Sáng 8/2, Đoàn công tác của Uỷ ban văn hoá, Giáo dục của Quốc hội tổ chức khảo sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại Trường THPT Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, TP Hải Phòng.
Ông Nguyễn Đắc Vinh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội làm Trưởng đoàn công tác.
Cùng đi có bà Nguyễn Thị Mai Hoa và ông Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội cùng lãnh đạo, chuyên viên Vụ Văn hoá, Giáo dục- Văn phòng Quốc hội.
Phía UBND TP Hải phòng có ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP; ông Lã Thanh Tân, Uỷ viên Thành uỷ, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng cùng lãnh đạo Sở GD&ĐT, lãnh đạo Quận uỷ, UBND quận Lê Chân.
Đoàn công tác lắng nghe ý kiến của Trường THPT Trần Nguyên Hãn; ngành Giáo dục Hải Phòng về những thuận lợi khó khăn khi thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. |
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác lắng nghe ý kiến của lãnh đạo quản lý, giáo viên Trường THPT Trần Nguyên Hãn; lãnh đạo ngành Giáo dục và UBND TP về những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Thầy Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn báo cáo đoàn công tác về quá trình chuẩn bị, thực hiện chương trình mới cũng như những thuận lợi khó khăn thực hiện chương trình.
Theo đó, cùng với chỉ đạo của toàn ngành, cán bộ, giáo viên Trường THPT Trần Nguyên Hãn chủ động đổi mới, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ chuyên môn, tập huấn, nghiên cứu SGK, xây dựng kế hoạch bài dạy. Đặc biệt, nhà trường quan tâm đổi mới giáo dục, đổi mới kiểm tra đánh giá, đổi mới công tác quản lý, điều hành.
Thầy Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn báo cáo đoàn công tác về quá trình chuẩn bị, thực hiện chương trình mới. |
Trường hiện có 40 phòng học đạt chuẩn, trong phòng được đầu tư thiết bị phục vụ giảng dạy (máy chiếu, máy tính kết nối internet, camera). Nhà trường kết hợp với đơn vị viễn thông trang bị hệ thống internet tốc độ cao đảm bảo việc kết nối và truy cập khai thác thông tin trong toàn trường. Cơ sở vật chất nhà trường đã được đầu tư khá hiện đại, được nâng cấp theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa nhằm phục vụ khá tốt cho công tác dạy và học, đáp ứng được đại đa số yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.
Bên cạnh đó, trang thiết bị dạy học tại nhà trường cơ bản đã được đầu tư, tăng cường đáp ứng yêu cầu của chương trình. Hiện nay, thiết bị trong các phòng thực hành thí nghiệm đáp ứng được khoảng 80% yêu cầu của chương trình.
Bên cạnh đó cũng còn không ít khó khăn về việc thiếu đội ngũ, thiếu các phòng học bộ môn theo Thông tư 13,14. Một bộ phận giáo viên còn ngại đổi mới, tiếp cận và thực hiện phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực chưa hiệu quả; chưa mạnh dạn trong việc xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt, có sự điểu chỉnh phù hợp với đối tượng học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; Trình độ sử dụng thiết bị dạy và học và ứng dụng CNTT của giáo viên còn chưa đồng đều.
Ông Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở GD&ĐT thông tin về quá trình thực hiện Nghị quyết 88 cũng như triển khai các quy định liên quan đến chương trình mới. |
Tại buổi làm việc, ông Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho rằng: Nghị quyết 88 và sau đó là Quyết định 404 của Chính phủ, có nội dung rất quan trọng là UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm bảo đảm điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, kĩ thuật, nhân lực để triển khai thực hiện chương trình mới, SGK mới. Điều này được cụ thể hoá trên thực tế tại Hải Phòng từ việc chi ngân sách cho giáo dục tiệm cận Luật Giáo dục. Đặc biệt, việc chi đầu tư cho giáo dục gắn với các chương trình mục tiêu của quốc gia, của thành phố ngành Giáo dục được hưởng lợi rất nhiều.
Việc chuẩn bị đội ngũ cho Chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT chủ động xây dựng đề án đến năm 2025, đã được UBND TP phê duyệt. Hàng năm, thành phố sẽ bố trí ngân sách đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên đáp ứng chương trình mới.
Về cơ sở vật chất, dựa vào các thông tư quy định của Bộ, các đơn vị giáo dục rà soát, bổ sung, đảm bảo tối thiểu yêu cầu dạy học. Có thể nói, Hải Phòng rất chủ động thực hiện chương trình mới, ông Kiệm cho hay.
Cán bộ, giáo viên Trường THPT Trần Nguyên Hãn. |
Tuy nhiên, còn nhiều vướng mắc, đó là nhận thức thái độ của xã hội với chương trình mới; sự chủ động chuẩn bị chương trình, cả về cơ chế chính sách, nguồn lực.
Hiện, Hải Phòng thiếu trên 2.000 giáo viên, nhiều nhất là bậc Mầm non. Nhưng vấn đề không phải là con số thiếu tuyệt đối, mà thiếu hụt ngay ở nguồn đào tạo, sức hút với người học, người làm.
Hiện, một số môn học mới như: Âm nhạc, Mĩ thuật, Tin học, Ngoại ngữ, các nhà trường chỉ hợp đồng thỉnh giảng, chưa có vị trí việc làm.
Ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND TP khái quát những thuận lợi, khó khăn của ngành Giáo dục thành phố trong quá trình thực hiện Chương trình mới. Đồng thời, ông Nam kiến nghị tới Đoàn các vấn đề về cơ chế chính sách, sự quan tâm tới đội ngũ nhà giáo; hỗ trợ kinh phí cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất; bổ sung nguồn tuyển giáo viên.
Đoàn công tác ghi nhận thực tế những khó khăn, vướng mắc tại Hải Phòng trong quá trình thực hiện chương trình mới và từ đó có ý kiến với Bộ, Ngành và Chính phủ.