Nhân kỷ niệm 66 năm thành lập ngành, trong niềm vui của hơn 2,1 triệu học sinh cùng gần 150 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên Thủ đô vừa náo nức khí thế bước vào năm học mới 2020 - 2021, Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi với TS Chử Xuân Dũng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội.
- Trong dòng chảy lịch sử 66 năm xây dựng và phát triển, giáo dục Hà Nội đã có những điểm nhấn ấn tượng nào trong công tác nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đổi mới bắt kịp với hội nhập quốc tế, thưa ông?
- Ngày 9/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội đã quyết định thành lập bộ máy của Ủy ban Quân chính, trong đó có quyết định thành lập Sở GD&ĐT. Đây là dấu mốc đầu tiên trong quá trình xây dựng và phát triển của ngành GD-ĐT Thủ đô trong kỷ nguyên cách mạng. Dù bộn bề khó khăn, nhưng chỉ 10 ngày sau khi tiếp quản Thủ đô, các trường học của Hà Nội đã khai giảng năm học đầu tiên sau hòa bình. Trải qua những năm chiến tranh chống Mỹ, trong tiếng gầm rú của máy bay, tiếng bom dội, các trường học của Hà Nội phải sơ tán về các vùng ngoại thành nhưng vẫn đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, không ngừng đào tạo và chăm sóc các thế hệ tương lai. Rất nhiều nhà giáo đã phải tạm xếp bút nghiên lên đường chiến đấu hoặc tham gia công tác giáo dục ở chiến trường miền Nam khốc liệt. Trong số đó không ít người đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Giai đoạn đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay, ngành GD-ĐT Hà Nội luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, làm tốt sứ mệnh “trồng người” cao cả với quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện; góp sức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và đất nước. Ngành GD-ĐT Thủ đô luôn là đơn vị tiên phong tham gia các hoạt động đổi mới giáo dục. Đặc biệt, từ năm 2008, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, tuy sau hợp nhất gặp nhiều khó khăn song chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng cao một cách thực chất, kỷ cương nền nếp được tăng cường. Với vị trí là Thủ đô của cả nước, ngành GD-ĐT Hà Nội đã không ngừng nỗ lực, phát huy tiềm năng lao động sáng tạo của toàn thể đội ngũ CBQL, giáo viên, nhân viên và học sinh để đáp ứng được những yêu cầu phát triển mới của Thủ đô.
Khi mới thành lập, ngành GD-ĐT Thủ đô được tiếp quản một mạng lưới trường lớp của thực dân nghèo nàn. Cả Hà Nội lúc đó chỉ có 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông trung học. Số trường lớp này chỉ đáp ứng được 20% số trẻ đến trường, vì vậy, 80% trẻ em - chủ yếu là con em của nhân dân lao động bị thất học, khoảng 90% dân Hà Nội mù chữ. Giáo dục mầm non cũng còn “non nớt ” chỉ có 3 trường mầm non với 254 trẻ. Giáo dục chuyên nghiệp vỏn vẹn có 1 trường kỹ nghệ thực hành và một số lớp trung học chuyên nghiệp dân lập đào tạo một số nghề, chủ yếu là các nghề thủ công.
Trải qua 66 năm phát triển, đến nay, ngành GD-ĐT Thủ đô có quy mô lớn nhất cả nước. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư, cơ bản từng bước được kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới.
Thành phố Hà Nội không những phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, mà còn trở thành một trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu. Ngành GD-ĐT đã chủ động mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục, thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đem lại từ hợp tác quốc tế cho công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố có 2.792 trường mầm non, phổ thông và 2 trung cấp chuyên nghiệp với 62.223 nhóm, lớp; hơn 2,1 triệu HS, so với cùng kỳ năm trước tăng 44 trường (25 trường công lập và 19 trường tư thục), tăng 1.792 nhóm lớp và 67.594 HS.
- Những dấu ấn này tạo đà cho năm học 2019 - 2020 có được những kết quả nổi bật nào trong công tác GD-ĐT?
- Năm học 2019 - 2020, ngành GD-ĐT Hà Nội có nhiều đổi mới tích cực trong công tác giáo dục, đồng thời cũng phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức mới. Cùng với cả nước, ngành GD-ĐT Hà Nội đã chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, bảo đảm an toàn cho hơn 2 triệu HS các cấp học trên toàn TP...
Với tinh thần “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, Sở đã tham mưu với thành phố, kịp thời triển khai việc dạy, học trên truyền hình, dạy học trực tuyến, học trên phần mềm ôn tập, kiểm tra trực tuyến Hanoi Study, thu hút từ 98% - 100% HS tham gia, giúp cho hoạt động dạy học của GV và HS không bị gián đoạn, HS các cấp học đã được tiếp cận với kiến thức, với thầy cô qua môi trường Internet. Triển khai có hiệu quả chương trình “Máy tính cho em”, trao trợ cấp cho giáo viên, tặng máy tính cho HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...
Ngành GD-ĐT Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước, giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi (HSG) quốc gia, quốc tế. Tại kỳ thi chọn HSG quốc gia năm học 2019 - 2020, Hà Nội dẫn đầu cả nước về chất lượng và số lượng giải, với 15 giải nhất, 44 giải nhì, 44 giải ba và 41 giải khuyến khích; Tại các kỳ thi quốc tế, HS Thủ đô ghi dấu ấn với 338 giải và huy chương các loại. Đặc biệt, tại kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 50 năm 2019 tổ chức tại Israel với sự tham gia của 78 nước và vùng lãnh thổ, HS Hà Nội xuất sắc giành Huy chương Vàng đưa đoàn Việt Nam đứng thứ 4/78 quốc gia tham gia; Tại Olympic Hóa học quốc tế 2019 lần thứ 51 tổ chức tại Cộng hòa Pháp với sự tham dự của 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, HS Hà Nội được trao giải cho thí sinh xuất sắc nhất điểm thi thực hành với điểm tuyệt đối 40/40. Đây là lần đầu tiên thí sinh Việt Nam đạt điểm tuyệt đối phần thi thực hành trong kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế.
Sở GD&ĐT đã chỉ đạo tổ chức tốt kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2020 -2021. Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, thực chất, góp phần tạo dựng niềm tin của xã hội và nhân dân Thủ đô về một nền giáo dục thực chất, hiệu quả và đổi mới phù hợp với yêu cầu của thực tiễn…
Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Hà Nội là địa phương có số điểm 10 nhiều nhất cả nước với 416 điểm 10; số lượng điểm 9 trở lên các môn thi là 28.550 điểm. Không tính thí sinh tự do, tỷ lệ tốt nghiệp toàn TP là 99,17% (trong đó đối với thí sinh THPT là 99,52%, đối với thí sinh GDTX là 96,19%) tăng 2,99% so với năm 2019. Có 105 cơ sở giáo dục đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%, tăng 35 cơ sở giáo dục so với năm 2019.
Tăng cường hội nhập quốc tế trong GD-ĐT, ngành tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh Quốc - Chứng chỉ A Level tại Trường THPT Chu Văn An, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam; Chương trình song bằng THCS (cấp chứng chỉ IGCSE) tại các trường THCS trên địa bàn thành phố.
Công tác bảo đảm an ninh, an toàn, phòng chống tai nạn thương tích và phòng chống dịch bệnh trong trường học được thực hiện tốt. Việc phòng, chống dịch bệnh chống dịch Covid-19, dịch sốt xuất huyết, dịch sởi, cúm, tay chân miệng đạt hiệu quả cao, được cơ quan chức năng, dư luận xã hội đánh giá cao.
Cũng trong năm học, Sở đã hoàn thành công tác thi, tuyển dụng viên chức các đơn vị trực thuộc bảo đảm an toàn, nghiêm túc, kết quả tuyển được 395 viên chức về công tác tại các đơn vị từ 1/9/2020. Rà soát, phối hợp triển khai và hoàn thành tốt kỳ thi thăng hạng cho 2.100 viên chức các đơn vị trực thuộc. Sở cũng đã triển khai việc kiểm tra rà soát theo chuẩn IELTS đối với 3.539 giáo viên Tiếng Anh đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam của trường phổ thông và trung tâm GDNN-GDTX.
Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình Sữa học đường, đã có trên 1 triệu HS mầm non và tiểu học được uống sữa hàng ngày đạt tỷ lệ 91,16%. Đặc biệt nhân văn hơn là hàng ngày có hơn 47.000 trẻ em thuộc diện hộ gia đình nghèo và cận nghèo, HS là người dân tộc thiểu số, HS thuộc diện chính sách (chiếm hơn 4,6% trẻ em trên toàn thành phố) được uống sữa miễn phí...
Chất lượng giáo dục Hà Nội có sự chuyển biến tích cực trong mọi mặt hoạt động. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành GD-ĐT Thủ đô còn tồn tại một số khó khăn. Trong đó, trước thực tế dân số cơ học tăng nhanh, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp được tiếp tục xây mới, gây áp lực về cơ sở vật chất và tình trạng thiếu trường, lớp học. Một số địa phương chưa triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch mạng lưới, phát triển trường lớp, việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ còn hạn chế. Còn tồn tại tình trạng một số trường học cũ chưa được cải tạo kịp thời, nhà vệ sinh tại một số trường học chưa được cải tạo, nâng cấp kịp thời.
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HS chưa thực sự đạt được hiệu quả cao, vẫn còn một bộ phận HS vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, đạo đức, lối sống; còn xảy ra tình trạng bạo lực học đường trong nhà trường...
Công tác quản lý điều hành, chỉ đạo dạy học, tổ chức tuyển sinh ở một số trường chưa được thực hiện nghiêm; còn xảy ra một số hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo và những vụ việc liên quan đến ứng xử chưa chuẩn mực, thiếu trách nhiệm trong quản lý, chăm sóc HS ở một số đơn vị, trường học tạo dư luận không tốt về ngành...
- Có thể thấy, diện mạo của các trường học trên địa bàn Thủ đô đang có những cải thiện đáng kể, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân cũng như nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, đào tạo của toàn ngành. Đây phải chăng là kết quả từ việc thực hiện có hiệu quả công tác huy động các nguồn lực cho phát triển giáo dục?
- Đúng vậy. Kết quả này minh chứng cho sự quan tâm ủng hộ của thành phố và sự vào cuộc quyết liệt của toàn ngành. Trước thực trạng thiếu cơ sở vật chất, thiếu trường học, nhiều trường học bị xuống cấp, từ nhiều năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tích cực chủ động tham mưu với UBND, HĐND TP Hà Nội chỉ đạo các quận, huyện ưu tiên dành quỹ đất xây dựng cơ sở vật chất trường học đáp ứng theo yêu cầu. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp, tập trung xóa các phòng học cấp 4 ở tất cả cấp học; xây dựng, nâng cấp nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn…
Trong năm 2020, thành phố đã cấp tổng kinh phí mua sắm tại các đơn vị là 69,3 tỷ đồng, đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học cho 79 trường công lập trực thuộc; ngoài ra, mua sắm thiết bị giáo dục thể chất cho trường mầm non công lập các huyện, thị xã, với kinh phí 8,7 tỷ đồng; đối với khối quận, huyện, thị xã kinh phí mua sắm trang thiết bị tối thiểu là khoảng 745 tỷ đồng.
Nhờ đẩy mạnh huy động các nguồn lực, Hà Nội hiện có 102 dự án xã hội hóa với tổng mức đầu tư đăng ký trên 14.825 tỉ đồng, sử dụng 1.826.350 m2 đất; có 68 dự án đã triển khai đầu tư xây dựng, trong đó 38 dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động. Trung bình hàng năm, huy động nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách khoảng 2.500 tỷ đồng xây dựng trường lớp học ngoài công lập.
Đặc biệt, việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia (CQG) được coi là điểm nhấn ấn tượng của ngành GDĐT Thủ đô. Ngành đã nỗ lực công nhận mới và công nhận lại trường học đạt CQG, nhằm nâng cao điều kiện dạy và học, tạo thuận lợi cho thầy, trò khi đến trường. Năm 2019, tỷ lệ trường đạt CQG toàn TP là 58,8%, trong đó công lập là 71,6%. So với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2015 - 2020 là có từ 65% - 70% số trường công lập đạt CQG thì kết thúc năm 2019, ngành GD-ĐT đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra trước thời hạn một năm, góp phần thực hiện thành công các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCH T.Ư về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đồng thời sẵn sàng cho việc chuẩn bị triển khai chương trình, sách giáo khoa mới vào năm học 2020 – 2021, Hà Nội đã xác định nhiệm vụ then chốt là tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ CBQL và giáo viên theo hướng thiết thực, bám sát thực tiễn. Sở GD&ĐT đã thực hiện nghiêm túc Kế hoạch bồi dưỡng để nâng cao trình độ cho đội ngũ CBQL và giáo viên trong dịp hè, đảm bảo 100% CBQL và giáo viên các ngành học, cấp học được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết phục vụ cho công tác quản lý và giảng dạy trước khi bước vào năm học mới.
- Bước vào năm học mới 2020 - 2021, năm học đặc biệt với mục tiêu “kép” vừa bảo đảm chất lượng giáo dục vừa phòng, chống dịch Covid-19, ngành GD-ĐT Thủ đô sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?
- Năm học mới 2020 - 2021, chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần NQ29 của BCH T.Ư Đảng tiếp tục định hướng cho các hoạt động của ngành.
Mục tiêu mà ngành GD-ĐT Thủ đô đặt ra là giáo dục Hà Nội trong thời kỳ hội nhập phải bảo đảm phát triển bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng, phát huy tối đa nội lực, từng bước tiếp cận nền giáo dục tiên tiến thế giới…
Để đạt được mục tiêu này, có 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà toàn ngành cần chủ động, sáng tạo và đổi mới khi thực hiện. Đó là, tiếp tục tham mưu rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD-ĐT trên địa bàn thành phố. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ GV và CBQL giáo dục các cấp theo Luật Giáo dục năm 2019. Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bảo đảm an toàn trường học; công tác giáo dục thể chất cho HS. Chú trọng nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục, thực hiện chuyển đổi số trong GDĐT. Chủ động phân cấp và thực hiện tự chủ đối với các cơ sở giáo dục. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường hội nhập quốc tế trong GD-ĐT...
Điều quan trọng là bên cạnh tranh thủ ngoại lực để tăng cường cơ sở vật chất; phát triển nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô thì mỗi CBGV-NV và HS trong ngành cần chủ động phát huy nội lực, phát huy hết trách nhiệm, tiềm năng, khả năng lao động sáng tạo để nâng cao chất lượng dạy và học một cách thực chất, dạy chữ gắn với dạy người, dạy nghề đúng với định hướng giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện…
- Xin trân trọng cảm ơn ông!