GD đại học Nga đi tìm ánh hào quang xưa

GD&TĐ - Trong nhiều thập kỉ, Liên Xô cũ và sau đó là nước Nga nổi tiếng với chất lượng đào tạo đại học, đặc biệt là lĩnh vực khoa học cơ bản. 

GD đại học Nga đi tìm ánh hào quang xưa

Tuy nhiên danh tiếng đó đang là những ánh hào quang mờ dần khi nhìn vào bảng xếp hạng các trường ĐH quốc tế. Tìm lại ánh hào quang là một nhiệm vụ khó khăn…

Có còn hào quang?

Với chiều cao 240 mét kinh ngạc, tháp chính ĐH quốc gia Lomonosov Moscow nổi bật trên bầu trời thủ đô nước Nga. Được khánh thành ngay sau khi Stalin qua đời năm 1953, nơi được ví như “ngôi đền của khoa học Xô viết” vẫn là tòa nhà đại học cao nhất thế giới và có thể được người dân Moscow nhìn thấy từ cách xa vài dặm ở mọi hướng.

Nhưng trong khi chiều cao của tòa tháp – cao hơn 3 lần Senate House, tòa nhà hành chính của ĐH London và cao nhất châu Âu cho tới năm 1990 - vẫn được ngưỡng mộ, thì hiện tại thứ hạng quốc tế của các trường đại học Nga không tương xứng với chiều cao như vậy.

Xếp hạng GD đại học toàn cầu Times Higher Education World 2014 - 2015, ĐH Quốc gia Moscow – ĐH có thứ hạng cao nhất và nổi tiếng nhất của Nga – chỉ xếp hạng thứ 196 thế giới. Trường này cũng chỉ có được những thứ hạng chấp chới trong bảng xếp hạng tốp 200 trong 4 năm trước đó.

Trong khi đó, trường ĐH lâu đời nhất của Nga, ĐH Quốc gia Saint Petersburg – trường cũ của 8 người đoạt giải Nobel, hàng chục nhà khoa học nổi tiếng thế giới và Tổng thống Nga Vladimir Putin – không lọt nổi vào tốp 400, mặc dù ngôi trường có lịch sử huy hoàng khoảng 300 năm.

ĐH Quốc gia Novosibirsk, Siberia, được thành lập năm 1959, là trường duy nhất ngoài ĐH Quốc gia Moscow lọt được vào tốp 400.

Một số ý kiến hoài nghi liệu xếp hạng trên có phản ánh một bức tranh chất lượng đào tạo khoa học công bằng không khi mà rất nhiều trong số 2.000 công trình nghiên cứu khoa học bằng tiếng Nga không được tính đến theo phương pháp xếp hạng kể trên; ngoài ra nhiều nghiên cứu chất lượng cao được thực hiện trong các viện, như Viện Khoa học Nga nơi có 45.000 nhà nghiên cứu làm việc…

Gian nan phía trước

Trong một nỗ lực giải quyết vấn đề, năm 2013, Tổng thống Putin đã khởi xướng một kế hoạch tham vọng, Dự án 5-100, nhằm “đẩy” 5 trường ĐH Nga vào tốp 100 thế giới vào năm 2020. Một trong những mục tiêu chính là bảo đảm ít nhất 10% giảng viên và nhà nghiên cứu tại Nga, 15% trong 7 triệu sinh viên là đến từ nước ngoài. Nguồn lực đầu tư tập trung cho 15 trường đại học (được chọn từ 36 trường nộp đơn đăng ký năm 2012), quá trình sàng lọc tiếp theo sẽ lựa chọn ra 5 trường ĐH cuối cùng.

Tham vọng thì lớn nhưng đầu tư cho Dự án 5-100 lại tương đối khiêm tốn, với khoảng 44 tỷ rup (khoảng 448 triệu bảng Anh) giai đoạn 2013 - 2016. Thử so sánh đầu tư của một số quốc gia cho chương trình cải tổ GD đại học: Đức chi 1,4 tỷ bảng Anh (1,9 tỷ euro) cho giai đoạn đầu Excellence Initiative (2006 -2011); Pháp chi 7,7 tỷ euro cho kế hoạch cải thiện GD đại học – theo báo cáo của Hiệp hội ĐH châu Âu công bố tháng 12/2014.

Giá trị thực chi của Dự án 5-100 còn giảm đi do giá trị đồng rup chao đảo giữa lúc giá dầu giảm và phương Tây áp đặt nhiều biện pháp cấm vận do vấn đề Ukraine. Các nhà kinh tế dự đoán Nga có thể đối mặt với suy thoái lần đầu tiên trong 5 năm, môi trường kinh tế ảm đạm hiện tại sẽ rất khó khăn cho việc thu hút các nhà nghiên cứu nước ngoài đến Nga.

Dù vậy, Alexander Povalko, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Khoa học Nga, tin rằng mục tiêu năm 2020 không phải là điều không tưởng, mặc dù cảnh báo rằng tạo nên những trường đại học đẳng cấp thế giới phải mất vài thập kỉ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ