Gần đây, Cơ quan Thuế Nhật Bản tổ chức cuộc thi uống rượu và bị giới trẻ phê phán kịch liệt. Họ chỉ trích, chiến dịch “tăng doanh thu cho thuế quốc gia” này chẳng khác nào “bôi nhọ văn hóa”. Nhìn rộng ra toàn cầu, phản đối bia rượu đang là ý thức chung. Hầu hết Gen Z (1996 – 2012) nhận định, say xỉn là thói xấu, nguy hại cho sức khỏe và đánh mất tự kiểm soát.
Thức tỉnh sau đại dịch
Thời thiếu niên, vì sống xa gia đình, Lola (22 tuổi, Anh) thường hay đàn đúm nhậu nhẹt với đám bạn thâu đêm. Sáng ra, cô khốn đốn với cảm giác “bị rượu quật”, tự thề bồi không bao giờ say nữa rồi hôm sau lại lặp lại như hôm trước. Khi đại dịch Covid-19 ập tới Anh quốc, Lola phải chuyển về nhà cha mẹ ở London, sống chung với gia đình. Dưới sự quản thúc của cha mẹ và hạn chế thời dịch, Lola buộc phải bỏ rượu bia. Thay vì bất mãn, cô thấy mình thật may mắn. “Thế là tôi đã thoát được tình trạng nôn nao mỗi sáng, đón bình minh với cảm giác tỉnh táo, nhẹ tênh”, Lola hạnh phúc chia sẻ.
Không chỉ riêng Lola mà rất nhiều bạn bè của cô cũng có trải nghiệm tương tự. Họ đều nhận ra, uống nhiều rượu tai hại cho sức khỏe.
Đối với cả phương Đông lẫn phương Tây, uống rượu là “lệ trưởng thành”. Trẻ em được phép uống rượu ngay khi vừa bước sang “ngưỡng người lớn”. Thực tế, ngay cả khi chưa trưởng thành, trẻ vẫn lén lút uống thức uống có cồn. Phụ huynh thường dễ bỏ qua lỗi này, vì rượu là “chất xúc tác quan hệ, bôi trơn xã hội và giải thoát”.
Gen Z cũng mong mỏi đến tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, so với các thế hệ trước, họ được trang bị nhận thức về tác dụng tiêu cực từ thức uống có cồn kỹ lưỡng hơn. Không Gen Z nào lại không biết, rượu ảnh hưởng xấu đến cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Theo kết quả khảo sát năm 2019, trước khi Covid-19 tấn công toàn cầu, 41% Gen Z nhận định “rượu bia hại người, đánh mất tự kiểm soát”.
Hạn chế tụ tập của quy định phòng chống Covid-19 trao cho Gen Z cơ hội lớn: Không phải đàn đúm. Nhờ nó, các thiếu niên tránh được bị bạn bè khiêu khích còn thanh niên đã đi làm tránh được “nhậu nhẹt công sở”. Trên tất cả, Covid-19 bày rõ thực tế tài chính. 46% Gen Z sống dựa vào tiền lương, 43% phải làm thêm công việc bán thời gian để tăng thu nhập. “Dù có muốn uống, tôi cũng chẳng có tiền để mà mua rượu bia”, Lola giải thích.
Gen Z chọn kết bạn bằng giao lưu tính cách chứ không phải “giao lưu rượu bia”. |
Giảm rượu trên toàn cầu
So với các thế hệ trước, Gen Z hưởng nền giáo dục đầy đủ và chất lượng hơn. Theo các chuyên gia, điều này tác động trực tiếp lên nhận thức của họ đối với rượu. Năm 2019, Anh quốc từng thực hiện khảo sát “bài xích rượu”. Họ nhận được kết quả, những người thuộc độ tuổi 16 – 25 có thái độ bài xích cao nhất, với 26% không uống rượu. Những người thuộc độ tuổi 55 – 74 thì có thái độ bài xích thấp nhất, chỉ đạt 15%.
Năm 2020, Mỹ thống kê tình hình uống rượu. Họ chỉ ra, Gen Z uống ít hơn Thế hệ Y (1980 – 1995). Tỷ lệ sinh viên bài xích rượu so với thập kỷ 2010 cũng tăng từ 20% lên 28%. Trong số Gen Z uống rượu, 25% chỉ uống 1 lần/tuần, 27% chỉ uống 1 lần/tháng. Ở hầu hết các nước châu Âu có thu nhập cao và Úc, New Zealand, lượng Gen Z uống rượu bia đều giảm mạnh. Trong thời gian phong tỏa, 44% Gen Z Úc uống ít hơn so với trước đại dịch. Tỷ lệ giới trẻ New Zealand uống rượu thì đã giảm dần đều từ năm 2001, tiếp tục giảm sâu hơn trong đại dịch.
Với châu Á và đặc biệt là Nhật Bản, Gen Z kịch liệt phản đối say xỉn. “Không có gì tốt hơn là tránh xa rượu bia”, một tài khoản mạng xã hội Tweet khẳng định. “Ngay cả khi doanh thu từ thuế rượu có tăng, nó cũng chẳng bù nổi thất thoát chi phí y tế từ rượu mà ra”, nhà văn Mikiko Kaneko vạch rõ. Gen Z Hàn Quốc còn lợi dụng Covid-19, chấm dứt “văn hóa nhậu nhẹt công sở sau giờ làm”. Gen Z Trung Quốc thì tích cực cắt giảm rượu, tăng tiền tiết kiệm.
Ngoại trừ rượu, Gen Z toàn cầu còn đang dẫn đầu về tránh xa các tệ nạn như sử dụng ma túy, quan hệ tình dục thiếu an toàn, vi phạm luật lệ giao thông… Nhìn chung, Gen Z đề cao lối sống thận trọng, xem bảo vệ bản thân là góp phần bảo an xã hội.
Với Gen Z, vui vẻ và tỉnh táo mới là ưu tiên số 1. |
Chuyển sang không cồn
Không riêng gì ngành sản xuất sake Nhật Bản mà toàn bộ công nghiệp sản xuất rượu thế giới đều chao đảo vì Gen Z. “Nếu các thế hệ trước xem rượu như cầu nối để kết bạn, duy trì mối quan hệ thì Gen Z lại thấy say xỉn chỉ tổ khó chịu và chẳng thú vị gì”, Giáo sư John Holmes phân tích.
“Mỗi khi nhìn ai đó say quắc cần câu, tôi lại tự hỏi liệu người đó có cảm thấy ổn không? Thật tốt vì thế hệ chúng tôi đã thật sự nhận thức được, uống rượu có hại cho sức khỏe”, Lola tự hào.
Thay vì rượu bia, Gen Z đang tìm thấy nhiều cách thư giãn và kết bạn, xây dựng mối quan hệ lành mạnh hơn. Họ dành nhiều thời gian chăm sóc bản thân, nghỉ ngơi, theo đuổi những gì mình thích. “Khi mới đến New York, thành phố yêu rượu bia, tôi đã lo lắng sẽ không hòa nhập được. Thế nhưng, tôi lại kết bạn được với rất nhiều người không thích rượu như mình. Ngay cả những người thích uống cũng không nài ép, mà tôn trọng quyết định không rượu của tôi”, Jason (24 tuổi) chia sẻ.
Bây giờ, Gen Z thể hiện phong thái trưởng thành bằng cocktail hoặc mocktail. Theo khảo sát cuối năm 2021 tại Mỹ, thanh niên tuổi 20 thường chọn đồ uống không hoặc ít cồn. “Tôi chỉ thích những bữa tiệc tỉnh táo, nơi mọi người giao lưu, vui chơi và trở về trong an toàn”, Jason nói.
Gen Z chiếm khoảng 1/3 dân số toàn cầu. Ước đoán năm 2024, lượng tiêu thụ đồ uống không cồn tại Úc, Brazil, Canada, Pháp, Đức, Nhật Bản, Nam Phi, Tây Ban Nha, Anh và Mỹ sẽ tăng 31%.