval đã cung cấp cho Liên Xô gần như toàn bộ thông tin về thiết kế của bộ phận này.

Sau khi Thế chiến II kết thúc, cơ quan phản gián của Mỹ phát hiện tờ báo “Nước Nga” đăng bài ca ngợi gia đình Kowal là “những người nhập cư hạnh phúc từ Mỹ” và bắt đầu nghi ngờ thân phận của Kowal. Nhưng thời điểm này, Koval đã rời Mỹ và trở về sống tại Moscow, Nga.

Tuy nhiên, thời điểm đó Chính phủ Mỹ không công khai bí mật động trời này. Nhà sử học hạt nhân Robert Norris giải thích nếu thông tin này bị rò rỉ, nó sẽ là nỗi ê chề của nước Mỹ.

Nhưng Mỹ cũng phải thừa nhận Koval là điệp viên xuất sắc. Một nhà sử gia người Mỹ chia sẻ: “Chúng tôi không biết gì về hoạt động của GRU trong “Dự án Manhattan” cho đến khi Koval bị lộ thân phận. Đó là một điệp viên chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản chứ không phải thường dân Mỹ”.

Năm 2006, Koval qua đời tại Moscow. Cùng năm, Tổng thống Nga Putin tới thăm bảo tàng và chú ý bức ảnh của Koval. Sau khi nghe câu chuyện về điệp viên này, ông Putin quyết định truy tặng George Koval danh hiệu Anh hùng nước Nga năm 2007.

Tổng thống Putin nhận xét Koval là sĩ quan tình báo Liên Xô duy nhất thành công thâm nhập vào “Dự án Manhattan”, giúp Liên Xô đẩy nhanh tiến độ phát triển bom hạt nhân.

Có thể thấy, thông tin gián điệp của Koval được che giấu rất kỹ càng và không một ai mảy may nghi ngờ ông vào thời điểm đó. Xét về độ khó và tầm quan trọng của việc đánh cắp thông tin trong “Dự án Manhattan”, George Koval được đánh giá là một trong những điệp viên hàng đầu của thế kỷ 20.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ