Nhạc sĩ Xuân Thủy: Chữ “Tầm” chữ “Tâm” trong sáng tác và GD&ĐT chiến sĩ-nghệ sĩ

GD&TĐ - “Sáng tác muốn sống được thì phải có cảm xúc, lấy được cảm xúc của người khác thì không gì bằng “cái tâm” trong cảm xúc của chính mình”.

Nhạc sĩ Xuân Thuỷ tâm niệm “Trong lĩnh vực nghệ thuật, cuối cùng con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất, nghệ thuật vẫn là từ con người đến với con người”
Nhạc sĩ Xuân Thuỷ tâm niệm “Trong lĩnh vực nghệ thuật, cuối cùng con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất, nghệ thuật vẫn là từ con người đến với con người”

Đó là lời chia sẻ của Đại tá, Nhà giáo Ưu tú, Nhạc sĩ Xuân Thủy, Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội khi ông nói về  hành trình gần nửa thế kỷ cống hiến cho nghệ thuật của mình. Những ca khúc của ông viết về người lính tạo ấn tượng bởi sự gần gũi, chân tình, sâu nặng, nhưng đôi khi đó lại là nỗi buồn quặn thắt hay tiếng nấc nghẹn ngào. Đặc biệt là trong sáng tác gần đây nhất mang tên “Dậy về thôi, đồng đội ơi”.

Chúng tôi có dịp được gặp gỡ và trò chuyện với nhạc sĩ Xuân Thủy, lắng nghe những câu chuyện ông kể mới thấu tường hết về cái “tâm” của một nhà giáo ưu tú, yêu nghề, hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”, một người nghệ sĩ tài ba.

Hơn 20 năm đứng trên bục giảng

Chia sẻ tâm sự của mình, Nhà giáo - Nhạc sĩ Xuân Thủy nhắc với chúng tôi: “Sống là được làm những gì mình thích”. Bởi được gắn bó với điều ông thích mà hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo, ông vẫn chưa thôi hào hứng khi nhớ lại kỉ niệm những ngày đầu tiên bước vào nghề: “Tôi tham gia giảng dạy từ năm 1995 đến nay, hơn 20 năm đứng trên bục giảng, vẫn vẹn nguyên cảm xúc của những ngày đầu vào nghề. Với tôi, nghề giáo chan chứa những nguồn vui khó tả. Trong quá trình dạy học, kỉ niệm mà tôi nhớ nhất là thời gian dạy các lớp Quản lý văn hóa. Lúc đó tôi rất trẻ, chỉ khoảng 26 - 27 tuổi, còn học viên toàn là cán bộ đi học, độ tuổi ngoài 20. Vậy nên khoảng cách chênh lệch giữa thầy và trò không nhiều. Bên cạnh những kiến thức chuyên môn, trong giao tiếp có lúc tôi thấy rất bối rối. Phần vì khi đó tôi còn trẻ, phần vì học trò của tôi vô cùng tinh nghịch, thỉnh thoảng còn trêu ghẹo cả thầy. Đó là những kỉ niệm rất đáng nhớ”.

Đối với nhiều bạn bè, đồng nghiệp và học trò, đằng sau bóng dáng của nhạc sĩ tài hoa, nhiệt tình, từ trong sâu thẳm Xuân Thủy là người thầy rất đời thường và bình dị. Từ người nhạc sĩ đến người thầy - từ đam mê nghệ thuật đến say sưa công hiến cho giáo dục và đào tạo(GD&ĐT) “chiến sĩ – nghệ sĩ” đã hòa trong cái “tầm” và cái “tâm” của thầy thầy Hiệu trưởng Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Kể cho chúng tôi về những kỉ niệm với các thế hệ học trò, Nhà giáo Ưu tú Xuân Thủy tâm sự rằng, anh có một cậu học trò đặc biệt tên là Phi Ưng, người dân tộc Gia Rai. Cậu học trò này đã để lại những ấn tượng sâu sắc về đức tính thật thà, chất phác, ham học hỏi và có năng khiếu sáng tác âm nhạc. Cậu ấy thoải mái chia sẻ với tôi những câu chuyện ngoài giảng đường, chuyện tình yêu và gia đình, chuyện về cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao nguyên lộng gió. Có lẽ đây cũng là cậu học trò để lại cho tôi nhiều kỷ niệm nhất - Nhạc sĩ chia sẻ. “Tôi hướng cậu ấy, phải bắt nguồn cuộc sống, từ những chất liệu phong phú, sinh động của đời sống hiện thực, kết hợp với cảm xúc “thăng hoa”, với cái “tâm” của “tầm” của người nghệ sĩ, mới sáng tạo tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, đi vào công chúng, làm cho họ rung động, sống động và… rất đời thường”.

Cũng giống như sáng tác phải có nhiều cảm xúc, nhiều trải nghiệm thì tác phẩm mới gần gũi, mới cuốn hút được công chúng, mới khái quát cuộc sống đời thường thành chất liệu trong tác phẩm nghệ thuật, người thầy phải thật “tâm”, thật sự yêu nghề thì người thầy mới có thể truyền cảm hứng nghệ thuật cho những cô cậu học trò. Và chính cái “tâm” trong sáng ấy đã kết nối người thầy – người nghệ sĩ với học trò thành người người tri kỷ, đồng điệu.

Trong giảng dạy, thầy Xuân Thủy luôn tạo điều kiện để học trò phát huy tối đa năng lực, sở trường, “yếu đâu nắn đó”, tinh tế quan sát để nắm thế mạnh của từng em. Tùy vào đặc thù từng chuyên ngành, từ đó có phương pháp giảng dạy phù hợp và hiệu quả. Thầy Xuân Thủy không thần tượng hóa vị trí người thầy bằng bộ óc am tường nghệ thuật hay vốn hiểu biết văn hóa sâu rộng. Cách ông kết nối với học trò là dùng cái tâm để lấy niềm tin, dùng cái “tầm” để nâng bước học trò phấn đấu trở thành nghệ sĩ. Nhờ lẽ đó, biết bao thế hệ học trò đã trở thành người nhạc sĩ uy tín và đạt được nhiều thành công trên con đường nghệ thuật, họ vẫn mãi nhớ về người thầy nhạc sĩ Xuân Thủy, bằng cái “tâm” và cái “tầm”.

Sáng tác mới được độc giả đón nhận… nhưng buồn

Thoạt nghe tâm sự đó của nhạc sĩ Xuân Thủy, có lẽ nhiều người sẽ hơi ngạc nhiên, bởi có ai làm nghệ thuật mà lại không vui khi “đứa con tinh thần” của mình được công chúng đón nhận. Thế nhưng khi nghe “cha đẻ” của bài hát “Dậy về thôi, đồng đội ơi” trần tình, thì mới thấu hiểu về nỗi buồn có lý có tình.

“Dậy về thôi, đồng đội ơi” là sáng tác mới nhất của nhạc sĩ Xuân Thủy, tưởng niệm những đồng chí, đồng đội hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Rào Trăng 3 - Thừa Thiên Huế trong đợt bão lũ vừa qua.  

Chia sẻ về ca khúc này, nhạc sĩ trầm tư suy tưởng về cái duyên đã đưa những con người đồng điệu gặp nhau trong nghệ thuật. “Tình cờ tôi đọc được một bài thơ ở trên mạng, có tựa đề “Dậy về thôi, đồng đội ơi”. Đọc xong, tôi thấy hình ảnh trùng khớp với những gì tôi đang suy nghĩ. Và dường như nó đồng cảm với những nỗi đau mất mát quá lớn trong cuộc “chiến đấu” với thiên tai, bão lũ. Lúc đó tôi chưa biết tác giả là ai, nhưng sau khi liên lạc qua địa chỉ email, thì tôi biết được người sáng tác bài thơ tên là Văn Đồng, cũng là một người con Hà Tĩnh, hiện đang sinh sống tại Sài Gòn”.

Khi cảm xúc đã đong đầy, cái “tâm”, “cái tầm” của nghệ sĩ tài ba được đánh thức, với tình cảm tiếc thương vô hạn, ca khúc “Dậy về thôi, đồng đội ơi” đã ra đời trong hoàn cảnh rất đặc biệt, rất thiêng liêng, cao quý, như một lời tri ân sâu sắc đối với đồng đội đã quên mình vì dân, vì nước. Ngay sau lần đầu tiên phát sóng, ca khúc đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của đông đảo người yêu nhạc. Nhiều ca sĩ bày tỏ mong muốn được hát lại ca khúc này, để lan tỏa, chia sẻ sự mất mát hy sinh không gì bù đắp được, đối với người thân gia đình và người dân trong vùng bão lũ, thiên tai.

Là người nghệ sĩ, ai cũng có quyền vui sướng, mãn nguyện vì thành quả đó. Thế nhưng với thầy Xuân Thủy, ông chọn lắng lại lòng mình trong những cảm xúc trái ngược. "Bất cứ ai khi sáng tác một ca khúc, một tác phẩm cũng muốn nó đến được với nhiều khán giả. Đó là sứ mệnh của tác phẩm âm nhạc. Nhưng riêng đối với bài hát này, nhiều người chia sẻ không khiến cho tôi cảm giác vui, mà thấy mình được đồng cảm, vì đã nói đúng tâm trạng của nhiều người. Tính cộng đồng là điều nhạc sĩ hướng đến để chia sẻ những mất mát, khó khăn với đồng bào miền Trung trong bão lũ. Khi đồng cảm thì người ta sẽ thương miền Trung nhiều hơn, sẽ đóng góp, ủng hộ nhiều hơn. Đó là những cái tôi muốn, tôi đã làm được và cũng là mục đích cuối cùng của tôi”, nhạc sĩ thổ lộ.

Mang tấm lòng của người nghệ sĩ – chiến sĩ, sau thành công của mỗi tác phẩm, nhạc sĩ Xuân Thủy không chỉ đơn thuần dừng lại ở cái hay, cái đẹp, đồng cảm của tác phẩm với công chúng, mà vượt lên là hướng đến giá trị nhân văn, nhân đạo cao cả. Vốn sinh ra ở mảnh đất miền Trung, chứng kiến những mất mát, đau thương của đồng bào mình trong bão lũ, Xuân Thủy đã “nghệ thuật hóa” nỗi buồn của đồng bào mình, mong sao khúc ruột miền Trung sớm vượt qua khó khăn khi có cộng đồng sát cánh kề vai.

“Tầm”của người nghệ sĩ - chiến sĩ

Trong rất nhiều câu chuyện, nhạc sĩ Xuân Thủy chia sẻ ông luôn chú trọng nhấn mạnh đến yếu tố cảm xúc. Từ giảng đường đến sáng tác, từ nghệ sĩ tài năng đến con người dung dị, với ông, cảm xúc chân thật là xuất phát điểm cho mọi thành công. Thầy luôn tâm niệm: “Sáng tác là sáng tạo, sáng tạo là cảm xúc. Sáng tác muốn sống được thì phải có cảm xúc, lấy được cảm xúc của người khác thì không gì bằng cái “tâm” trong cảm xúc của chính mình”.

Đối với người nghệ sĩ sáng tác, tác phẩm nghệ thuật là cả một sự kỳ công, suy nghĩ, trăn trở, đọc tài liệu, nghiên cứu sử sách, viết đi sửa lại, đi thực tế trải nghiệm cuộc sống, thiên nhiên, xã hội, con người. Có những chuyến đi dài ngày không tìm được cảm xúc, nhưng có khi cảm xúc bất chợt, tuôn trào để cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, sâu sắc, rung động trái tim người thưởng thức;

Theo nhạc sĩ Xuân Thủy, cảm xúc của con người hình thành từ cái đẹp, cũng có thể là nỗi đau, đôi khi là sự mất mát, có lúc lại là sự thăng hoa làm cho người ta xúc động. Dù xuất phát từ yếu tố nào thì cảm xúc bền vững nhất phải là cảm xúc đến từ trái tim, cảm xúc của chính mình.

Đối với người nghệ sĩ, cảm xúc – cai “tâm” là yếu tố cần, để thành công trong nghệ thuật thì quan trọng nhất, cần phải có tài năng – có “tầm”. Để tác phẩm vừa mới mẻ, vừa có cá tính riêng, đồng thời được cộng đồng hưởng ứng thì phải phụ thuộc vào cái tài và trình độ của từng nghệ sĩ. Muốn vây, phải trải qua thử thách, khổ luyện, tôi rèn trong thực tế thì tài năng của người nghệ sĩ mới hiện hữu và lớn lên từng ngày. Đúng như nhạc sĩ Trần Lập đã viết trong ca khúc “Đường đến đỉnh vinh quang” rằng: “Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai…”.

Cùng với sự phát triển không ngừng của xã hội, mỗi ngành nghề lại có những tiêu chí, yêu cầu khác nhau. Theo nhạc sĩ Xuân Thủy, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là nhà giáo nghệ thuật phải đảm bảo 4 tiêu chí là giỏi về nghề, vững về chuyên môn, trang bị kiến thức đầy đủ (ngoại ngữ, công nghệ...) và phải biết thích ứng, cập nhật. “Đối với người làm nghệ thuật hiện đại, thứ nhất,  phải luôn trau dồi nghề, giữ được nghề nghiệp và chuyên môn. Thứ hai, là phải luôn cập nhật với đời sống hiện thực, vì không có đời sống thì sẽ bị lạc hậu ngay tức khắc. Thứ ba, phải biết thích ứng, đặc biệt là những người làm sáng tác thì phải viết, khổ luyện hằng giờ, hằng ngày”. Nhạc sĩ Xuân Thủy lý giải thêm. “Dù là người làm quản lý hay nhà giáo, trong lĩnh vực nghệ thuật, cuối cùng con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Và cuối cùng nghệ thuật vẫn là từ con người đến với con người”.

Những đánh giá, quan điểm của nhạc sĩ  Xuân Thủy về người làm nghệ thuật hiện đại có lẽ là cái nhìn bao quát, có chọn lọc của người nghệ sĩ học sâu, hiểu rộng, đúc rút từ thực tế hoạt động nghệ thuật nhiều năm nay.

Vậy mới hiểu, dù ở bất kỳ cương vị nào, là người nhà giáo hay người nhạc sĩ quân đội, nhạc sĩ đều hết lòng cống hiến và tận tâm phục vụ. Cái tài của Xuân Thủy chẳng cần khoa trương, bởi chỉ cần nghe những tác phẩm anh viết, nhìn vào các thế hệ học trò được anh chỉ lối, thì sẽ lập tức nhận ra người nhạc sĩ  tài hoa – vừa có tâm, vừa có tầm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.