Gen Z Trung Quốc: Làm giàu bằng dịch vụ… nhắc nhở

GD&TĐ - Chỉ bằng việc gọi điện, nhắc khách hàng đã đến giờ thực hiện công việc nào đó của họ, người “giám sát online” ở Trung Quốc cũng bỏ túi 2.000 – 3.000 tệ/tháng (tương đương 7 – 10 triệu đồng).

Dịch vụ nhắc nhở phát triển mạnh ở Trung Quốc.
Dịch vụ nhắc nhở phát triển mạnh ở Trung Quốc.

Đối tượng của dịch vụ nhắc nhở là những người hay quên, lắm việc vặt và… lười. Họ cần có người nhắc cho mình nhớ cũng như khuyên bảo, thúc giục.

Công việc ngược đời

Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ cao. Ở thời đại này, muốn lên lịch làm việc và đặt báo thức là chuyện dễ như ăn bánh. Ngay cả một chiếc điện thoại dạng “cục gạch” cũng đầy đủ chức năng hẹn giờ, nhắc thời gian chính xác.

Thế nhưng tại Trung Quốc, các Gen Z (1997 – 2012) lại đang kiếm thêm được khá tiền chỉ bằng việc nhận nhắc nhở giờ giấc cho người khác.

Nhắc nhở giờ giấc là công việc online. Khách hàng giao lịch công việc cá nhân cho người nhận nhắc nhở (thường được gọi là người giám sát), nhờ họ đúng giờ thì gọi, nhắc mình thực hiện.

Các công việc cần nhờ nhắc không bị giới hạn. Chúng bao gồm từ các chuyện lặt vặt như đánh thức, nhắc đến giờ ăn uống, làm bài tập… đến cả các chuyện quan trọng như đón con cái, gặp gỡ đối tác, đi khám bệnh…

Nhiệm vụ của người giám sát là gọi thông báo đúng giờ và kiểm tra kết quả. Nếu khách hàng chưa hoàn thành tốt công việc, họ lại nhắc nhở, khiến khách hàng thấy rõ để lần sau không tái phạm.

Đối tượng của dịch vụ nhắc nhở là những người hay quên, lắm việc vặt và… lười. Họ cần có người nhắc cho mình nhớ cũng như khuyên bảo, thúc giục. Tùy theo yêu cầu của khách hàng, người giám sát có thể “nói nhẹ” hoặc “nặng lời”. Ở cấp độ “nặng lời”, nó khá là giống “bị ăn mắng”.

Zhu Hecun (21 tuổi), ông chủ trẻ của một cửa hàng dịch vụ nhắc nhở online có 100 nhân viên.
Zhu Hecun (21 tuổi), ông chủ trẻ của một cửa hàng dịch vụ nhắc nhở online có 100 nhân viên.

Kiếm bộn tiền

Năm 2018, Yu Benqin (21 tuổi) đậu đại học. Anh nhập trường nhưng liên tục đi học muộn vì mải chơi game đến tận khuya. Dù đã đặt báo thức liên tiếp, Benqin vẫn không bị tiếng chuông điện thoại gọi dậy. Cuối cùng, anh phải nhờ bạn cùng phòng lôi dậy cho bằng được.

Nhờ bạn, Benqin đã dậy đi học đúng giờ nhưng vẫn cứ quên phải làm các việc khác. Anh lên mạng Internet tìm phương pháp khắc phục và phát hiện dịch vụ giám sát. Thấy hay, Benqin liền tự mình mở một cửa hàng trực tuyến riêng. Anh tuyển các sinh viên cùng trường làm giám sát viên, nhận các yêu cầu nhắc nhở.

Chỉ sau 2 năm, Benqin đã đạt doanh thu 100.000 tệ/tháng (khoảng 354 triệu đồng). Anh mở thêm 2 cửa hàng trực tuyến khác, tuyển thêm 1.000 nhân viên. Trung bình mỗi ngày, chỉ 1 trang dịch vụ giám sát của Benqin cũng đạt doanh thu 4.000 tệ (khoảng 14,2 triệu đồng).

Benqin chia dịch vụ giám sát online làm 2 cấp độ: Bình thường và chuyên sâu. Ở cấp độ bình thường, giám sát viên chỉ gọi điện nhắc nhở, thu phí 133 tệ/người/tháng (tương đương 470.000 đồng).

Ở cấp độ chuyên sâu, giám sát viên kiểm tra, thúc đốc tiến độ thực hiện công việc của khách hàng, thu phí 400 tệ/người/tháng (tương đương 1,4 triệu đồng).

Zhu Hecun (21 tuổi) đã mở dịch vụ nhắc nhở trước Benqin 3 năm. Trong năm đầu, anh chỉ có tối đa 100 khách/tháng, nên tự ôm hết lịch nhắc nhở. Từ năm 2018, số lượng khách của Hecun đột ngột tăng gấp 5, 6 lần. Anh lập nhóm WeChat tuyển người giám sát bán thời gian, hiện đang có 100 nhân viên.

Phần lớn nhân viên giám sát bán thời gian là các sinh viên, học sinh và người mới đi làm. Trung bình, mỗi người nhận phụ trách khoảng 30 – 40 khách hàng, thu nhập khoảng 2.000 – 3.000 tệ/tháng (tương đương 7 – 10 triệu đồng).

Chỉ tranh thủ làm giám sát bán thời gian, Gen Z Trung Quốc cũng bỏ túi thêm chục triệu đồng mỗi tháng.
Chỉ tranh thủ làm giám sát bán thời gian, Gen Z Trung Quốc cũng bỏ túi thêm chục triệu đồng mỗi tháng.

Kết thân và cùng tiến

Khách hàng của dịch vụ nhắc nhở vô cùng đa dạng, thuộc tất cả các độ tuổi (bao gồm cả trẻ 5 tuổi). Tuy nhiên, hầu hết các giám sát và chủ cửa hàng dịch vụ nhắc nhở trực tuyến chỉ trong độ tuổi 20. Họ nhận làm giám sát online như công việc bán thời gian, kiếm thêm tiền ngoài giờ học hành, làm việc chính thức.

Ở cấp độ bình thường, công việc của người giám sát cực kỳ đơn giản nhưng yêu cầu chính xác giờ giấc tuyệt đối. Chỉ cần gọi nhắc muộn vài phút, họ cũng có khả năng bị khách hàng hủy đăng ký, từ chối thanh toán lệ phí.

Ở cấp độ chuyên sâu, công việc của người giám sát khó như “mặt trận tâm lý”. “Chuyện khách hàng thuê dịch vụ nhắc nhở online cũng giống như mua thẻ thành viên phòng tập thể dục vậy”, Songsong (18 tuổi), sinh viên năm nhất ở Thành đô giải thích.

“Họ bỏ tiền ra mua thẻ, nhưng không nhất thiết đến tập. Thành ra, chúng tôi chỉ đóng vai trò là người tác động. Khách hàng có lắng nghe và làm theo hay không, đó lại là chuyện khác”.

“Cái khó nhất của công việc này là giao tiếp và duy trì sự kết nối”, Songsong tiếp tục. “Nhiều khách hàng không thật tâm muốn thay đổi bản thân, chỉ đăng ký dịch vụ để thử cho biết thôi”.

Để đề phòng khách hàng bỏ dịch vụ giữa chừng, Nianhui (nhân viên văn phòng ở Hắc Long Giang) yêu cầu tính trung thực. Cô đòi hỏi người đăng ký phải thành thật, biết nhận sai khi mắc lỗi và cùng nhau nỗ lực vươn tới mục tiêu.

Theo Nianhui, mối quan hệ giữa người giám sát và khách hàng cũng giống như giữa thầy và trò. Người thầy cần hiểu trò trước khi đưa ra hướng dẫn, sau đó từ từ uốn nắn các lỗi sai, khiến trò tiến bộ dần. Còn người trò thì phải có tinh thần tự giác, cầu tiến.

Trong số các khách hàng của Nianhui, có một người là sinh viên sư phạm. Nianhui quan sát thấy người này vô cùng chăm chỉ, nhưng bàn học thì bề bộn vô cùng. Cô khéo léo nhắc nhở và được khách hàng tiếp thu. Cuối cùng, sinh viên sư phạm này không chỉ bỏ được thói quen lười dọn dẹp mà còn đạt điểm thi cao.

Về phần Songsong, cô mới làm giám sát bán thời gian được 3 tháng. Dù vậy, nhân viên nhắc nhở trẻ tuổi này đã gặp được khá nhiều người, kết thân và cùng tiến bộ với họ. “Mỗi khi thấy khách hàng có sự thay đổi tích cực, tôi lại thấy vô cùng vui vẻ và ấm lòng”, Songsong chia sẻ. Cô dự định sẽ tiếp tục công việc làm thêm này trong chí ít là 1 năm nữa.

Theo Sixthtone

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ