Ngành Giáo dục hưởng ứng 'Tuần lễ Áo dài': Nhân tự hào, trao yêu thương

GD&TĐ - Các nữ nhà giáo góp phần không nhỏ tôn vinh di sản văn hóa Việt Nam...

Nữ giáo viên TP Cần Thơ thướt tha trong tà áo dài. Ảnh: Q.Ngữ
Nữ giáo viên TP Cần Thơ thướt tha trong tà áo dài. Ảnh: Q.Ngữ

Những ngày này, bằng nhiều cách khác nhau như mặc áo dài đến trường, dự sự kiện văn hóa cộng đồng, chụp ảnh mặc áo dài tại di tích, thắng cảnh quê hương…, các nữ nhà giáo đã góp phần không nhỏ tôn vinh di sản văn hóa Việt Nam.

Tôn vinh tà áo Việt

Những ngày đầu tháng 3, các cô giáo vùng cao Tây Bắc dịu dàng, thướt tha trong tà áo dài với nhiều hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài” Việt Nam. Tại Trường Mầm non Mường Lạn, huyện Mường Ảng (Điện Biên) có 20 cán bộ, giáo viên là nữ, trong đó 19 giáo viên người Thái. Chính vì vậy, việc giáo viên mặc áo dài không thường xuyên, chủ yếu vào ngày lễ, Tết, nhà trường mới phát động giáo viên mặc áo dài hoặc trang phục dân tộc.

Cô Lò Thị Thương - Trường Mầm non Mường Lạn chia sẻ: “Thông thường, chúng tôi mặc trang phục công sở, gọn gàng đến trường. Dịp lễ, Tết một số giáo viên mặc áo dài, còn đa số mặc trang phục dân tộc. Khi nhà trường phát động hưởng ứng Tuần lễ Áo dài Việt Nam, tất cả giáo viên nữ đều hào hứng, tích cực tham gia”.

“Tuần lễ Áo dài” Việt Nam năm 2024 cũng được cán bộ, giáo viên, nhân viên nữ Trường Tiểu học Bắc Cường, thành phố Lào Cai (Lào Cai) hào hứng tham gia. Cô Hiệu trưởng Trần Thị Minh Chung cho biết: “Từ ngày 5/3, nhà trường triển khai các hoạt động cụ thể nhằm khuyến khích nữ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nhà trường mặc áo dài trong các ngày kỷ niệm”.

Từ ngày 1 - 8/3, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với sở GD&ĐT phát động nữ cán bộ, nhà giáo và người lao động hưởng ứng sự kiện “Tuần lễ Áo dài”.

Hưởng ứng phát động này, tuần qua, 45 nữ cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Tiểu học Bắc Hồng (thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) hào hứng mặc áo dài tham gia các tiết dạy, thao giảng. Theo cô Trần Thị Thanh Lam - Hiệu Trưởng Trường Tiểu học Bắc Hồng, không chỉ giáo viên, nhà trường còn khuyến khích học sinh nữ mặc áo dài đến trường.

Nhằm lan tỏa hình ảnh áo dài truyền thống kết hợp quảng bá du lịch, nhiều trường học đã chọn các di tích, danh lam thắng cảnh để “check in”. Công đoàn Trường Mầm non Thạch Quý, TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) vừa phối hợp với nhà trường tổ chức chuyến hành hương đến thăm địa chỉ đỏ. Điểm đến là Khu di tích lịch sử Kim Liên (huyện Nam Đàn – Nghệ An).

Cô Nguyễn Thị Hoa – giáo viên nhà trường, chia sẻ: ““Tuần lễ Áo dài” là cơ hội để chúng tôi thể hiện tình yêu, niềm tự hào với di sản văn hóa của người phụ nữ Việt Nam. Trong chuyến hành hương về nguồn, tà áo dài toát lên sự trang trọng, tôn nghiêm nhưng không kém phần duyên dáng”.

Những ngày qua, nữ cán bộ công nhân viên ngành Giáo dục tỉnh An Giang đã duy trì mặc áo dài đến nơi làm việc. Chia sẻ của cô Trần Thị Thúy Oanh - giáo viên Trường Tiểu học A, thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn (An Giang), không chỉ trong thời gian nhà trường phát động hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài”, bản thân thường xuyên mặc trang phục này khi lên lớp. Áo dài giúp người phụ nữ trở nên thùy mị, duyên dáng hơn. Qua đó, góp phần lưu giữ và quảng bá nét đẹp thuần khiết chiếc áo dài Việt Nam.

Ngoài thời gian cao điểm thực hiện “Tuần lễ Áo dài”, ngành Giáo dục tỉnh Vĩnh Long cũng khuyến khích giáo viên nữ mặc áo dài đến công sở, trường học hay khi tham gia các sự kiện đến hết tháng 3/2024.

Giáo viên và học sinh trường mầm non tại Hà Nội hưởng ứng Tuần lễ Áo dài. Ảnh: V.Anh

Giáo viên và học sinh trường mầm non tại Hà Nội hưởng ứng Tuần lễ Áo dài. Ảnh: V.Anh

Trao gửi yêu thương

Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vừa phát động toàn thể nữ giáo viên mặc áo dài trong giờ lên lớp từ ngày 4 - 8/3. Cùng đó, cán bộ giáo viên Trường Tiểu học Tràng An tích cực hưởng ứng chương trình “Tặng Áo dài - Trao yêu thương - Gìn giữ nét đẹp truyền thống” do Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội phát động. Giáo viên đã ủng hộ các bộ áo dài, giặt là sạch sẽ, gấp gọn gàng, đóng túi, ghi rõ kích cỡ trên từng bộ quần áo để dành tặng các nữ đoàn viên, nhà giáo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Trường Mầm non Bản Lang, huyện Phong Thổ (Lai Châu) có 43 cán bộ, giáo viên, nhân viên nữ. “Công việc của giáo viên mầm non vất vả, chủ yếu tập trung chăm sóc nên việc mặc áo dài không phù hợp. Tuy nhiên, khi nhà trường phát động, ai nấy đều tích cực hưởng ứng”, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Loan cho hay.

Cũng theo cô Loan, để có được những bộ áo dài, hằng năm Công đoàn Trường Mầm non Bản Lang đã phát động các cá nhân đóng góp một phần và huy động từ nguồn xã hội hóa. “Phong trào này tạo không khí tươi mới cho nhà trường và góp phần tôn vinh tà áo dài - trang phục truyền thống rất đẹp của nước ta. Mỗi lần mặc lên mình tà áo dài, tập thể nữ cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường luôn cảm thấy tự hào về nét đẹp văn hóa dân tộc”, cô Loan chia sẻ.

Tại Cần Thơ, cùng với phát động mặc áo dài trong nữ cán bộ, nhà giáo và người lao động, Công đoàn ngành Giáo dục thực hiện Chương trình “Tặng Áo dài, trao gửi yêu thương, giữ gìn nét đẹp truyền thống” cho nữ đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết: Nữ cán bộ quản lý ngành Giáo dục thành phố chiếm tỷ lệ 60,5% cán bộ quản lý toàn ngành. Hàng năm, có hàng trăm lượt nữ cán bộ quản lý đạt danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng các cấp. Đặc biệt, năm 2023, có 17 nữ cán bộ quản lý của ngành GD-ĐT thành phố vinh dự được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Giáo viên Trường Mầm non Mường Lạn, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên. Ảnh: H.Thuận

Giáo viên Trường Mầm non Mường Lạn, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên. Ảnh: H.Thuận

Phát huy giá trị di sản

Trong khuôn khổ “Tuần lễ Áo dài”, các trường học đã tổ chức nhiều hoạt động khơi dậy trách nhiệm gìn giữ, phát huy di sản văn hóa Việt Nam đối với học sinh.

Nhằm giáo dục truyền thống, gìn giữ nét đẹp của tà áo dài Việt Nam, Trường Tiểu học Tràng An (Hà Nội) khuyến khích các cô giáo và học sinh mặc áo dài vào các dịp văn nghệ, ngày kỷ niệm, ngày lễ.

“Hoạt động này góp phần lan tỏa rộng rãi trong nhà trường về lịch sử, giá trị của áo dài Việt Nam, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi người, đặc biệt nữ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh toàn trường trong việc gìn giữ, phát huy di sản văn hóa”, cô Trần Thị Bích Liên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng An cho hay.

Sáng 7/3, cô trò Trường Mầm non Thạch Linh (thành phố Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) tổ chức Lễ phát động hưởng ứng sự kiện tôn vinh giá trị của áo dài - di sản văn hóa Việt Nam trong đời sống xã hội. Không chỉ giáo viên, các bé đều mặc áo dài tham gia. Trong khuôn khổ Lễ phát động “Tuần lễ Áo dài”, trẻ cùng các cô múa hát chào mừng ngày 8/3 thật vui và ý nghĩa để gửi tặng bà, mẹ, cô.

Dịp đầu tuần, Trường Tiểu học Khánh Vĩnh Yên (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) tổ chức sinh hoạt dưới cờ với chủ đề “Cô và mẹ” bằng hình thức hái hoa dân chủ. Với 20 câu hỏi đã giúp học sinh 3 điểm trường ôn lại truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam từ thời Bà Trưng, Bà Triệu đến các nữ anh hùng dân tộc trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Định, Võ Thị Sáu... Chương trình cũng dành 5 câu hỏi tìm hiểu về lịch sử, ý nghĩa của áo dài Việt Nam, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và phong trào phụ nữ trên toàn thế giới.

Em Nguyễn Thị Phương Thảo (lớp 5C) chia sẻ: “Qua hoạt động, chúng em biết thêm biết bao tấm gương tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam. Em hiểu rằng, trong thời kỳ nào, phụ nữ Việt Nam cũng tỏa sáng cả vẻ đẹp tâm hồn lẫn trí tuệ. Em tự hứa sẽ phấn đấu vươn lên, vượt khó, trau dồi, rèn luyện để góp phần xây dựng quê hương đất nước”.

Ông Trần Hậu Tú - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Tĩnh cho biết, 100% công đoàn cơ sở trực thuộc đã tích cực hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài” Việt Nam. Công đoàn ngành hiện quản lý hơn 2 nghìn nữ cán bộ nhà giáo, người lao động.

Với đặc thù ngành nghề có tỷ lệ lao động nữ chiếm số đông, Công đoàn ngành phối hợp với công đoàn cơ sở thường xuyên kiểm tra, rà soát việc thực hiện đúng chính sách, quy định dành cho lao động nữ; tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, thường xuyên chăm lo hỗ trợ kịp thời nữ đoàn viên hoàn cảnh khó khăn, động viên chị em nỗ lực vươn lên trong công việc và cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.