Ghế đa năng hỗ trợ bệnh nhân chạy thận

GD&TĐ - Ghế đa năng thích hợp dành cho các bệnh nhân, trong độ tuổi từ 35 - 60, gặp khó khăn trong việc di chuyển hay ngồi nằm một chỗ quá lâu.

Hai sinh viên chế tạo ghế hỗ trợ bệnh nhân chạy thận nhân tạo.
Hai sinh viên chế tạo ghế hỗ trợ bệnh nhân chạy thận nhân tạo.

Có thể tự sử dụng ghế hoặc nhờ người nhà hỗ trợ chỉ qua một nút bấm trên bộ điều khiển.

Tự động chuyển đổi từ xe lăn sang giường

Hiện trên thị trường, sản phẩm ghế chạy thận nhân tạo là đồ nội thất y tế chuyên dụng được thiết kế dành cho bệnh nhân điều trị chạy thận nhân tạo. Những chiếc ghế này được trang bị nhiều tính năng khác nhau để nâng cao sự thoải mái cho bệnh nhân.

Ghế chạy thận nhân tạo bằng điện được thiết kế với những tính năng ưu tiên bệnh nhân thoải mái trong các buổi chạy thận nhân tạo. Các vị trí có thể điều chỉnh, phần đệm và thiết kế tiện dụng góp phần mang lại trải nghiệm thoải mái hơn cho những bệnh nhân thường dành vài giờ trên ghế liên tục. Tuy nhiên các sản phẩm này có giá cao, người bệnh ít có khả năng chi trả.

Với mong muốn hỗ trợ bệnh nhân chạy thận, sinh viên Nguyễn Tiến Duy và Võ Đăng Tùng, Trường Cao đẳng Nghề Phú Yên, đã chế tạo nên một chiếc ghế đặc biệt tích hợp nhiều tính năng tạo sự thoải mái cho người bệnh. Nói về lý do chế tạo sản phẩm, Nguyễn Tiến Duy kể, tháng 9/2021, khi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên, Duy và Tùng đã nhìn thấy nỗi vất vả của nhiều người chạy thận.

Mỗi phòng có gần chục bệnh nhân chạy thận, họ nằm hoặc ngồi một chỗ rất khó khăn. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn xuất hiện triệu chứng đau lưng, tê chân, sưng tấy vì phải liên tục điều trị từ 3 - 6 tiếng/ngày.

Do đó, hai sinh viên có ý tưởng làm một chiếc ghế đa năng giúp bệnh nhân thoải mái hơn. Mỗi ngày, hai nam sinh này dành khoảng 6 - 8 tiếng để lắp ghép, thử mạch điện và điều chỉnh ghế. Sau 3 tháng, phát minh hỗ trợ bệnh nhân chạy thận đã ra đời.

“Sản phẩm được thiết kế theo kiểu ghế hớt tóc có thể tự động di chuyển, thay đổi từ dạng xe lăn sang giường nằm và tự động điều chỉnh độ nghiêng sao cho thoải mái nhất với người dùng”, Tùng chia sẻ. Ghế thích hợp dành cho các bệnh nhân trong độ tuổi từ 35 - 60, gặp khó khăn trong việc di chuyển hay ngồi nằm một chỗ quá lâu. Họ có thể tự sử dụng ghế hoặc nhờ người nhà hỗ trợ chỉ qua một nút bấm trên bộ điều khiển.

Tích hợp mát xa, xoa bóp cho bệnh nhân

Theo Nguyễn Tiến Duy, thời gian đầu cả hai gặp nhiều khó khăn khi ghế liên tục trục trặc, không đạt được hiệu quả sử dụng như thiết kế. Hiện, Duy và Tùng đang tích hợp thêm nhiều tính năng khác của ghế, như: Hỗ trợ xoa bóp, mát xa, xông hơi vùng lưng cho bệnh nhân.

Sản phẩm của nhóm dùng trong y tế hay lĩnh vực khác đều được vì có chức năng thay đổi từ ghế ngồi sang nằm, kết hợp 4 bánh xe giúp di chuyển dễ dàng khi sử dụng. Nhóm tác giả thử nghiệm cho bệnh nhân ở Khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Phú Yên, sản phẩm được người dùng đánh giá tốt.

Dù trên thị trường vẫn có nhiều sản phẩm hiện đại hơn nhưng ghế của hai bạn sử dụng khá đơn giản, đảm bảo an toàn nhờ sự chịu khó quan sát sinh hoạt và vấn đề của người bệnh. Tuy nhiên, người dùng mong muốn có thêm nhiều chỉnh sửa để chiếc ghế đem lại sự thoải mái hơn cho bệnh nhân.

Là giảng viên hỗ trợ và giúp hai nam sinh kết nối với bệnh viện để thử nghiệm, thầy Nguyễn Tấn Tùng, kỹ sư chế tạo máy, giảng viên Khoa Cơ khí Trường CĐ Nghề Phú Yên, chia sẻ, Duy và Tùng rất siêng năng, chịu khó tìm tòi nhiều phát minh có thể ứng dụng vào thực tiễn, nhiều đề tài được giao đều hoàn thành rất tốt. Để làm nên chiếc ghế này, cả hai nhiều lần ra vào bệnh viện để ghi chép nhận xét và phản hồi từ bệnh nhân, bác sĩ để cố gắng hoàn thiện phát minh.

Khi hoàn thành, 2 sinh viên quyết định tặng lại sản phẩm cho bệnh viện để giúp đỡ bệnh nhân chạy thận. Mặt khác sẽ tiếp tục nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm tiếp theo để cải tiến tính năng, hoàn thiện các góp ý cần sửa chữa, tạo ra phiên bản tốt nhất trong tương lai.

Nhóm sinh viên hy vọng sẽ tạo ra được sản phẩm ghế chuyên dụng dùng trong lọc thận, xạ trị đưa đến giải pháp tốt nhất trong việc hỗ trợ cho những bệnh nhân phải điều trị nhiều lần trong thời gian dài.

“Bước đầu chúng em chưa nghĩ đến thương mại hóa mà làm được cái nào sẽ gửi tặng bệnh nhân cái đó. Ở phiên bản hoàn thiện nhất chúng em mới nghĩ đến hợp tác để đưa ra thị trường”, Nguyễn Tiến Duy chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ