Vụ việc gây bức xúc cho nhiều người khi tài xế gây tai nạn bỏ mặc hàng loạt nạn nhân, trốn khỏi hiện trường.
Vụ tai nạn liên hoàn xảy ra giữa xe ô tô với hơn 10 xe gắn máy xảy ra vào tối 5/5 tại giao lộ Dương Văn Cam - Kha Vạn Cân, TP Thủ Đức, camera ven đường của nhà dân đã ghi lại cảnh hiện trường.
Theo đó, vào khoảng 19 giờ 30 phút cùng ngày, chiếc ô tô mang biển số 51H - 921.02 do nam tài xế (khoảng 40 tuổi) cầm lái chạy trên đường Kha Vạn Cân, hướng từ cầu vượt Linh Xuân về chợ Thủ Đức.
Khi xe này vừa ôm cua rẽ phải tại giao lộ đường Dương Văn Cam - Kha Vạn Cân (giáp giữa phường Linh Tây và Trường Thọ, TP Thủ Đức) thì bất ngờ lao qua làn đường ngược lại, tông vào nhiều xe máy.
Chưa dừng lại, xe này còn tăng ga tông thẳng vào một nhà dân ven đường Kha Vạn Cân rồi lùi lại tông thêm nhiều xe máy khác. Vụ việc khiến 4 người bị thương nặng, nằm la liệt trên đường, kêu cứu, nhiều xe máy bị hư hỏng nặng. Sau tai nạn, tài xế đã rời khỏi hiện trường.
Trước vấn đề tài xế rời khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn, luật sư Lê Bá Thường, Đoàn Luật sư TPHCM nhận định: “Tâm lý tài xế khi lái xe gây tai nạn có phần hoang mang, lo lắng, hoảng sợ và có thể bỏ trốn khỏi hiện trường.
Có người bỏ trốn là do sợ có thể bị người dân xung quanh hoặc người thân của nạn nhân tấn công. Chỉ có một số ít người giữ được bình tĩnh dám ở lại để xử lý đưa nạn nhân đi cấp cứu hay đợi cảnh sát giao thông đến để lấy lời khai.
Thế nhưng luật pháp quy định, khi tai nạn giao thông xảy ra, tài xế phải dừng ngay phương tiện gây tai nạn, giữ nguyên hiện trường, cấp cứu người bị nạn và phải ở lại hiện trường nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến hoặc phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu (Điểm a Khoản 1 Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008)”.
Cũng theo luật sư Thường, nếu tài xế ô tô gây tai nạn, thấy nạn nhân bị thương nặng hoặc bất tỉnh mà vẫn cố tình bỏ trốn khỏi hiện trường để trốn tránh trách nhiệm thì sẽ bị xử hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, tùy vào hậu quả tỷ lệ thương tật xảy ra đến mức nào, bị thương hay tử vong.
Trong trường hợp này, cần chú ý có hay không có những tình tiết tăng nặng như: Không có giấy phép lái xe, có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác, hoặc bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn…
Người lái xe gây tai nạn có thể bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm (Khoản 2, 3 Điều 260 BLHS 2015), ngoài ra còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng với mức phạt tù đến 7 năm (Điều 132 BLHS 2015).
Luật sư Thường cho biết thêm nếu nạn nhân hay gia đình nạn nhân có đơn rút yêu cầu khởi kiện người gây tai nạn giao thông thì được xem là hành vi bãi nại.
Tuy nhiên, nếu cơ quan điều tra kết luận người lái xe gây tai nạn vi phạm vào tội vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS 2015 thì hành vi xin bãi nại của nạn nhân hay gia đình nạn nhân chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ tội chứ không được miễn trách nhiệm hình sự, vẫn sẽ bị cơ quan điều tra khởi tố (Điều 155 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015).