Gen Z Nhật Bản: Cuộc sống sướng hay khổ là do… cha mẹ

GD&TĐ - Nếu Gen Y (1981 – 1996) Nhật Bản luôn tự lực cánh sinh thì Gen Z (1997 – 2010) đang “bước chân vào đời” lại phó mặc “oya-gacha”.

Gần 50% học sinh trung học Nhật Bản đồng ý “không nên nỗ lực thay đổi điều gì”.
Gần 50% học sinh trung học Nhật Bản đồng ý “không nên nỗ lực thay đổi điều gì”.

Họ bảo nhau “số phận là thứ phụ thuộc vào cha mẹ”, nên “tương lai giàu hay nghèo cũng được quyết định luôn từ lúc vừa lọt lòng, nỗ lực làm gì cho mệt”. 

Oya-gacha

Oya-gacha là Nhật ngữ mới, đột ngột nổi lên và giật giải từ thông dụng nhất năm 2021. Nó được kết hợp từ 2 từ, oya - cha mẹ và gacha - viết tắt của gachapon, tên một thương hiệu đồ chơi dành cho trẻ em.

Gachapon sử dụng máy bán hàng tự động, xuất hộp hình con nhộng. Bên trong con nhộng, người ta bỏ ngẫu nhiên các món đồ chơi. Nếu may mắn, người mua có thể trúng món hàng “siêu đẳng” hoặc ngược lại.

Tại Nhật Bản, gachapon bùng nổ trong thập niên 1990, đúng thời kỳ “con nít con nôi” của Gen Z. Về sau, nó tiếp tục phát triển và mở rộng. Không Gen Z Nhật Bản nào lại chưa từng chơi gachapon, hồi hộp trước khi mở con nhộng và vui mừng hay thất vọng với đồ vật giấu bên trong.

Từ lâu, người Nhật đã dùng từ gacha làm tiếng lóng, hiểu như “xổ số”. Oya-gacha là “xổ số cha mẹ”, Gen Z hiểu theo ý “con cái không chọn được người sinh, đầu thai trúng nhà nào thì chịu nhà đó”, nói nôm na là “may rủi cha mẹ cho”.

Theo dữ liệu từ Chính phủ Nhật, từ năm 2012 – 2020, mức lương cơ bản chỉ tăng 1,2%. Từ năm 2014 – 2019, tổng số hộ giàu giảm 3,5% song, số lượng hộ siêu giàu lại tăng. Nó chỉ ra rằng, người cực giàu ngày một giàu hơn, còn người nghèo thì mãi “dậm chân tại chỗ”.

Chi phí nuôi dạy trẻ ở Nhật Bản rất lớn. Ngoại trừ trường lớp chính quy, hệ thống giáo dục ở đây còn rất nhiều trường tư, lớp dạy thêm, học viện luyện thi…

Theo báo cáo thống kê từ Nhật Bản, 60% sinh viên Đại học Tokyo (trường danh giá nhất) đến từ gia đình có thu nhập trung bình trên 86 nghìn USD/năm (tương đương 2 tỷ đồng) và chỉ dưới 10% đến từ các gia đình có thu nhập thấp hơn 32 nghìn USD (tương đương 728 triệu đồng). 

Gen Z Nhật Bản quan niệm, cuộc sống sướng hay khổ là… do cha mẹ.

Gen Z Nhật Bản quan niệm, cuộc sống sướng hay khổ là… do cha mẹ.

“Có sao, nhận vậy”

“Thời nay, mọi thứ đều gacha”, một Gen Z Nhật Bản phản ánh. Xã hội Nhật Bản phân đẳng cấp: Thượng lưu, trung lưu và bần hàn. Tuy không ai thể hiện ra, nhưng tất cả đều ngầm hiểu.

Gen Z Nhật Bản nhận thức rõ sự bất bình đẳng, nhưng thờ ơ. Trong phạm vi trường học, họ xem bất bình đẳng giáo dục là chuyện bình thường. Học sinh con nhà giàu được học thêm, luyện thi và đặt mục tiêu đỗ trường đại học danh tiếng, du học… là đương nhiên. Học sinh con nhà nghèo vì thiếu thốn, không dám có và theo đuổi ước mơ cũng chỉ chẳng đặng đừng.

Ngoài xã hội, Gen Z Nhật Bản càng dửng dưng với bất bình đẳng. Họ mặc định “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa” và không bất mãn với hoàn cảnh của mình. Theo báo cáo khảo sát độ hài lòng với cuộc sống hiện tại vào năm 2018, thực hiện trên những người thuộc tuổi 16, có 29,9% cho biết “nhìn chung là hài lòng”.

Trước đó, vào năm 2016, Chính phủ Nhật Bản hạ độ tuổi được phép bỏ phiếu bầu cử từ 20 xuống 18. Tỷ lệ cư tri đi bầu tuổi 18 - 19 thấp đến thất vọng. Năm 2019, Quỹ Nippon thực hiện khảo sát “bạn có tin mọi thứ trong nước sẽ được cải thiện không” với thanh niên tuổi 18 ở 9 quốc gia. Chỉ 10% người tham gia thuộc Nhật Bản trả lời “có” và chưa đến 20% cho rằng “bản thân sẽ góp phần vào sự cải thiện”.

Niên học 2020 - 2021, Viện Giáo dục Thanh thiếu niên Quốc gia Nhật Bản báo cáo kết quả thăm dò buồn: 45,6% học sinh trung học đồng ý với “Tốt hơn hết là chấp nhận hiện tại chứ đừng cố gắng thay đổi nó”. Đây là con số cao nhất trong 4 quốc gia tham gia (3 nước còn lại là Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ).

Năm 2022, Chính phủ Nhật Bản hạ độ tuổi trưởng thành cho thanh niên xuống 18 (trước đó là 20). Đa phần Gen Z không hào hứng.

Dù ai xuôi ai ngược, Gen Z Nhật Bản bình thản “kệ sự đời”.

Dù ai xuôi ai ngược, Gen Z Nhật Bản bình thản “kệ sự đời”.

Căn nguyên

So với các thế hệ trước ở Nhật Bản, Gen Z “bình chân như vại”. Gen X (1965 – 1980) Nhật Bản chào đời trong bối cảnh tái thiết đất nước. Lớn lên, họ sẵn sàng cống hiến và hy sinh hết mình vì kinh tế quốc gia. Gen Y thì trưởng thành đúng thời điểm khủng hoảng tài chính châu Á, điên cuồng cạnh tranh từ học vấn đến việc làm.

Nguyên nhân Gen Z “bình chân”, có lẽ “nhờ” Gen Y. Thấm thía nỗi khổ cực của “cắm đầu vào học” vì áp lực từ sự kỳ vọng của cha mẹ và nghĩa vụ lập nghiệp, làm giàu, Gen Y không thúc ép, áp đặt con cái.

Họ cũng hiểu rõ cái khó của xin việc trong thời đại thừa nhân lực, nên dễ dãi và vui vẻ chu cấp cho Gen Z một phần, thậm chí là toàn phần tài chính cần thiết.

Thập niên 1990, Nhật Bản từng bùng phát tội phạm vị thành niên, nguyên nhân do trẻ mâu thuẫn với cha mẹ, dẫn tới phản kháng hoặc tự hại. Kể từ năm 2003 đến nay, thực trạng này liên tiếp giảm. Những năm gần đây, tỷ lệ trẻ em dưới 18 tuổi nghèo gia tăng, nhưng số lượng tội phạm vị thành niên vẫn tiếp tục hạ xuống.

“Quan điểm của Gen Z khá giống với Gen Y, nên xung đột giữa cha mẹ và con cái hiếm khi xảy ra”, Doi Takayoshi (Nhật Bản) lý giải. Ông đánh giá cao điều này, nhưng vẫn vô cùng lo ngại. “Tôi muốn cảnh báo Gen Z rằng, họ đang quá thờ ơ với mọi thứ. Sự thụ động chỉ khiến họ trì trệ, không thích ứng kịp nếu có vấn đề xảy ra”, Takayoshi nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...