Gặp gỡ thầy giáo dạy Toán yêu âm nhạc

GD&TĐ - Đã có nhiều bài báo viết về ông – một thầy giáo dạy Toán nổi tiếng trong “làng ôn thi đại học” ngày xưa nhưng đã có nhiều sáng tác thơ ca, kịch bản sân khấu và mấy năm gần đây ông đã cho ra mắt khá nhiều ca khúc.

Ca khúc “Đánh giặc Corona” là ca khúc đầu tiên của Việt Nam về đề tài tuyên truyền phòng chống dịch Covid – 19, đã lan tỏa rộng khắp đưa đến cho mọi người những việc cần làm để chống dịch và một tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Xin chào TS. Lê Thống Nhất! Ông đã học âm nhạc như thế nào?

Hồi còn bé thì mình tự đọc sách về âm nhạc. Sau này, mùa hè năm 1970 khi học xong lớp 8 mình được tập huấn 1 tuần về kiến thức âm nhạc phổ thông do các thầy Thái Bình, Nguyễn Viết Toản, Nguyễn Lân Hùng ở Đại học Sư phạm Vinh dạy.

Nhưng đấy chỉ là những kiến thức âm nhạc phổ thông còn sáng tác nhạc lại là một công việc đòi hỏi cao hơn. Ông có theo học lớp sáng tác nào không?

Tôi không có điều kiện để theo học lớp nào, kể cả việc tham gia các câu lạc bộ sáng tác. Chủ yếu là tôi tự học, tự học qua các tài liệu về sáng tác, tự học qua những nhạc sĩ mà tôi quen biết. Mỗi sáng tác của mình, tôi thường hỏi ý kiến một số nhạc sĩ. Những nhận xét về từng sáng tác, theo tôi là những bài học quý giá về sáng tác.

Thầy giáo Lê Thống Nhất tại lễ kết nạp hội viên của Hội Âm nhạc Hà Nội.
Thầy giáo Lê Thống Nhất tại lễ kết nạp hội viên của Hội Âm nhạc Hà Nội.

Ông còn nhớ ca khúc đầu tiên mà mình đã viết?

Nhớ chứ! Đó là ca khúc “Nhớ con sông quê”. Tôi viết khi là sinh viên năm thứ nhất, một hôm nhớ quê, tự dưng tôi ngẫu hứng hát và ghi lại. Bài này chỉ lưu truyền trong lớp tôi hồi ấy. Nhưng nhiều bạn thích và nhớ tới bây giờ.

Hình như những ai sáng tác âm nhạc thường biết sử dụng ít nhất một nhạc cụ nào đó. Với ông là nhạc cụ gì?

Với tôi đó là cây đàn guitar. Bà ngoại tôi đã tặng cây đàn đầu tiên cho tôi từ khi tôi học hết phổ thông. Hồi ấy lớp tôi, các bạn tải có phong trào tự tập guitar theo tài liệu của Carulli. Cũng có bài hát tôi sáng tác trên Organ nhưng chủ yếu là dùng ghi ta.

Những sáng tác của ông thường ra đời trong hoàn cảnh nào? Các đề tài mà ông đã viết?

Hầu hết các sáng tác của tôi thời kỳ đầu tiên là viết cho các bạn sinh viên trường Đại học Vinh hát, tôi hát cho các con nghe để dạy con và con tôi hát. Tôi có cô con gái Mai Tròn, bạn của nhóm M4U là một người yêu ca hát đã có một số ca khúc được nhiều người yêu thích, nay cũng là ca sĩ ở Melbourne.

Đề tài mà tôi viết thường xuyên nhất đó là những ca khúc về nhà trường, về thầy cô và học trò. Trong những năm gần đây tôi viết thêm những đề tài có tính thời sự. Chẳng hạn các ca khúc cổ vũ đội tuyển bóng đá Việt Nam, phòng chống dịch Covid – 19. Ngoài ra tôi còn viết những ca khúc với đề tài mà… (cười) có người đặt tôi viết hoặc phổ thơ của họ.

Công chúng đón nhận các ca khúc của ông như thế nào?

Khá nhiều các ca khúc của tôi đã phát sóng trên Đài tiếng nói Việt Nam: Hãy chiến thắng, Khải hoàn ca, Tâm tình cô giáo mầm non, Dòng sông của Thầy, Tương Nịu làng tôi, Người Thầy Xứ Nghệ, Khúc nhớ Người Thầy Trường Vinh, Một Hà Nội của tôi, Con thích trường của con, Cô giáo của em, Yêu lắm lớp Một ơi,…

Đặc biệt ca khúc “Một Hà Nội của tôi” đã được Đài Truyền hình Việt Nam giới thiệu trong chương trình “Tác phẩm mới” trên VTV1, VTV4, VTV5 , ca khúc “Đời Startup là như thế!” trên VTV6, ca khúc “Câu hát Việt Nam” trên VTV3, các ca khúc: “Tâm tình cô giáo mầm non”, “Khúc nhớ Người Thầy Trường Vinh”, “Tự hào chiến sĩ ngành Y”, “Mùa xuân ơi!”, Tương Nịu làng tôi cũng đã được giới thiệu trên các đài truyền hình Nghệ An, Hà Tĩnh.

Một số ca khúc của tôi được giới thiệu trên trang website của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Âm nhạc Hà Nội và được công chúng hân hoan đón nhận.

Trong tuyên truyền phòng chống dịch Covid – 19, được biết “Đánh giặc Corona” là ca khúc ông cho ra đời sớm nhất. Ông đã viết mấy ca khúc về đề tài này?

Sau ca khúc đầu tiên ấy được lan toả khá nhiều qua nhiều MV của nhiều cá nhân, đơn vị tôi còn viết thêm 7 ca khúc nữa là: Tâm tình ngày xa trò, Hãy ở ngoan trong nhà, Anh hùng đâu chỉ một lần thôi, Câu hát Việt Nam, Tự hào chiến sĩ ngành Y, Lỡ hẹn với em, Luôn cảnh giác.

Trong cuộc thi bình chọn “Việt Nam – Những ngày không quên” của Đài Truyền hình Hà Nội vừa qua, MV “Tự hào chiến sĩ ngành Y” của Đài Truyền hình Nghệ An phối hợp với Bệnh viện Đa khoa TP Vinh đã được Giải Nhì, MV “Đánh giặc Corona” của thầy giáo Hoàng Thuấn được Giải Ba – hạng mục Bài hát/MV ấn tượng.

Thầy giáo Lê Thống Nhất với cô giáo, ca sĩ Nguyễn Thuỳ Dương thu âm ca khúc "Yêu lắm lớp Một ơi!"
Thầy giáo Lê Thống Nhất với cô giáo, ca sĩ Nguyễn Thuỳ Dương thu âm ca khúc "Yêu lắm lớp Một ơi!"

Ông có tham gia cuộc thi viết ca khúc về “Thầy Cô và Nhà trường” do Bộ GD&ĐT cùng báo GD&TĐ tổ chức không? Ông nghĩ gì về cuộc thi này?

Tôi đã mong có cuộc thi này từ lâu. Cách đây khoảng hơn 4 năm, tôi đã bàn với nhạc sĩ Bùi Anh Tú, lúc đó là chuyên viên Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT nên tổ chức một cuộc thi viết ca khúc về đề tài này, bởi vì thấy những năm gần đây thầy cô và học sinh rất thiếu các ca khúc như thế! Đây là cuộc thi rất cần thiết để các nhạc sĩ chuyên hay không chuyên quan tâm hơn tới đề tài “Thầy Cô và nhà trường”.

Chắc chắn cuộc thi này sẽ “gặt hái” được một “mùa bội thu” và có chất lượng cao vừa để có thêm những bài hát trong nhà trường, vừa để lan tỏa những hình ảnh cao đẹp của nghề giáo. Không những thế, sẽ có sự lan tỏa nhiều bài học giáo dục cao không chỉ trong nhà trường mà ra cả xã hội, nhất là tinh thần “Tôn sự trọng đạo”.

Tôi đã gửi 3 ca khúc dự thi (con số tối đa mà thể lệ cho phép) và còn gửi hưởng ứng (không dự thi) cuộc thi 5 ca khúc.

Theo ý ông để lan tỏa những ca khúc của cuộc thi thì nên theo những cách nào?

Sự lan tỏa các ca khúc mới là mục tiêu quan trọng của cuộc thi. Theo tôi có nhiều cách, chẳng hạn: cho xuất bản tuyển tập các bài hát, lập kênh Youtube và Fanpage trên FB để chia sẻ các MV thể hiện các ca khúc, lập ngân hàng dữ liệu các ca khúc (bản nhạc, file Audio, Video),…để các thầy cô, học sinh có thể tham khảo và sử dụng trong các hoạt động của nhà trường, tổ chức các hội diễn, hội thi ở nhiều đơn vị hoặc khu vực, toàn quốc như những hội thi mà Bộ GD&ĐT đã từng tổ chức trước đây.

Nhân dịp này, ông muốn gửi điều gì tới bạn đọc của Báo GD&TĐ?

Trước hết, xin chúc cho cuộc thi sáng tác ca khúc Thành công về mọi mặt. Nhân dịp năm mới 2021, xin chúc các Thầy Cô cùng các bạn đọc một năm mới thật khoẻ mạnh, hạnh phúc, gặp nhiều may mắn và đạt được nhiều mong ước. Mong rằng, tất cả các bạn sẽ luôn yêu Âm nhạc để luôn vui tươi trong cuộc sống!

Cảm ơn ông và chúc ông mạnh khoẻ để có những đóng góp mới cho giáo dục cũng như trong sáng tác âm nhạc!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ