Sáng 17/7, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Yên Lập cho biết, trước đó ngày 15/7 sau khi tiếp nhận nữ bệnh nhân N.T.P (16 tuổi, ở xã Hưng Long, huyện Yên Lập) đến khám tại phòng khám Tai - Mũi - Họng với các triệu chứng nhột trong lỗ mũi, nghẹt mũi, chảy máu mũi, mệt mỏi không rõ nguyên nhân trong khoảng 3 ngày trở lại đây.
Qua nội soi các bác sĩ phát hiện một con đỉa (đỉa là một loài động vật thân mềm, không xương sống, sống dưới nước và ký sinh trong cơ thể người, động vật - PV) dài khoảng 3cm còn sống trong mũi bệnh nhân P.
Qua thăm khám, được biết bệnh nhân P. cách đây 10 ngày có đi tắm ở đát (thác) tại xã Trung Sơn. Bệnh nhân P. được các bác sĩ thực hiện các xét nghiệm chức năng cơ bản. Đồng thời, tiến hành kiểm tra nội soi mũi và phát hiện sàn khe có nhiều dịch nhầy cuốn nề chít hẹp, khe giữa mũi bên trái quan sát thấy hình ảnh dị vật di động được xác định là đỉa.
Con đỉa sống ký sinh trong mũi bệnh nhân P. nhiều ngày, mềm, trơn, nấp vào các xoang mũi nên rất khó gắp ra.
Bằng sự khéo léo, cẩn thận, tập trung và cố gắng, các bác sỹ đã lấy được con đỉa ra khỏi mũi bệnh nhân. Tiếp tục thăm khám đánh giá tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định, các bác sĩ đã cho P. về nhà.
Chia sẻ với Báo GD&TĐ, bác sĩ Trần Thế Hảo, khoa Khám Bệnh, Trung tâm Y tế huyện Yên Lập khuyến cáo, Yên Lập có khí hậu nóng ẩm, là điều kiện tốt để các sinh vật ký sinh phát triển, nhất là trong các vùng rừng núi, thác nước, suối, ao, hồ.
"Người dân khi đi nương rẫy, xuống ao, hồ nếu có hiện tượng chảy máu mũi hoặc ho kéo dài, nghẹt thở, chảy máu cam (ký sinh trùng chui vào hệ hô hấp), chảy máu đường tiết niệu (ký sinh trùng vào cơ quan sinh dục), chảy máu ở mắt sợ ánh sáng (ký sinh trùng chui vào mắt) nên đến Trung tâm Y tế huyện để thăm khám, nội soi nhằm loại trừ trường hợp ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể. Nên sử dụng nước ăn uống, sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, đã được lọc sạch...", bác sĩ Hảo nói.
Theo bác sĩ Hảo, vào mùa hè, các gia đình thường đi chơi, bơi lội ở nơi có sông, suối nên cảnh giác tình trạng đỉa, vắt...chui vào và ký sinh trong cơ thể.
Ban đầu, khi chui vào cơ thể người, chúng có thể nhỏ chỉ vài milimet, khó nhận biết. Thế nhưng, sau một thời gian hút máu trong cơ thể người, chúng sẽ lớn rất nhanh và gây các triệu chứng bệnh khác nhau trong đó nguy hiểm nhất nếu ký sinh ở khí quản sẽ gây ngạt thở, có thể dẫn đến tử vong.
"Chúng tôi cũng đã rất nhiều lần lấy các dị vật cấp cứu, khai thông đường thở cho trẻ em, để tránh điều này, các gia đình có trẻ nhỏ tuyệt đối không để trẻ tiếp xúc với các đồ vật có kích thước nhỏ, trơn như hạt ngô, viên bi, hạt trái cây, hạt trang sức, cúc áo,…
Trong trường hợp không may bị dị vật vào tai - mũi - họng, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế uy tín gần nhất để các bác sĩ có trình độ chuyên môn, sử dụng trang thiết bị chuyên dụng lấy dị vật ra.
Tuyệt đối không tự cố gắng tự lấy vì có thể sẽ làm dị vật đi sâu hơn, gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc vô tình làm tổn thương niêm mạc đường thở...", bác sĩ Hảo nhấn mạnh.