Gạt hết niềm riêng, tất cả vì ước mơ và tương lai con trẻ!

GD&TĐ - Ba thân gái một mình giữa núi rừng hoang vu, đối diện với vô vàn khó khăn vất vả nhưng trên hết họ vẫn hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp trồng người.

Lò Thị Inh, Cầm Thị Kim và Lò Thị Liệu là những giáo viên trong bài viết: “Đường ‘cắm bản’ của những nữ giáo viên nơi thâm sơn cùng cốc”.

Họ không chỉ đối diện với những khó khăn, thiếu thốn về mặt vật chất mà còn làm bạn với những đêm trường cô đơn nơi núi rừng hoang hoải, không một tia sáng với lại.

Xa gia đình, xa chồng con, động lực lớn nhất của những giáo viên cắm bản là niềm vui của học sinh.

Xa gia đình, xa chồng con, động lực lớn nhất của những giáo viên cắm bản là niềm vui của học sinh.

Đêm, chúng tôi ngồi quây quần bên nhau, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới biển, chủ yếu là về cuộc sống cắm bản của giáo viên. Inh nói: “Hay các em ở đây với các chị thêm mấy hôm nữa đi, cho đỡ buồn”.

Bản Nậm Dính trước đây không có điện. Giờ có điện rồi mà lại không có tivi, không internet, 3G thì cũng không dùng được. Chồng con thì ở xa quá. Nghĩ thôi đã thấy buồn. “Thế các chị làm thế nào?”, phóng viên hỏi.

Nét buồn hiện rõ ngay cả khi Inh đang cười.

Chúng tôi biết chị cô đơn. Cảm tưởng cái sự thưa thớt bóng người, chỉ nghe thấy tiếng côn trùng kêu rả rích đã đẩy nỗi niềm đến tận cùng.

Ba người phụ nữ có chồng mà lại một thân một mình nơi núi rừng biên viễn, giữa những thôn bản không một người thân quen. Xét cho cùng họ vẫn là phụ nữ. Dẫu có mạnh mẽ, độc lập đến mấy hẳn cũng sẽ có lúc thấy buồn và tủi thân.

“Sợ nhất là những ngày ở bản có đám ma. Nhiều gia đình họ để thi thể người thân trong nhà đến tận 7 ngày", Inh tâm sự.

Ba chị em cắm bản nơi núi rừng heo hút vì vậy mỗi khi có người nhà lên thăm là họ vui lắm. Nhưng buồn nhất vẫn là phải xa con. Nhiều đêm, Kim nằm khóc ướt gối vì con ốm đau ở nhà mà bản thân lại không thể chăm sóc được.

“Mỗi lần con ốm đau lòng tôi như thắt lại. Phần thương con, phần thương chồng ở nhà cảnh gà trống nuôi con”, Kim xúc động.

Cô giáo Cầm Thị Kim vui chơi cùng học sinh, tạm quên đi nỗi nhớ chồng, nhớ con.

Cô giáo Cầm Thị Kim vui chơi cùng học sinh, tạm quên đi nỗi nhớ chồng, nhớ con.

Nghe kể về con, Liệu và Inh cũng không cầm được lòng. Ngày vào cắm bản, Liệu bế đứa nhỏ mới 2 tháng tuổi băng rừng, vượt suối vào Nậm Dính. Thấy bóng Liệu từ xa, Kim và Inh ôm chầm lại, bồng đứa nhỏ vào lòng mà trách sao liều thế, còn đỏ hỏn mà đã bế vào đây.

Ở với con vài tháng cho đỡ nhớ hơi mẹ, Liệu đứt từng khúc ruột phải gửi con về nhà nhờ ông bà chăm sóc rồi lại tiếp tục hành trình cắm bản chưa hẹn ngày về. Trong đôi mắt của cô giáo trẻ là bao suy nghĩ giằng xé, cắm bản tiếp hay trở về nhà?

“Cô đơn và nhớ nhà nhưng chúng em có được nguồn động viên rất lớn đó là niềm vui của các em học sinh. Các con rất ngoan và tiến bộ qua từng ngày. Những lúc nhớ chồng con, em luôn nghĩ về ngày mai mà cố gắng bước tiếp”, Liệu tâm sự.

Mới tuần trước, Thắng gọi điện lên giọng ngập ngừng. Hỏi mãi thì mới biết con ở nhà bị sốt. Thấy Kim sốt ruột và dằn vặt, Thắng gói ghém vài bộ quần áo rồi lên với vợ ngay hôm đó. Mấy ngày Thắng lên, Kim vui lắm.

Kể từ ngày đầu đưa vợ vào nhận công tác tại điểm trường Nậm Dính trong một trải nghiệm chưa từng có. Cứ độ vài tháng, Thắng lại rong ruổi xe máy từ huyện Than Uyên lên Tà Tổng để “tiếp tế” cho vợ.

Tiếp tế ở đây không phải là sự tiếp tế về mặt vật chất mà là sự tiếp tế về mặt tình cảm, tinh thần cho Kim vơi bớt sự cô đơn trong những đêm trường vò võ nơi xứ người.

“Vợ mình ở đây cũng thương. Nói gì thì nói phụ nữ mạnh mẽ đến đâu cũng cần một bờ vai để dựa vào. Ba chị em ở đây có thân nhau đến mấy nhưng cũng có những chuyện họ cũng chỉ kể được với chồng. Vợ tôi ở đây có khi một năm về được hai lần. Những ngày con ốm con đau, gọi cho vợ, Kim cứ khóc nấc cả lên”, Thắng tâm sự.

Nghe Thắng nói, chẳng biết từ khi nào mà nước mắt họ cứ chảy ra. Ngày mai Thắng về, hẳn Kim sẽ buồn.

Còn Inh đang nóng ruột chờ mấy hôm nữa chồng lên thăm.

Chồng Liệu cũng mới trở về nhà mấy bữa trước, cô cũng đang đếm ngược tới lần tiếp theo anh đưa con lên chơi. Mỗi người đều mang những cảm xúc của riêng mình.

Từ ngày mở điểm trường Nậm Dính, trẻ con nơi đây được đi học, được các cô chăm sóc chu đáo.

Từ ngày mở điểm trường Nậm Dính, trẻ con nơi đây được đi học, được các cô chăm sóc chu đáo.

Không gian yên ắng, xung quanh lặng như tờ, lựa lúc lòng mình lắng lại, chúng tôi hỏi các chị: “Khó khăn như vậy nhưng các chị còn yêu nghề không?”.

Cả ba đồng thanh đáp: “Có chứ, nếu không yêu nghề thì chúng em đã không ở đây”. Nghĩ vậy chúng tôi “chế” một câu thơ tặng các chị: “Ai lên Tà Tổng mùa xuân ấy/ Hồn về Nậm Dính chẳng về xuôi”. Ba chị nghe vui tai lắm, cười như nắc nẻ.

Ngẩng mặt nhìn lên qua khung cửa sổ, đã thấy trời tảng sáng!

Ngày hôm sau, trước lúc chia tay về Hà Nội, chúng tôi hỏi với lại: “Chị Kim muốn gì nhất vào lúc này?”.

- Lúc này à, chị muốn có cầu để các con đến trường đỡ khổ.

- Thế chị còn muốn điều gì khác nữa không?

- Nếu được thì chị mong có cái sân đẹp cho các con, thay cho nền đất bây giờ.

- Vậy còn bản thân chị, chị muốn gì cho chị không?

Kim ngập ngừng hồi lâu, lúng túng vì câu hỏi. Cô ấy có thể trả lời rất nhanh về những gì mong mỏi cho trường, cho những đứa trẻ, nhưng lại nghĩ mãi không biết mình cần gì.

Đến trường các con được ăn cơm có thịt, cá, trứng. Mô hình bữa ăn bán trú có sự đóng góp và nỗ lực rất lớn của giáo viên, nhà trường.

Đến trường các con được ăn cơm có thịt, cá, trứng. Mô hình bữa ăn bán trú có sự đóng góp và nỗ lực rất lớn của giáo viên, nhà trường.

Mảnh đất Nậm Dính thiếu thốn trăm bề, những sinh hoạt hàng ngày vẫn còn tạm bợ, chắp vá. Bể nước sạch là những miếng ván gỗ được lót bạt để chống nước, với cái ống nhựa dài để kéo nước dưới suối về. Khu vệ sinh cũng được lợp từ hai nguyên liệu chính – ván gỗ và bạt che.

Chúng tôi là khách ghé thăm vài ngày ngắn ngủi đã thấy vô vàn những bất tiện mà cô trò nơi đây đang gặp phải, thế nhưng các chị chẳng nhận ra, hoặc nhận ra nhưng vẫn đặt công việc của mình lên hết thảy.

Những người phụ nữ dám gác lại hạnh phúc của riêng mình, gói ghém đồ đạc để sống và công tác nơi thưa người vừa đáng ngưỡng mộ lại vừa thương.

Đâu ai biết để đưa ra lựa chọn ấy, họ đã cảm thấy giằng xé, day dứt như nào? Một bên là gia đình, một bên là công việc – sự lựa chọn ấy chưa bao giờ là dễ dàng.

Kim, Inh và Liệu chỉ là ba cá nhân mà chúng tôi gặp nơi điểm trường Nậm Dính. Trên mảnh đất hình chữ S này, nhưng những người phụ nữ như thế đủ cho chúng tôi hiểu nỗ lực và sự tận tâm của một nhà giáo cao cả đến nhường nào.

Họ nào có kì vọng một điều gì cho riêng mình ở nơi núi rừng hoang hoải này ngoài khao khát đem giáo dục và tình yêu thương vô hạn để ôm lấy những đứa trẻ nơi vùng cao.

Ông Tống Thanh Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè cho biết, cá nhân ông cũng như ngành giáo dục huyện nhà rất trân trọng và ghi nhận những cố gắng của các thầy cô giáo trong vùng khó. Trong đó có ba cô giáo cắm bản tại Nậm Dính.

Nhiều năm qua, các thầy cô giáo đã phát huy phẩm chất cao đẹp của người làm thầy góp phần làm thay đổi bộ mặt giáo dục vùng khó. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn và xa gia đình nhưng đội ngũ giáo viên cắm bản vẫn cống hiến hết lòng cho ngành giáo dục.

“Do điều kiện địa hình bị chia cắt nên trên địa bàn huyện có rất nhiều điểm trường lẻ xa trung tâm. Nhiều nơi chưa có đường, có điện và có nước sạch do vậy các thầy cô cắm bản đối diện với rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là đối với những giáo viên nữ phải xa gia đình một mình nơi núi rừng hoang vu.

Trên địa bàn huyện cũng có không ít các cặp vợ chồng là giáo viên cắm bản. Chúng tôi luôn trân trọng những sự đóng góp của đồng nghiệp đối với ngành giáo dục huyện nhà”, ông Tống Thanh Sơn chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.