Gen Z… nghèo kiết xác

GD&TĐ - So với thế hệ Baby Boomers (1946 – 1964), sức mua của gen Z (1997 – 2012) thấp hơn hẳn 86%. 33% gen Z đang vật lộn vì chi phí sinh hoạt,

Gen Z bất an tài chính hơn các thế hệ trước.
Gen Z bất an tài chính hơn các thế hệ trước.

So với thế hệ Baby Boomers (1946 – 1964), sức mua của gen Z (1997 – 2012) thấp hơn hẳn 86%. 33% gen Z đang vật lộn vì chi phí sinh hoạt, 36% ôm nợ sinh viên và 59% từ bỏ mục tiêu đạt được các mốc quan trọng trong cuộc đời (sự nghiệp, hôn nhân, sự thăng tiến…). Tất cả vì một nguyên nhân: Ít tiền.

Nạn nhân của lạm phát

Năm 2021, Lauren (25 tuổi) chuyển từ Birmingham đến London, Anh. Trước khi rời Birmingham, cô vô cùng hạnh phúc vì vẫn còn rất trẻ mà đã có bước thăng tiến đầu tiên trong sự nghiệp. Tiền lương cũng theo đó mà tăng, từ 20 nghìn bảng/năm lên 38 nghìn bảng. Mới tháng đầu tiên ở London, Lauren đã chua chát nhận ra: “Cuộc sống của tôi vẫn bết bát y như cũ. Tuy so với bạn bè cùng độ tuổi, thu nhập của tôi có vẻ cao đấy nhưng, đối với sinh hoạt ở London, nó chẳng thấm vào đâu”.

Maddie (25 tuổi) ở Pennsylvania, Mỹ cũng “vỡ mộng” tương tự. Nhờ có bằng cấp về chăm sóc sức khỏe, cô thuận lợi kiếm được việc làm ở một ngôi nhà tập thể dành cho người cao tuổi. “Nếu tính theo giờ, thu nhập của tôi khoảng 17 USD/giờ. Một tuần, tôi làm được tối đa 35 giờ, tức là thu nhập cao nhất 595 USD/tuần, 2.380 USD/tháng. Trong khi đó, chỉ tiền thuê nhà cũng đã 850 USD/tháng”, Maddie tính toán.

Theo báo cáo kinh tế tháng 8/2022, lạm phát ở Anh tăng 9,9%, ở Mỹ tăng 8,3%. Từ xăng dầu đến cuộn giấy vệ sinh đều lên giá. “Tôi phải đổ xăng, trả phí Internet và muôn vàn khoản chi lặt vặt khác. Có lúc, tôi nghĩ hay là làm thêm 1 - 2 công việc phụ để thêm thu nhập. Tuy nhiên, nhìn vào giá xăng, tôi lại phải từ bỏ vì tiền công không bõ tiền đổ xăng”, Lauren phàn nàn. Sau cả năm sống ở London, tài khoản của Lauren vẫn luôn trong tình trạng bị thấu chi. “Chẳng có tháng nào, tôi không phải khốn khổ cân bằng thu chi. Suy đi tính lại, tôi cũng chẳng khác gì thu nhập tối thiểu”.

Trước khi tới London, Lauren ngời ngợi hy vọng sớm tiết kiệm đủ tiền mua nhà. Bây giờ, cô chỉ ước sao đừng thiếu tiền sinh hoạt. Thực tế của Lauren và Maddie là chuyện chung của gen Z trên toàn cầu. Tại một số quốc gia, lạm phát còn cực đoan gấp nhiều lần Anh và Mỹ. Ví dụ như Argentina (78,5%), Thổ Nhĩ Kỳ (80%)… Theo kết quả khảo sát từ Deloitte, 1/3 gen Z căng thẳng tinh thần vì vấn đề sinh hoạt phí, 1/4 lo lắng không kiếm đủ tiền dưỡng già.

Trừ khi được cha mẹ hậu thuẫn tiền bạc, không thì thấu chi quá khó tránh.

Trừ khi được cha mẹ hậu thuẫn tiền bạc, không thì thấu chi quá khó tránh.

Chỉ giàu… nợ

Suy giảm kinh tế toàn cầu gây áp lực tài chính lên mọi thế hệ, nhưng đè nặng nhất lên gen Z. Nguyên nhân vì, gen Z mới tập tễnh bước vào đời. Họ chỉ vừa kiếm được việc làm và chưa tích lũy được khoản tiền nào. Với tình trạng thu không đủ chi, gen Z không có khả năng tiết kiệm.

Chúng ta thường nghĩ, giới trẻ dễ lập nghiệp hơn vì được ăn học tử tế và có sức lực, nhiệt huyết… Thực tế ngược lại. Bất kể thời đại nào, lớp trẻ cũng gặp thách thức tài chính lớn hơn thế hệ cha mẹ, đặc biệt là khó khăn mua nhà. Theo quan sát từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tỷ lệ lớp trẻ sở hữu nhà luôn thấp hơn các lớp già khi trong độ tuổi tương tự. Lý do vì, giá bất động sản trung bình liên tiếp tăng và bỏ xa thu nhập bình quân.

Mặc dù, tiền lương của lớp trẻ luôn cao hơn các thế hệ trước, nhưng sự chênh lệch không quá lớn. Trong khi đó, giá cả các mặt hàng và sinh hoạt phí leo thang chóng mặt. Theo một số phân tích ở Mỹ, gen Z đang có sức mua thấp nhất, ít hơn thế hệ Baby Boomers khi cùng độ tuổi những 86%.

Đại dịch Covid-19 đẩy khó khăn tài chính của gen Z lên đỉnh điểm. Theo ước đoán từ Mỹ, 59% thanh niên tuổi từ 18 - 35 có nguy cơ phải bỏ qua các cột mốc quan trọng trong cuộc đời. Trong khi đó ở độ tuổi 36 – 55, con số này là 40%, và ở độ tuổi 56 trở lên, con số này chỉ 23%.

Trong lúc khó kiếm tiền, không dám mơ mua nhà, gen Z còn nỗi khổ khác: Nợ sinh viên. Theo báo cáo từ Mỹ, gen Z nợ sinh viên trung bình 20,9 nghìn USD/người (khoảng 504 triệu đồng), cao hơn thế hệ Millennial (1981 – 2016) 14%. Hiện, khoảng 36% gen Z tuổi từ 20 – 25 mắc nợ sinh viên. Tại Anh, nợ sinh viên trung bình của gen Z còn cao hơn gấp đôi, vượt qua mức 45 nghìn USD/người (trên 1,08 tỷ đồng).

Nợ sinh viên đè nặng gen Z.
Nợ sinh viên đè nặng gen Z.

Tương lai tài chính ảm đạm

Maddie tốt nghiệp năm 2019, mang theo khoản nợ sinh viên 25 nghìn USD vào đời. Gần đây, Tống thống Biden tuyên bố xóa nợ sinh viên. Maddie luôn ước gì món nợ này đột ngột “mọc cánh bay”, nhưng không dám kỳ vọng nhiều, vì có khả năng nằm ngoài diện được miễn giảm.

“Tôi biết, ai cũng mắc nợ cả, nhưng vẫn khổ sở vô cùng. Vì có cái khoản nợ lơ lửng trên đầu, tôi chẳng thể nào lạc quan nổi. Nó khiến tôi luôn suy nghĩ tiêu cực rằng, dẫu có chăm chỉ, nỗ lực đến mấy cũng không thoát khỏi kiếp nợ nần”.

Thế hệ Millennial đã vào đời trong cuộc Đại suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008 và chịu đựng mức lương thấp kéo dài nhiều năm. Ngay cả sau 1 thập kỷ, thành quả họ đạt được vẫn kém xa so với thế hệ X (1965 – 1980). So với Millennial, gen Z còn bất lợi hơn vì vấp trúng Covid-19. Các chuyên gia kinh tế lo ngại, khó khăn tài chính hiện tại sẽ đeo đẳng và tác động lên họ rất lâu dài.

“Mọi người hay hỏi, tôi có kế hoạch gì cho 5 hoặc 10 năm tới không? Tôi không có. Tôi còn chưa lo xong bữa nay thì quan tâm gì đến 5 hay 10 năm nữa sẽ thế nào”, Maddie buồn bực nói.

Theo định nghĩa của Pew Research, gen Z (generation Z - thế hệ Z) là cụm từ để nói đến nhóm người được sinh trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2012 - 2015 (một số ý kiến cho rằng gen Z bắt đầu từ năm 1995). Ngoài gen Z thì thế hệ trưởng thành trong thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21 này còn được gọi bằng nhiều các tên khác như iGen, Centennials, Gen Tech, iGeneration, Gen Y-F, Zoomers, Post Millennials… Ngoài gen Z thì còn có các thuật ngữ khác dành cho thế hệ những người sinh ra trước khoảng thời gian kể trên như Baby Boomers, gen X, gen Y hay còn được gọi là Millennial.

Theo BBC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ