(GD&TĐ) - Đoàn kiểm tra thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do ông Mông Ký Slay - Vụ trưởng Vụ GD Dân tộc của Bộ GD&ĐT làm trưởng đoàn đã đến làm việc tại tỉnh Tuyên Quang ngày hôm nay 18/3.
Bản đồ tư duy do HS trường THPT Hà Lang (Chiêm Hoá) xây dựng để cùng nhau phấn đấu thực hiện |
Trong chuyến công tác, đoàn đã đến kiểm tra thực tế tại các Trường mầm non Sao Mai, trưởng tiểu học Tân Thịnh thuộc thị trấn Vĩnh Lộc, trường THCS Trung Hà (xã Trung Hà), trường Hà Lang (xã Hà Lang) của huyện khó Chiêm Hoá của tỉnh Tuyên Quang.
Tại đây, ông Mông Ký Slay cùng các thành viên trong đoàn đã đánh giá cao những thành tích mà ngành GD Tuyên Quang đã làm được trong hơn hai năm triển khai và thực hiện phong trào, đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế mà GD Tuyên Quang cần khắc phục và làm tốt hơn nữa trong những năm tới.
Giờ tan học của các em trường THCS Trung Hà |
Tuyên Quang là một tỉnh vùng núi, vùng cao, còn nhiều xã thuộc diện khó khăn, dân cư sống phân tán, xa trường học, đường xá đi lại không mấy thuận tiện nên để duy trì sĩ số luôn là một vấn đề nan giải đối với ngành GD... “Khoảng cách, mối quan hệ giữa thầy cô giáo và các em HS chưa thực sự thân thiện, chưa hoà đồng, gắn bó cũng là một trong những nguyên nhân khiến các em rụt rè trong giao tiếp, không hứng thú đến trường... Do đó, muốn có HS tích cực, trước hết, thầy cô giáo phải tạo được một môi trường thân thiện, độ lượng bao dung, đồng thời phải xây dựng được phương pháp giảng dạy tích cực, tinh tế... để các em dễ hiểu, dễ tiếp thu và hứng thú đến trường...” – Ông Đoàn Văn Ninh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang thẳng thắn thừa nhận.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây tình trạng trên đã dần được khắc phục, đặc biệt kể từ khi hưởng ứng và thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện HS tích cực” lại càng rõ nét hơn trong việc nâng cao chất lượng dạy và học ở Tuyên Quang. Nhiều hoạt động tập thể, trò chơi dân gian, tìm hiểu, chăm sóc người có công với cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá ở địa phương... đã được triển khai sâu rộng trong hầu hết các trường.
Kết quả rõ nét nhất từ phong trào là “bộ mặt” các trường đã có nhiều thay đổi: Trường lớp xanh - sạch - đẹp hơn; hệ thống nước sạch, công trình vệ sinh được cải thiện; quan hệ giữa thầy, cô giáo với HS, giữa HS với HS trở nên thân thiện hơn; các trường đã chú trọng nhiều trong việc rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho HS, tự giác hơn trong việc chấp hành nội quy quy định của trường, và có ý thức rèn luyện thân thể...
Các em HS trường THPT Hà Lang rất tích cực tham gia thực hiện 5 nội dung của phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” |
Tại trường THPT Hà Lang (huyện Chiêm Hoá), một trong những huyện khó khăn của tỉnh Tuyên Quang công tác thực hiện phong trào, thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” được thực hiện một cách nghiêm túc và triệt để. Ban giám hiệu nhà trường đã tích cực đổi mới phương pháp dạy và học, đưa những loại hình văn hoá dân gian vào trường học, chăm sóc và tôn tạo di tích văn hoá; xây dựng các tiết dạy mẫu về đổi mới phương pháp dạy học; khuyến khích GV học tiếng dân tộc thiểu số để có điều kiện thuận lợi khi giao tiếp, truyền tải kiến thức cho các em... Trong khuôn viên trường, khá nhiều cây xanh được trồng làm bóng mát cho các em HS vui chơi... Đặc biệt, nhà trường còn thực hiện rất tốt chủ trương “3 đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) mà ngành GD đề ra - hiện 100% HS nhà trường không có em nào phải thiếu ăn, thiếu mặc.
Việc tuyên truyền, GD truyền thống lịch sử và văn hoá, giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, các lễ hội, di tích, di sản cũng được lồng ghép vào nội dung chương trình dạy học theo chủ điểm, được triển khai đến từng GV và HS. Hiệu trưởng trường THPT Hà Lang - Nguyễn Như Sơn, cho biết: “Để GD tinh thần uống nước nhớ nguồn cho HS, trường thường xuyên tổ chức cho các em tham gia tham quan các khu di tích lịch sử trong huyện như: Khu di tích Kim Bình – nơi diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (1951), Đài tưởng niệm chiến thắng Sông Lò - Cần Cả, các di tích lịch sử nơi đặt các cơ quan Trung ương trong kháng chiến chống Pháp… hay các di tích khác trong tỉnh khu di tích cách mạng - Thủ đô kháng chiến Tân Trào (Sơn Dương)... nhằm khơi dậy lòng biết ơn và niềm tự hào sâu sắc về truyền thống cách mạng của huyện, tỉnh, qua đó hình thành ý thức học tập cho các em...”.
Khi được hỏi em hiểu thế nào về phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”, em Lý Thị Lò (dân tộc Dao), HS lớp 6 trường THCS Trung Hà cho biết: “Theo em hiểu, trường học thân thiện phải là ngôi trường mà ở đó có sự tận tuỵ, yêu thương của các thầy, cô giáo dành cho chúng em. Là sự biết ơn của HS đối với thầy, cô qua sự nỗ lực của mỗi cá nhân trong học tập và rèn luyện để đạt kết quả tốt nhất. HS lớp dưới xưng hô với lớp trên là anh chị, lớp trên gọi lớp dưới là em, cùng lớp, cùng tuổi gọi nhau là bạn, xưng tên, tạo nên sự thân mật và ấm cúng...”.
Trong chuyến kiểm tra việc thực hiện phong trào tại Tuyên Quang, đoàn cũng đã đến thăm Khu lưu niệm cơ quan Bộ GD trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp tại xã Yên Nguyên - huyện Chiêm Hoá. |
Ngoài THPT Hà Lang, THCS Trung Hà, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT còn đến kiểm tra công tác thực hiện phong trào ở một số trường của Chiêm Hoá. Tại đây cơ sở vật chất, khuôn viên nhà trường, cây xanh… đều đạt những tiêu chuẩn mà quy định của phong trào đề ra.
Ông Nguyễn Văn Khang - Hiệu trưởng trường THCS Trung Hà cho biết: BGH nhà trường đã chỉ đạo GD ý thức cho HS bằng nhiều hình thức như: GD pháp luật, tổ chức thi tìm hiểu di tích văn hoá, lịch sử cách mạng, lồng ghép nội dung GD bảo vệ môi trường trong các giờ học để các em có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ của công... Đồng thời, nhà trường còn thành lập “CLB văn học” thường xuyên tổ chức các hoạt động khác như: thi viết (sáng tác) văn, thơ... để GD, rèn luyện kỹ năng sử dụng từ tiếng Việt, kỹ năng viết, kỹ năng tư duy, kỹ năng đọc... để tạo sự mạnh dạn, tự tin cho các em HS...
Phát biểu đánh giá tại buổi làm việc với BCĐ tỉnh Tuyên Quang sau hơn hai năm thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”, ông Mông Ký Slay - Vụ trưởng Vụ GD dân tộc - đại diện đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT phát biểu: “Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng qua kiểm tra thấy công tác triển khai phong trào của tỉnhTuyên Quang đều đạt yêu cầu mà BCĐ Trung ương đề ra. Đồng thời, ông Mông Ký Slay cũng đánh giá cao việc ngành GD Tuyên Quang có những báo cáo cụ thể, số liệu bao nhiêu HS khó khăn, bao nhiêu HS bỏ học, thống kê được những di tích quốc gia, những di tích địa phương đều đã được chăm sóc, đây là một trong những việc làm cần thiết để nhiều tỉnh khác nên học hỏi. Nhưng để phong trào có sức lan toả và triển khai sâu rộng hơn nữa mỗi đơn vị, mỗi trường cần tìm và tạo điểm nhấn riêng cho mình, làm phong phú, đa dạng hơn các nội dung của phong trào chứ không nên rập khuôn máy móc…”.
Trung Toàn