(GD&TĐ) - Trong quá trình xây dựng nền văn hoá mới, vấn đề hình thành hệ giá trị và chuẩn mực xã hội mới phù hợp với truyền thống, bản sắc dân tộc và yêu cầu của thời đại là một trong những vấn đề có ý nghĩa quyết định. Giải quyết vấn đề này trong lĩnh vực đạo đức chính là làm hình thành hệ giá trị và chuẩn mực đạo đức mới phù hợp với truyền thống và yêu cầu của thời đại.
Trong các nhà trường nước ta hiện nay luôn coi trọng và quán triệt sâu sắc, toàn diện việc giáo dục tố chất, lấy giáo dục con người làm gốc, giáo dục đạo đức là ưu tiên, coi sự nghiệp trồng người là nhiệm vụ cơ bản của giáo dục. Chúng ta phải nỗ lực bồi dưỡng con người phát triển toàn diện đức – trí – thể – mỹ với phương châm dạy chữ, dạy nghề, dạy làm người.
Nghị quyết của Bộ chính trị về cải cách giáo dục đã chỉ rõ: Giáo dục thế hệ trẻ yêu quê hương, Tổ quốc XHCN và tinh thần quốc tế vô sản, ý thức làm chủ tập thể, tinh thần đoàn kết, thân ái, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, có ý thức kỷ luật, tôn trọng và bảo vệ của công, đức tính thật thà, khiêm tốn, dũng cảm…
Do đó, việc giáo dục đạo đức cho học sinh (HS) là một quá trình dài lâu, xuyên suốt trong quá trình giáo dục. Nó đòi hỏi phải có sự chung tay, góp sức của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Muốn đưa nước ta trở nên giàu mạnh, văn minh thì trước tiên phải xây dựng được những lớp người có đủ trí và đức. Những lớp người đó không ai khác chính là thế hệ trẻ hôm nay, những học sinh, sinh viên đang còn ngồi trên ghế nhà trường họ phải được trang bị đầy đủ đức và tài để trở thành chủ nhân tương lai của đất nước. Trong thư gửi HS nhân ngày khai trường đầu tiên của một nước độc lập, Bác viết: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần rất lớn ở công học tập của các cháu”. Đúng như vậy, HS Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước, tinh thần hiếu học, cần cù, chịu thương chịu khó… nên biết bao thế hệ HS đã ra sức rèn đức, luyện tài để trở thành những trụ cột của nước nhà, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi hai cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Họ đã thực hiện tốt lời dạy của Bác: Là người cách mạng, là những chủ nhân tương lai của đất nước thì đức, trí phải vẹn toàn, phải lấy đạo đức làm gốc.“Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó khăn”.
Trong giáo dục đạo đức cho HS, việc giáo dục đạo đức truyền thống của dân tộc là rất quan trọng. Những giá trị và chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam đã được lưu giữ, truyền lại cho các thế hệ và không ngừng được phát huy qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước rất hào hùng, oanh liệt. Giá trị và chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc ta tựu trung lại có những nội dung cơ bản:
- Sống hoà thuận, đoàn kết, thương yêu đồng bào, đồng loại “thương người như thể thương thân”, nhất là với những người gặp hoạn nạn, khốn khổ. Tình cảm mặn nồng đó thể hiện ở vô vàn hành vi ứng xử trong quan hệ cộng đồng của người Việt Nam.
- Căm thù giặc ngoại xâm, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.
- Sống thuỷ chung, biết ơn, tôn kính, noi gương những anh hùng, nghĩa sĩ có công đức với dân, với nước. Người Việt Nam luôn hướng về tương lai nhưng không bao giờ lãng quên quá khứ, quên tổ tông, vong ơn, bội nghĩa. Từ ngàn đời nay nhân dân ta luôn ghi nhớ những câu răn dạy như: “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”. Giá trị chuẩn mực đó được mở rộng ở tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản, đoàn kết với các dân tộc bị áp bức, với nhân dân lao động các nước mà Hồ Chí Minh đã nêu lên bằng mệnh đề “Bốn phương vô sản đều là anh em”.
Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn chúng ta phải biết phát huy những truyền thống quí báu trên trong đối nhân xử thế. Người từng nói: Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin được.
Trong thời kỳ mở cửa hội nhập quốc tế, với những thời cơ, vận hội lớn, đan xen những thách thức không nhỏ, chúng ta càng phải quan tâm đến nguồn lực con người, nhất là đối với HS, SV – một nhân tố vô cùng quan trọng, bảo đảm đất nước phát triển nhanh, bền vững. Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng đã chỉ rõ: “Xây dựng và hoàn thiện giá trị nhân cách con người Việt Nam…bồi dưỡng các giá trị văn hoá trong thanh niên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống, năng lực, trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh văn hoá con người Việt Nam”. Tuy nhiên, mặt trái của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế đã và đang gây ra nhiều khó khăn ảnh hưởng xấu tới nhiều mặt trong đời sống xã hội của Việt Nam. Ngành giáo dục cũng không ngoại lệ, hiện nay việc giáo dục, giữ gìn và phát huy những giá trị và chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam cho HS đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Đã có rất nhiều ý kiến mang nặng sự lo lắng, trăn trở về những khó khăn hiện nay mà ngành giáo dục đang phải đối mặt, đó là tình trạng HS vi phạm pháp luật, thiếu lễ độ với người lớn, với thầy cô giáo, nói tục, không trung thực, ham chơi, đặc biệt là tình trạng bạo lực học đường như hiện nay đang gây nên sự bức xúc lớn trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu tới việc giáo dục đạo đức cho HS…
Trong chương trình giáo dục, đã có rất nhiều hình thức, môn học nhằm giáo dục đạo đức cho HS như môn giáo dục công dân, văn học, lịch sử,… tất cả các môn học này ngoài việc cung cấp kiến thức cho HS thì thông qua đó phải coi trọng và đặt lên hàng đầu nhiệm vụ giáo dục đạo đức cho HS. Không thể giao phó nhiệm vụ ấy cho riêng một môn học nào mà cần có sự kết hợp chặt chẽ với nhau, biện chứng với nhau hướng tới một mục đích chung cuối cùng là giáo dưỡng, giáo dục và phát triển toàn diện nhân cách cho HS. Trong phạm vi nghiên cứu của mình, tôi chỉ đề cập đến vấn đề giáo dục đạo đức truyền thống cho học sinh THPT thông qua hoạt động dạy và học môn lịch sử trong nhà trường.
Môn lịch sử có nhiệm vụ cung cấp những tri thức về lịch sử phát triển của xã hội loài người từ khi loài người xuất hiện đến nay, đó là những kiến thức lịch sử thế giới, lịch sử dân tộc về tất cả các mặt như kinh tế, chính trị, văn hoá…nhằm dựng lại những bức tranh toàn cảnh về quá khứ một cách khách quan, sống động, về truyền thống đấu tranh bất khuất trong dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam anh hùng, truyền thống nhân đạo sâu sắc và rất nhiều những truyền thống, giá trị cao đẹp khác của dân tộc Việt Nam. Hơn tất cả, bộ môn lịch sử có vai trò vô cùng quan trọng trong giáo dục đạo đức truyền thống cho học sinh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Điều đó có nghĩa là muốn giữ gìn và phát huy được những truyền thống hào hùng đó thì trước tiên phải nắm và hiểu rõ được lịch sử của dân tộc mình, môn học lịch sử có vai trò quan trọng trong vấn đề này.
Giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, truyền thống đạo đức và lối sống cho học sinh hiện nay không chỉ dừng lại ở các chương, điều trong sách vở mà quan trọng là phải giáo dục bằng chiều sâu lịch sử, những truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc, bằng những tấm gương yêu nước tiêu biểu, những anh hùng, liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân ta.
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng HS không thích học môn lịch sử nói chung và lịch sử Việt Nam nói riêng là khá phổ biến, một bộ phận không nhỏ HS chưa nắm vững được hoặc còn mơ hồ về những kiến thức cơ bản của lịch sử dân tộc, kéo theo đó là những chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc đang dần bị giảm sút... Cũng cần phải nói thêm rằng, bộ môn lịch sử hiện nay vẫn chưa được coi trọng đúng mức, còn coi đó là môn phụ nên cũng không thể đòi hỏi được yêu cầu cao hơn nữa ở cả người dạy và người học. Làm sao để môn học lịch sử được các em HS yêu thích và đam mê nghiên cứu? Làm thế nào để giáo dục đạo đức truyền thống cho HS thông qua giảng dạy bộ môn lịch sử đạt hiệu quả? Đây là những vấn đề lớn và quan trọng cần cấp thiết được giải quyết, trách nhiệm này không chỉ của riêng ngành giáo dục, của người giáo viên và HS mà còn là trách nhiệm của các cấp, các ngành có liên quan và của toàn xã hội.
Trước thực trạng thật sự đáng quan tâm như đã nêu trên, để lưu giữ, phát huy những giá trị và chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam, trong giáo dục đạo đức cho HS hiện nay, chúng ta cần tập trung giải quyết những vấn đề sau:
Thứ nhất, muốn nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức cần có sự kết hợp từ phía gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó nhà trường giữ vai trò định hướng, uốn nắn những hành vi của học sinh theo chuẩn mực giá trị chung của xã hội. Gia đình và xã hội là môi trường vun đắp, nuôi dưỡng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành giá trị đạo đức cho học sinh. Cần sớm khắc phục tình trạng giáo dục đạo đức cho học sinh hiện nay hầu như được giao phó chủ yếu cho nhà trường. Tấm gương đạo đức của cha mẹ, người thân trong gia đình cũng như tấm gương đạo đức của thầy cô giáo luôn có tác dụng giáo dục vô cùng to lớn, hiệu quả hơn ngàn vạn cuốn sách về đạo đức cho dù học sinh đã được học thuộc. Một sự thực hiển nhiên là khi một gia đình gia giáo, sống có nền nếp thì con em họ rất ngoan hiền, chăm chỉ và học tập tốt, còn những gia đình mà cha mẹ sống thiếu trách nhiệm với con cái thì hệ quả mang đến hoàn toàn ngược lại. Chỉ có nhân cách mới giáo dục được nhân cách. Vì đó là một môi trường không cần nhiều lời nói nhưng tác động mạnh mẽ đến cá nhân. Giáo dục đạo đức chỉ khả thi ngay trong cuộc sống của gia đình, trong học đường và phải bằng hành động ngoài xã hội.
Thứ hai, cần coi trọng đúng mức việc giảng dạy môn lịch sử cũng như vị trí và vai trò của môn học này trong giáo dục đạo đức truyền thống cho HS; đổi mới nội dung chương trình và phương pháp dạy học môn lịch sử nói riêng, phương pháp dạy học nói chung một cách khoa học hơn nữa để phù hợp với sức học của học sinh, không nên quá dồn ép kiến thức tạo áp lực trong việc học của HS…. Trên thực tế, chúng ta đã và đang tiến hành đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học nhưng hiệu quả mang lại chưa cao, minh chứng cho điều này có thể thấy qua kết quả các kì thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây tỷ lệ HS thi trượt tốt nghiệp là khá cao, trong đó tỷ lệ điểm thấp môn lịch sử không phải là nhỏ, gần đây nhất là trong kỳ thi đại học năm 2011 có hàng ngàn bài thi môn lịch sử bị điểm không (0)… điều đó cũng có nghĩa là HS chưa hiểu biết nhiều về lịch sử nói chung và lịch sử Việt Nam nói riêng, nên tất yếu dẫn đến những hệ luỵ của nó là những giá trị, chuẩn mực đạo đức truyền thống đang dần bị giảm sút trong giới trẻ hiện nay.
Thứ ba, muốn giáo dục đạo đức truyền thống cho HS qua giảng dạy bộ môn lịch sử đạt hiệu quả thì người giáo viên không đơn giản là người có tri thức, có nghiệp vụ sư phạm vững vàng, mà còn phải là người có tác phong chuẩn mực, tư cách đạo đức tốt… Giáo viên không được phép phạm sai lầm về đạo đức, hay nói cách khác, cuộc sống của người giáo viên không được có tì vết. Giáo viên phải là một tấm gương sáng, mẫu mực để học sinh soi mình. Đây là một vấn đề quan trọng cần thực hiện tốt, vì trên thực tế không phải người thầy nào cũng thực hiện tốt được những chuẩn mực đạo đức của nghề thầy. Nhìn thẳng vào sự thật, chỉ ra những hạn chế, chúng ta mạnh mẽ lên án những hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo như bạo hành học sinh, xúc phạm nghiêm trọng đến phẩm chất, danh dự của học sinh…Do đó, để làm tốt chức chức năng cao quý của người thầy trong xã hội, nhanh chóng tẩy rửa những hoen ố do một số thầy cô giáo thoái hoá biến chất gây ra trong tâm tưởng học sinh và xã hội, chúng ta cần phải tập trung làm tốt một số việc sau:
- Tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng và giáo dục đạo đức người thầy cho đội ngũ các nhà giáo. Công việc này phải làm thường xuyên, liên tục ở từng nhà trường, cần phải tìm nhiều cách thể hiện nội dung, hình thức tổ chức học tập khác nhau để giáo viên thường xuyên được củng cố những nhận thức chính trị, chống quyết liệt và triệt để phai nhạt lý tưởng đội ngũ giáo viên.
- Củng cố vị thế và bảo đảm đời sống cho giáo viên, nhất là giáo viên phổ thông: cần phải xây dựng và công bố rộng rãi tiêu chuẩn đạo đức cao quý của người thầy, làm nổi bật vai trò của người thầy trong sự phát triển của xã hội…Bên cạnh đó, Nhà nước phải làm cho giáo viên sống đầy đủ, bậc trung bình trong xã hội; phải làm sao giáo viên không muốn, không thể, không dám nhận tiền của học sinh và phụ huynh học sinh dưới mọi hình thức… Để từ đó người giáo viên có thể chuyên tâm công tác giáo dục học sinh, như thế việc giáo dục mới đem lại hiệu quả…
Thứ tư, trong giáo dục nói chung và giáo dục đạo đức nói riêng, muốn đạt hiệu quả cao thì ngoài vai trò của giáo viên, nhà trường, gia đình và xã hội ra còn rất cần thiết phải nhắc đến vai trò của người học (HS). HS là đối tượng được giáo dưỡng, giáo dục và phát triển, do đó trong môi trường gia đình cần trang bị ngay từ ban đầu cho các em tính lễ phép, chăm chỉ, trung thực, tự lập và có trách nhiệm…để các em đến trường học tập có thể phát huy tốt nhất những đức tính tốt đẹp đó. Cho dù thầy có tài giỏi đến mấy nhưng ý thức phấn đấu học tập của trò không có thì cũng không đem lại kết quả tốt được. Do vậy, trách nhiệm phấn đấu học tập và tự rèn luyện nhân cách của HS đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức truyền thống cho chính các em. Mỗi HS phải thường xuyên học tập, tu dưỡng rèn luyện, tự hoàn thiện chính bản thân mình. Mọi sự buông thả, thiếu tự giác trong học tập, rèn luyện, tu dưỡng, xa rời sự quản lý, giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội là con đường dẫn đến hư hỏng, đánh mất chính bản thân mình. Mỗi HS phải thường xuyên tự giáo dục, xây dựng tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái vì cộng đồng, chống bàng quang, vị kỷ cá nhân; xây dựng thái độ học tập, nghiên cứu khoa học, học thực chất, học suốt đời, chống tiêu cực gian dối, không trung thực, xây dựng tinh thần lao động cần cù, sáng tạo… Bác Hồ đã dạy thanh niên: “Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, tức là khiêm tốn, đoàn kết, thực hành chủ nghĩa tập thể, thường xuyên giúp đỡ lẫn nhau…Phải cố gắng học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hoá và kỹ thuật để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.
Thứ năm, trang thiết bị phục vụ cho môn học phải được trạng bị đầy đủ như: bản đồ, tranh ảnh, phim tư liệu, phòng bộ môn… bằng nhiều kênh cung cấp thông tin, đặc biệt là kết hợp giữa việc cung cấp kiến thức với cho HS quan sát những hình ảnh, thước phim… liên quan đến nội dung bài học (trực quan sinh động), qua đó học sinh sẽ cảm thấy thích thú khi học môn lịch sử, chủ động tìm tòi, say mê nghiên cứu. Thực hiện tốt vấn đề này thì hiệu quả mang lại rất cao, vì theo như Triết học Mác-Lênin, con đường biện chứng của quá trình nhận thức là “từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn”.
Thứ sáu, Cần tích cực đưa lịch sử địa phương vào trong chương trình giảng dạy để HS nắm và hiểu sâu về lịch sử địa phương, quê hương mình, những truyền thống đấu tranh anh dũng, quật cường, những tấm gương yêu nước tiêu biểu, những anh hùng, liệt sĩ… Bên cạnh đó, trong dạy học lịch sử rất cần phải có những tiết học tại thực địa, như các khu di tích văn hoá - lịch sử của địa phương, của quốc gia, căn cứ địa cách mạng mà có tại địa phương mình,… qua đó vừa giảng dạy vừa liên hệ thực tế tại địa phương, và quan trọng nhất là giáo dục cho học sinh hiểu và thấm nhuần được những truyền thống quí báu của dân tộc như: truyền thống yêu nước, đấu tranh của dân tộc Việt Nam qua ngàn năm dựng nước và giữ nước, truyền thống nhân đạo sâu sắc, truyền thống đoàn kết, cần cù trong lao động, sản xuất, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”… Thông qua đó giúp cho HS nhận thấy trách nhiệm của mình với Tổ quốc, với gia đình và xã hội mà trước tiên là trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm trong học tập, lao động… như thế đã hình thành trong mỗi HS những phẩm chất đạo đức truyền thống đáng quý của dân tộc Việt Nam.
Giáo dục nói chung và giáo dục đạo đức HS nói riêng nhằm hình thành hành vi ứng xử văn hoá cho HS là vấn đề hết sức cần thiết hiện nay. Đó chính là sự định hướng vào những bản chất tốt đẹp của con người Việt Nam mới, vừa giữ được thuần phong mỹ tục của dân tộc, vừa thể hiện sự thông minh sáng tạo của các thế hệ HS Việt Nam. Đây là việc làm vừa mang tính cấp bách, vừa có tính lâu dài và cũng không hề đơn giản trước những làn sóng nhiễu của thời kỳ hội nhập và kinh tế thị trường. Tuy nhiên, nếu xác định đúng các bước đi và biết sử dụng những biện pháp phù hợp cùng với sự chung tay của cả cộng đồng vì thế hệ trẻ thì nhất định chúng ta sẽ đào tạo được một lớp người mới vừa hồng vừa chuyên. Và đây đã được xác định là cả một sự nghiệp lớn của Đảng ta, cần có sự tham gia, chung sức, chung lòng của toàn hệ thống chính trị - xã hội, mà nòng cốt là từng gia đình (tế bào của xã hội) nhà trường, thầy cô giáo hết lòng chăm lo đến sự nghiệp giáo dục, hết lòng vì học sinh thân yêu, bản thân từng học sinh phải tự xác định trách nhiệm của mình đối với gia đình, xã hội, thì chắc chắn sự nghiệp giáo dục trong tương lai sẽ gặt hái những thành tích xứng đáng với lòng tin của Đảng, Nhà nước và toàn dân.
Tạ Quang Trung
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp