Sách giáo khoa – sách tham khảo:

Gánh nặng vì… 'thừa còn hơn thiếu'

GD&TĐ - “Không ép buộc học sinh, gia đình mua sách tham khảo, sách bài tập” là nội dung quan trọng trong Chỉ thị 643 của Bộ GD&ĐT về việc sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn đang “oằn mình” trước các “combo” sách của nhà trường.

Phụ huynh tìm mua sách giáo khoa cho con trước thềm năm học mới. Ảnh: IT
Phụ huynh tìm mua sách giáo khoa cho con trước thềm năm học mới. Ảnh: IT

Thừa còn hơn thiếu

598 nghìn đồng là số tiền anh V.B phải trả khi đăng ký mua trọn bộ sách giáo khoa cho con vào lớp 2 tại Trường Tiểu học Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội.

Anh B cho biết, cuối năm học, nhà trường gửi danh mục gồm sách giáo khoa (giá 598 nghìn đồng), thiết bị tối thiểu (giá 245 nghìn đồng) và sách bổ trợ trị giá 100 nghìn đồng. Sách giáo khoa lẫn vở bài tập, vở tập viết... được “đóng gói” thành combo, không bán lẻ.

Năm học 2021 – 2022, do không đăng ký trọn bộ sách tại trường, vợ chồng anh V.B đã mua thiếu. Nguyên nhân do gia đình không nắm rõ số lượng đầu sách hay sách thuộc nhà xuất bản nào. Đến khi con vào năm học, anh chị lại tất tả ngược xuôi mua bù để con đủ sách như bạn bè. Do đó, năm nay, dù giá bộ sách giáo khoa mua theo trường khá đắt đỏ, gia đình vẫn đăng ký với suy nghĩ “thừa còn hơn thiếu”.

Giá của một bộ sách giáo khoa không rẻ và là gánh nặng chi phí với các gia đình đông con. Bởi, ngoài khoản tiền này, các gia đình phải đầu tư thêm đồng phục, đồ dùng học tập... vào đầu năm học. Chia sẻ điều này, anh V.B cho rằng: Thay vì yêu cầu phụ huynh mua trọn bộ sách giáo khoa, nhà trường nên tách riêng sách giáo khoa và sách tham khảo. Phụ huynh tùy theo lực học của con và điều kiện gia đình sẽ có lựa chọn phù hợp.

Có con học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (CT GDPT) lớp 3 và con lớn học lớp 8, anh Vũ Đức Quang (quận Tân Bình, TPHCM) đã chi gần hai triệu đồng mua trọn bộ sách giáo khoa cho hai con.

Anh Quang chia sẻ: “Cuối năm học, con mang về tờ đăng ký mua sách giáo khoa. Chúng tôi không biết sách nào cần thiết, sách nào không nên đành đăng ký trọn bộ. Hai cháu cách xa tuổi nhau lại không học cùng chương trình nên năm nào cũng phải mua mới”.

Ông bố 39 tuổi kể, từ khi cháu thứ 2 vào lớp Một, gia đình phải cắt giảm một số khoản chi để dành dụm tiền cho việc học tập của các con. Vì đã đầu tư cho sách giáo khoa, anh Quang không đăng ký mua đồng phục mới cho con hàng năm. Thay vào đó, cháu nhỏ sẽ mặc đồng phục cũ của anh trai bằng cách cắt logo trường cũ và thêu logo trường mới.

Anh Quang cũng dự tính sang tháng 7 sẽ cho các con về quê ở Nam Định nghỉ hè, thay vì đi du lịch như mọi năm để tiết kiệm chi phí nhưng con vẫn có không gian vui chơi. “Sau dịch Covid-19, kinh tế chưa hồi phục, giá cả lại tăng cao nên vợ chồng tôi phải chuyển số tiền dành để du lịch, vui chơi sang sắm sửa đồ dùng cho các con vào năm học mới. Trước mắt, tôi sẽ nhận dạy lái xe ô tô vào cuối tuần để tăng thu nhập cho gia đình”, anh Quang suy tính.

Danh mục sách giáo khoa lớp 2 của Trường Tiểu học Phúc Đồng, Hà Nội. Ảnh: PHCC

Danh mục sách giáo khoa lớp 2 của Trường Tiểu học Phúc Đồng, Hà Nội. Ảnh: PHCC

Những cuốn sách nằm không

Từng dạy học sinh theo CT GDPT mới lẫn CT GDPT hiện hành (2006), cô Nguyễn Thị Thao, giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội nhận thấy phụ huynh có con học CT GDPT mới có nhiều ý kiến về sách giáo khoa so với phụ huynh có con theo CT năm 2006. Lý giải điều này, cô Thao cho biết phụ huynh có con theo CT năm 2006 đã quen việc mua trọn bộ sách giáo khoa. Nếu không đồng tình với cách đăng ký của trường, họ chủ động mua ngoài vì sách khá phổ biến trên thị trường.

Nhưng trong danh mục “đóng gói” sách theo CT GDPT mới, nhiều đầu mục được thêm vào như vở tập viết, vở bài tập, tài liệu giáo dục địa phương, sách bổ trợ... nên giá nhỉnh hơn. Khi phụ huynh thắc mắc về tính ứng dụng của chúng, cô Thao thường giải đáp: “Số sách này sẽ được dạy trong tiết hoạt động tập thể. Khi nào dùng đến, cô sẽ nhắc các con mang đi”.

Nhiều người có thể chưa hài lòng nhưng họ vẫn đăng ký vì giáo viên “gợi ý” rằng sách khó tìm mua, hay khan hàng và sẽ có lúc cần đến trong năm học. Giáo viên các lớp đều được ban giám hiệu giao nhiệm vụ nên chỉ còn biết cách giải thích chung chung miễn sao phụ huynh đồng ý mua.

“Trong năm học, giáo viên sẽ cố gắng tận dụng tối đa số sách mà các phụ huynh đã mua. Đến cuối năm, chúng tôi hỏi xin gia đình sách cũ còn giá trị sử dụng để tặng lại cho thư viện trường, trò có hoàn cảnh khó khăn hoặc trường vùng khó”, cô Thao bày tỏ.

Trước tình trạng nhập nhèm sách giáo khoa và sách tham khảo, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu hiệu trưởng các trường thông báo danh mục sách giáo khoa đã được phê duyệt công khai, minh bạch đến giáo viên, học sinh, phụ huynh. Sở cũng yêu cầu các phòng giáo dục và đơn vị trực thuộc tổ chức đăng ký đặt mua theo nhu cầu trên tinh thần tự nguyện của học sinh, cha mẹ.

Còn tại Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng, tỉnh Lào Cai, nhà trường không ép buộc, gợi ý học sinh mua sách ngoài danh mục sách giáo khoa do UBND tỉnh phê duyệt. Cô Ma Thị Xuân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ban giám hiệu nhà trường cùng với các tổ bộ môn rà soát đầu sách theo từng môn học. Nhà trường thống nhất chỉ bán sách giáo khoa, không bán kèm sách bài tập, sách tham khảo, nhất là với Chương trình GDPT 2018, do số sách này không còn phù hợp.

Ngày 10/6, Bộ GD&ĐT ban hành Chỉ thị số 643 về việc sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường không lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác; đồng thời, quán triệt không vận động, tư vấn để phụ huynh mua những xuất bản phẩm ngoài sách giáo khoa trong danh mục đã được phê duyệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ