Gặp người khởi xướng đồng phục áo dài cho nữ sinh

GD&TĐ - Nữ sinh ở nhiều trường THPT trên cả nước mặc áo dài trắng - trang phục truyền thống góp phần tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam.

Nữ sinh Trường THPT Hồ Thị Kỷ đến trường vẫn mặc áo dài trắng. Ảnh: TG.
Nữ sinh Trường THPT Hồ Thị Kỷ đến trường vẫn mặc áo dài trắng. Ảnh: TG.

Nữ sinh ở nhiều trường THPT trên cả nước mặc áo dài trắng - trang phục truyền thống góp phần tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, người khởi xướng việc mặc áo dài sau giải phóng là Nhà giáo Ưu tú Đàm Thị Ngọc Thơ, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau).

13 tuổi lên tàu tập kết ra Bắc

Mặc dù tuổi đã ngoài 80 nhưng Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) Đàm Thị Ngọc Thơ vẫn còn khá minh mẫn. Thời điểm này, cô đang tích cực hỗ trợ Bảo tàng Cà Mau sưu tầm tài liệu, hình ảnh, hiện vật phục vụ việc tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954, dự kiến diễn ra vào tháng 11/2024 tại tỉnh Cà Mau.

Cô Thơ kể, khi đang học lớp 5 (13 tuổi) tại một trường làng trong vùng giải phóng, ba cô thông báo sẽ được chọn tập kết ra Bắc và hỏi cô có muốn đi không. Không như nhiều người chọn ở lại vì không muốn xa nhà, nghe ba hỏi cô Thơ liền đồng ý, bởi muốn được đi học tập, không muốn ở nhà chăn trâu cắt cỏ.

Sự kiện khởi xướng đồng phục áo dài của NGƯT Đàm Thị Ngọc Thơ còn ghi dấu ấn lớn, đó là khoảng năm 1992 - 1993, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã xin một chiếc áo dài cô mặc đầu tiên để trưng bày tại Bảo tàng, kèm theo đó là bài báo với tựa đề “Người khoác lại chiếc áo dài cho nữ sinh trung học”.

Thời gian trôi qua đã mấy chục năm, nhưng với NGƯT Đàm Thị Ngọc Thơ, câu chuyện về chiếc áo dài đồng phục vẫn như mới đây, còn nguyên vẹn. Trong câu chuyện đó có vui, có buồn, nhưng cô vẫn rất tự hào, bởi đã dám đấu tranh vì cái hay, cái đẹp, vì mục tiêu góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngày từ biệt gia đình lên tàu tập kết ra Bắc, thấy ba mẹ bịn rịn tiễn ra bến, cô Thơ mới khóc nức nở, có cảm giác không muốn xa gia đình.

Ba cô Thơ một lần nữa hỏi con gái, có muốn đi không. Dù không muốn xa gia đình nhưng cuối cùng cô vẫn chọn đi học tập.

Chuyến tàu đưa cô Đàm Thị Ngọc Thơ ra Bắc xuất phát từ cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) có rất đông học sinh, cán bộ, chiến sĩ. Thông thường tàu đi khoảng 3 ngày, đêm thì đến Sầm Sơn (Thanh Hóa) nhưng chuyến tàu của cô đi lúc đó không may gặp bão nên thời gian kéo dài đến 9 ngày, đêm. Cũng may tàu cập bến an toàn.

Kể tiếp về quá trình học tập trên đất Bắc, NGƯT Đàm Thị Ngọc Thơ không khỏi xúc động biết ơn Bác Hồ, Đảng và Nhân dân miền Bắc vì đã đào tạo nhân lực, chăm lo những “hạt giống đỏ” con em ở miền Nam.

“Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc, đặc biệt ở Thanh Hóa (điểm tập trung học sinh miền Nam), đời sống người dân rất khó khăn, nhiều hộ bị thiếu ăn, thiếu mặc, nhưng học sinh miền Nam trong thời gian ở tập trung chờ đợi đưa đi học các trường nội trú luôn được chăm lo rất chu đáo, được phát áo ấm, chăn bông để không bị rét, ăn uống đầy đủ.

Những năm tháng học nội trú tại các Trường Học sinh miền Nam, chúng tôi luôn được ưu tiên chăm lo vật chất lẫn tinh thần để đủ sức học tập, được rèn luyện nền nếp, kỷ cương, không ai bị đói, bị rét dù chỉ một vài giờ”, cô Thơ xúc động kể.

Khởi xướng đồng phục áo dài cho nữ sinh

NGƯT Đàm Thị Ngọc Thơ mặc chiếc áo dài đầu tiên đi dạy. Ảnh tư liệu.

NGƯT Đàm Thị Ngọc Thơ mặc chiếc áo dài đầu tiên đi dạy. Ảnh tư liệu.

Sau khi tốt nghiệp trung học, cô Đàm Thị Ngọc Thơ tiếp tục học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và tốt nghiệp năm 1967. Ra trường, cô tham gia giảng dạy tại nhiều điểm trường ở miền Bắc.

Sau khi đất nước thống nhất, dù được giữ lại làm việc tại các thành phố lớn miền Bắc nhưng cô Thơ vẫn quyết định trở về quê hương. Năm 1976, cô được giao làm Phó Hiệu trưởng Trường PTTH Hồ Thị Kỷ (nay là Trường THPT Hồ Thị Kỷ), sau đó lên làm Hiệu trưởng nhà trường năm 1982.

Kể về việc khởi xướng nữ sinh mặc đồng phục áo dài, cô Thơ cho biết: Năm 1982, bà Nguyễn Thị Bình (lúc đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục) xuống làm việc với ngành giáo dục địa phương có gợi ý vấn đề mặc đồng phục ở trường trung học cho quy củ, nền nếp.

Trở về nhà, cô Thơ suy nghĩ đến việc chọn áo dài làm đồng phục cho nữ sinh, bởi chiếc áo dài đã tồn tại lâu đời, được cải tiến từ áo tứ thân, trở thành chiếc áo truyền thống, là quốc hồn trong y phục Việt Nam.

“Thời đó, Cà Mau chỉ có 1 trường cấp 3, học sinh đến trường mặc đủ loại quần áo, màu sắc khác nhau, có em nhà nghèo mặc áo vá nhiều chỗ. Khi khởi xướng mặc đồng phục áo dài mình chỉ muốn xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo, phân biệt ở trong trường thông qua trang phục.

Chiếc áo dài cũng giúp nữ sinh thêm duyên dáng, đằm thắm, mang nét đặc trưng dân tộc Việt Nam. Cùng với việc yêu cầu nữ sinh mặc áo dài, tôi cũng đề nghị nam sinh mặc áo trắng, bỏ vào quần cho đồng điệu, lịch sự”, cô Thơ nói.

Từ ý tưởng trên, cô Đàm Thị Ngọc Thơ quyết định xin ý kiến cấp trên và thuyết phục Hội đồng Giáo dục nhà trường vận động phụ huynh và học sinh thực hiện việc mặc đồng phục áo dài.

“Khi xin chủ trương UBND tỉnh thì tôi được trả lời là cho phép với điều kiện vận động được thì làm, không thì thôi, không bắt ép. Nhận được câu trả lời đó, tôi thấy như tiếp thêm động lực để thực hiện.

Đối với những học sinh khó khăn, không có khả năng may áo dài tôi tiếp tục vận động công đoàn, giáo viên, phụ huynh, học sinh có điều kiện ở các lớp hỗ trợ để các em đều có áo dài mặc.

Đến lễ khai giảng năm học 1983 – 1984, đồng loạt nữ sinh Trường THPT Hồ Thị Kỷ đều mặc áo dài đến trường trong sự ngỡ ngàng của hầu hết người dân, ai cũng thích thú, ngắm nhìn”, cô Thơ nhớ lại.

NGƯT Đàm Thị Ngọc Thơ trò chuyện cùng phóng viên. Ảnh: Quách Mến.

NGƯT Đàm Thị Ngọc Thơ trò chuyện cùng phóng viên. Ảnh: Quách Mến.

Giữ vững quan điểm trước “búa rìu” dư luận

Sau lễ khai giảng, tưởng chừng việc khởi xướng đồng phục nữ sinh mặc áo dài đã thành công, thế nhưng, Hiệu trưởng Đàm Thị Ngọc Thơ lại chịu áp lực lớn từ “búa rìu” dư luận.

“Mục đích của mình cho học sinh mặc áo dài là vì muốn hướng đến cái đẹp, sự văn minh, tiến bộ và giữ gìn bản sắc dân tộc, tuy nhiên một số người lại dèm pha, phản đối cho rằng mình là tư sản hoá, muốn khôi phục lại một thời chế độ cũ, dân còn nghèo mà đua đòi cho mặc áo dài...”, cô Thơ ngậm ngùi chia sẻ.

Trước phản ứng trái chiều, công kích từ dư luận, nữ Hiệu trưởng Đàm Thị Ngọc Thơ bị sốc tâm lý phải nhập viện cấp cứu.

“Hay tin tôi bệnh, hôm đó sau giờ học, các em kéo nhau vô bệnh viện thăm. Nguyên đám học trò đi vào bệnh viện trong tà áo dài trắng, làm ai cũng chú ý, ngắm nghía, ngợi khen. Lúc đó tôi rất xúc động, như có thêm động lực, niềm tin vực dậy tinh thần”, cô Thơ nhớ lại.

Trước tình cảm của học trò, nhà giáo Đàm Thị Ngọc Thơ đã xúc động làm bài thơ “Áo trắng học trò”, trong bài có những câu thơ:

“Hãy đến với cô, tà áo trắng

Cả những sáng vui và cả những chiều buồn

Ở chỗ đứng này cô quạnh lắm

Nếu như cuộc sống thiếu các con.

....

Ðây tà áo trắng, áo trắng bay

Các con thường mơ mộng những gì

Mai sau con nhé làm cô giáo

Ði giữa rừng hoa trắng áo dài”.

NGƯT Đàm Thị Ngọc Thơ cùng những chiếc áo dài của mình thời còn đi dạy. Ảnh: TG.

NGƯT Đàm Thị Ngọc Thơ cùng những chiếc áo dài của mình thời còn đi dạy. Ảnh: TG.

Về sau, tại một cuộc họp phụ huynh của trường đầu năm học (có nhiều phụ huynh là lãnh đạo tỉnh thời đó dự), một người đứng lên phản đối việc cho nữ sinh mặc áo dài, cô Thơ giải thích lại mục đích, ý nghĩa của việc này, đồng thời dõng dạc nói: “Tôi làm sai Đảng kỷ luật tôi, nhưng ngày nào Đàm Thị Ngọc Thơ này còn làm hiệu trưởng thì tà áo dài vẫn cứ tung bay khắp sân trường Hồ Thị Kỷ và trên khắp các nẻo đường của thị xã Cà Mau”.

Câu trả lời của cô đã khiến cả hội trường nín lặng và sau đó là những tràng vỗ tay khích lệ.

NGƯT Đàm Thị Ngọc Thơ cho biết thêm, chỉ sau một, hai năm kể từ khi Trường THPT Hồ Thị Kỷ cho học sinh mặc đồng phục áo dài, thì tà áo dài trắng cũng xuất hiện ở nhiều trường các tỉnh bạn, trong đó có TPHCM.

Thời điểm đó, có rất nhiều tờ báo đưa tin và khẳng định cô Đàm Thị Ngọc Thơ chính là người khởi xướng cho nữ sinh cấp 3 trong cả nước mặc đồng phục áo dài sau giải phóng và Trường THPT Hồ Thị Kỷ chính là ngôi trường đầu tiên thực hiện điều này.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954), thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước tạm thời chia đôi, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Thời điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã có quyết định mang tầm chiến lược là đưa một số lượng con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc để tiếp tục học tập.

Sự kiện này được xem là cuộc chuyển dịch lực lượng có ý nghĩa vô cùng to lớn, nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ