Ghép tế bào gốc tự thân cứu sống bệnh nhi bị ung thư võng mạc di căn

GD&TĐ - Bệnh viên Trung ương Huế vừa tiến hành kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân, điều trị thành công bệnh u nguyên bào võng mạc, cứu sống bệnh nhi 3 tuổi.

Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế và các bác sĩ tặng hoa chúc mừng cháu Tr. trong buổi ra viện.
Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế và các bác sĩ tặng hoa chúc mừng cháu Tr. trong buổi ra viện.

Ngày 13/4, thông tin từ Bệnh viên Trung ương Huế cho biết, đơn vị đã làm thủ tục ra viện cho bệnh nhân Hồ Thị Tr. (3 tuổi, ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) sau khi thực hiện ghép tế bào gốc chữa u nguyên bào võng mạc.

Đây là bệnh nhi đầu tiên ở Việt Nam có u nguyên bào võng mạc di căn được điều trị thành công bằng phương pháp này.

Trước đó, vào tháng 9/2020, bệnh nhi Hồ Thị Tr. Nhập viện trong tình trạng sốt cao, mắt phải lồi to, sưng đau hàm má phải, ăn uống kém. Bệnh nhi được tiến hành làm đầy đủ các xét nghiệm và được chẩn đoán u nguyên bào võng mạc di căn tủy xương, di căn gan, bệnh kèm theo nhiễm trùng huyết và được điều trị ngay kháng sinh, truyền dịch để chống tình trạng nhiễm trùng.

Ngay sau đó, Ban Giám Đốc Bệnh viện Trung ương Huế chủ trì cuộc họp đa chuyên khoa gồm các bác sĩ khoa Mắt; khoa Nhi ung bướu; xạ trị; chẩn đoán hình ảnh; huyết học để lên kế hoạch điều trị cho cháu bé.

Theo Bệnh viện Trung ương Huế, với bệnh lý u nguyên bào võng mạc di căn, cần phải tiến hành ghép tế bào gốc mới có thể cứu được cháu bé. Vào thời điểm đó, tại Việt Nam cũng chưa có trung tâm nào thực hiện ghép tế bào gốc cho bệnh lý u nguyên bào võng mạc.

Sau khi hội chẩn, Ban giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế quyết định thực hiện kỹ thuật mới và thống nhất kế hoạch điều trị cho bệnh nhi theo các bước: Tiến hành điều trị ổn định nhiễm trùng; điều trị hóa chất theo phác đồ nguy cơ cao; phẫu thuật bóc mắt bệnh trong giữa quá trình điều trị hóa chất; thu hoạch tế gốc, tiến hành điều trị hóa chất liều cao, ghép tủy. Sau ghép tủy, sẽ tiến hành điều trị xạ trị cho bệnh nhân.

Trong quá trình thực hiện ghép tủy, do sử dụng hóa chất liều cao thiotepa - carboplatin và etoposide nên bệnh nhi bị loét niêm mạc đường tiêu hóa nặng, biến chứng sốc nhiễm trùng. Các bác sĩ phải túc trực thường xuyên bên bệnh nhi để chăm sóc cũng như vui đùa, động viên tinh thần. Sau một thời gian điều trị, đến nay sức khỏe của bệnh nhi Tr. đã ổn định và được cho xuất viện.

Theo GS.TS Phạm Như Hiệp – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, đây cũng là thành quả lớn lao của đơn vị khi là nơi đầu tiên của Việt Nam thực hiện được kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân cho bệnh nhi bị bệnh lý u nguyên bào võng mạc. Với kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân, tỷ lệ sống và lành bệnh cho các cháu bị u nguyên bào võng mạc di căn không thâm nhiễm hệ thần kinh trung ương lên đến 80%. Từ nay, Bệnh viện Trung uơng Huế có thể tự tin sẽ tiếp tục thực hiện nhiều ca ghép tủy tự thân tiếp theo để mang lại sự sống cho các bệnh nhi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.