Tuy nhiên, việc Ủy ban ATGT quốc gia yêu cầu gắn trách nhiệm hiệu trưởng nếu xảy ra TNGT với học sinh, sinh viên đang nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Ai cho học sinh đi xe phân khối lớn?
Điều tra của Ủy ban ATGT quốc gia cho thấy: Gần 80% số người bị xử lý vi phạm khi tham gia giao thông có độ tuổi từ 16 - 35. Trong đó, khoảng 80% là học sinh, sinh viên khi đi xe máy không có Giấy phép lái xe; 95% điều khiển xe sai kỹ thuật. Đặc biệt, nhiều học sinh THCS, THPT không có giấy phép lái xe vẫn sử dụng xe máy phân khối lớn đến trường.
Để ngăn ngừa, hạn chế các vụ TNGT thương tâm xảy ra với học sinh, Ủy ban ATGT quốc gia đã yêu cầu Bộ GD&ĐT chỉ đạo các Sở GD&ĐT yêu cầu các trường học phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em tự giác chấp hành quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, không chở quá số người quy định. Không điều khiển mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe… kiên quyết xử lý kỷ luật đối với học sinh, sinh viên điều khiển mô tô, xe gắn máy không có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi.
Đặc biệt, sau vụ tai nạn khiến 2 học sinh THCS ở Hà Tĩnh tử vong, 2 HS bị thương nặng, Ủy ban ATGT quốc gia yêu cầu Chủ tịch UBND (kiêm Trưởng ban ATGT) các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ sở giáo dục tiếp tục đưa nội dung giáo dục pháp luật về trật tự ATGT là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm. Yêu cầu người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức kiểm tra việc thực hiện cam kết giữa gia đình và nhà trường trong công tác giáo dục và bảo đảm trật tự ATGT cho học sinh. Gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ sở giáo dục để xảy ra TNGT liên quan đến học sinh, sinh viên, xử lý trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân vi phạm.
Tuy nhiên, yêu cầu trên của Ủy ban ATGT quốc gia vấp phải nhiều phản ứng của các hiệu trưởng. Bởi họ cho rằng, nhà trường chỉ có thể chịu một phần trách nhiệm với học sinh của mình khi đến trường, khi các em về nhà, tham gia hoạt động xã hội, trách nhiệm chính phải từ phía gia đình, cha mẹ các em học sinh. Hơn nữa, nhà trường không thể cấm HS điều khiển phương tiện phân khối lớn khi chính gia đình, cha mẹ đồng ý, cung cấp cho các em.
Gắn trách nhiệm hiệu trưởng: Chưa thuyết phục
NGƯT Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng: TNGT là sự cố xảy ra ngoài sự mong muốn của mọi người. TNGT xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau (do ý thức không chấp hành Luật Giao thông của một bên hoặc các bên tham gia giao thông), yếu tố khách quan khác như cầu, đường xuống cấp, tai nạn do tác nhân thứ 3 gây ra mà mình bị “vạ lây”. Do đó, theo tôi, yêu cầu trên đây của Ủy ban ATGT quốc gia về trách nhiệm của hiệu trưởng các cơ sở giáo dục nói chung không có cơ sở, không hợp lý.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể, nếu TNGT do lỗi không chấp hành Luật Giao thông của học sinh, sinh viên một trường nào đó, mà trường này không có tổ chức giảng dạy, giáo dục về ý thức chấp hành Luật Giao thông khi tham gia giao thông cho trò thì hiệu trưởng cũng có một phần trách nhiệm. Hay việc quản lý lỏng lẻo để học sinh chưa đủ tuổi vô tư đi xe mô tô phân khối lớn đến trường rồi gây tai nạn, tất nhiên hiệu trưởng cũng phải chịu một phần trách nhiệm.
“Có thể với đề nghị trên, Ủy ban ATGT quốc gia muốn yêu cầu từng cơ sở giáo dục phải có trách nhiệm và quan tâm hơn đến việc giảng dạy, giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông cho học sinh, sinh viên. Nhưng yêu cầu người đứng đầu từng cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm khi xảy ra TNGT cho học sinh, sinh viên (nói chung) là không nên, vì không hợp lý” – NGƯT Nguyễn Văn Ngai nói.
ThS Trần Thành Đức - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Quốc tế Khôi Việt (quận Thủ Đức) cũng nhìn nhận yêu cầu trên của Ủy ban ATGT quốc gia khá khiên cưỡng khi chẳng có luật lệ nào cho phép nhà trường cấm học sinh, sinh viên trên 18 tuổi không được đi xe máy đi học.
“Việc cấm hoặc yêu cầu học viên, sinh viên không đi xe máy đi học là vi hiến, vi phạm quyền tự do cá nhân, tự do công dân. Khi họ đủ tuổi chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình thì không thể cấm mà chỉ có thể tuyên truyền cho họ hiểu. Do đó, tôi thấy yêu cầu của Ủy ban ATGT quốc gia gắn trách nhiệm hiệu trưởng khi học sinh, sinh viên bị TNGT không hợp lý. Ví dụ, một sinh viên về quê chạy xe không may vấp ổ gà, ổ voi bị TNGT nghiêm trọng dù em đó có bằng lái xe, chạy đúng quy định ATGT, tôi cũng phải chịu trách nhiệm sao?” – ThS Trần Thành Đức nói.
Việc học sinh sử dụng xe gắn máy 100 cm3 để đi học khi chưa có bằng lái là vi phạm Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008. Tuy nhiên, rất khó để quy trách nhiệm cho nhà trường khi học sinh sử dụng xe gắn máy ngoài trường. Đặc biệt là phải chịu trách nhiệm khi học sinh bị TNGT vì không có luật nào quy định điều đó. Luật sư Lê Bá Thường, Đoàn Luật sư TPHCM