Gắn kết doanh nghiệp - nhà trường bền vững: Khi áp lực và động lực song hành

GD&TĐ - “Cách đây 3 năm, một số anh tài công nghệ thông tin (CNTT) hay nói về công nghệ smart, nhưng bây giờ họ không nhắc đến nữa, vì điều này đã trở thành… bình thường. Nếu các nhà trường cách đây 3 năm đào tạo về công nghệ này, thì nay SV ra trường sẽ khó hòa nhập vào thị trường lao động vì tụt hậu. Để thấy nhà trường - doanh nghiệp cần có sự hợp tác chặt chẽ, dự báo được nhu cầu nhân lực, ngành nghề đào tạo” - một giám đốc công ty CNTT chia sẻ khi nói về tầm quan trọng của mối quan hệ gắn kết doanh nghiệp - nhà trường hiện nay.  

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp trong khuôn khổ tọa đàm
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp trong khuôn khổ tọa đàm

Cung - cầu lao động ngành CNTT: Vênh!

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), hiện cả nước có 153 cơ sở GD có đào tạo về CNTT, mỗi năm có gần 35.000 SV ra trường. Trong khi đó số lượng việc làm ngành phần mềm và dịch vụ CNTT cả nước hàng năm tăng khoảng 30.000 lao động. Dự báo của Vietnamworks cho thấy, tới năm 2020, nước ta còn thiếu 400.000 lao động CNTT và mỗi năm cần cung ứng mới tới 78.000 lao động.

Vậy nhưng, trong số 35.000 SV ngành CNTT ra trường mỗi năm, chỉ có khoảng 30% SV làm việc ở các doanh nghiệp về CNTT, số còn lại làm chuyên môn về CNTT ở các đơn vị, cơ quan khác. Nguyên nhân được các chuyên gia chỉ rõ: Có độ vênh giữa đào tạo trong nhà trường và sử dụng nhân lực ở doanh nghiệp.

Theo PGS.TS Trần Thị Thái Hà - Viện Khoa học GD Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng “vênh” này đến từ nhiều phía: Do các trường ĐH chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội, trách nhiệm giải trình thấp; tính kết nối còn yếu do thiếu thông tin, thiếu động lực và năng lực. Do SV và cha mẹ SV còn thụ động, lúng túng trong chọn trường, khó tìm việc; chưa sẵn sàng cho tương lai, thiếu thông tin, thiếu định hướng và chưa được trang bị kỹ năng mềm tốt.

Về phía các doanh nghiệp thì thiếu lao động có kỹ năng phù hợp, thiếu thông tin từ phía cung là các cơ sở đào tạo, trong khi lại tham gia yếu vào quá trình này. Các cơ quan bộ/ngành còn gặp khó khăn về quản lý và đưa ra chiến lược, chính sách thúc đẩy hiệu quả phát triển nguồn nhân lực.

Tạo hệ sinh thái gồm ít nhất 3 nhà

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT, đồng thời đáp ứng được số lượng và chất lượng - đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao - mà các doanh nghiệp đang cần, mới đây, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ TT-TT mở một cuộc tọa đàm, quy tụ nhiều chuyên gia CNTT hàng đầu, các cơ sở đào tạo CNTT, doanh nghiệp trong và ngoài nước và các nhà quản lý.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, việc kết nối giữa doanh nghiệp với trường ĐH và các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tạo ra một hệ sinh thái gồm ít nhất 3 nhà: Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp.

 

Sự kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường phải trở thành nhu cầu tự thân: Các trường cung cấp nguồn nhân lực, các doanh nghiệp nhìn trường như các bạn hàng. Hai bên đến với nhau có động lực cùng lợi ích và áp lực nếu không hợp tác thì không tồn tại. Chỉ khi nào áp lực và động lực song hành, khi đó sẽ có sự gắn kết bền vững. Nếu không, sự gắn kết doanh nghiệp và nhà trường sẽ rơi vào phong trào.

 
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Nhà nước là các bộ chuyên ngành tạo môi trường thể chế chính sách thuận lợi, để cho các trường ĐH và các doanh nghiệp hợp tác với nhau; Các trường ĐH phải thay đổi căn bản tư duy, chuyển từ quản lý sang quản trị, tiếp cận thị trường, cung ứng các dịch vụ CNTT, đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng và phát triển mạnh đổi mới sáng tạo, gắn kết với doanh nghiệp để tạo ra một hệ sinh thái, trong đó thay đổi phương thức đào tạo, bồi dưỡng, NCKH chuyển giao công nghệ. Còn các doanh nghiệp phải coi đây là một cơ hội, động lực. Như vậy, giữa doanh nghiệp và các trường ĐH đều phải có một lợi ích chung, có một động lực là cùng có lợi; có một áp lực chung là nếu không hợp tác tốt với nhau thì cả hai bên đều bị tụt hậu.

Trong quá trình làm việc tạo ra một hệ sinh thái cộng sinh, sẽ hình thành văn hóa làm việc nhóm, chia sẻ, hỗ trợ nhau, thậm chí là văn hóa cạnh tranh. Còn các cơ quan bộ/ngành có trách nhiệm vừa kiến tạo, vừa gỡ vướng, gỡ khó khăn cho họ.

“Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện rất quyết liệt để từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Chúng tôi tin rằng khi Luật GD ĐH sửa đổi ban hành, thực hiện tự chủ ĐH, các trường ĐH phải đổi mới rất căn bản từ tư duy quản lý sang tư duy quản trị nhà trường, lấy hiệu quả làm thước đo, lấy thị trường để theo đuổi” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Hai Bộ đồng lòng, tuy 2 mà 1

Lắng nghe những chia sẻ của các cơ sở đào tạo, ý kiến của các chuyên gia tại buổi tọa đàm, thay mặt Bộ GD&ĐT và Bộ TT-TT, Thứ trưởng Lê Hải An cho biết thời gian tới, hai Bộ sẽ tập trung vào một số giải pháp chính sách: Cùng nhau hỗ trợ và xây dựng những chuẩn nguồn nhân lực CNTT; tới đây Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng, cập nhật và khuyến khích các trường dùng chuẩn ngành để đổi mới chương trình đào tạo.

Bên cạnh đó, tăng cường giám sát về chất lượng đào tạo, điều kiện bảo đảm chất lượng đội ngũ giảng viên… trong đó đặc biệt chú trọng các ngành về CNTT. Đồng thời tạo môi trường cạnh tranh cho các trường, hỗ trợ bên thứ ba đánh giá, xếp loại các cơ sở giảng dạy về CNTT để có được một phản biện nhìn từ góc độ doanh nghiệp và xã hội.

Về kết nối doanh nghiệp và các nhà trường, hai Bộ sẽ tạo các cơ chế chính sách và bảo trợ cho các hiệp hội như Hiệp hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng các điển hình, cẩm nang hỗ trợ cho các doanh nghiệp và trường đào tạo CNTT nhằm thiết lập những mối quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi ngoài các trường.

Đặc biệt, Bộ GD&ĐT và Bộ TT-TT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để có những quy định thuận lợi nhất trong việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT, đặc biệt là nguồn nhân lực công nghệ cách mạng 4.0.

Cơ quan quản lý Nhà nước đã đồng lòng hỗ trợ sự gắn kết nhà trường, doanh nghiệp. Về phía nhà trường cũng cần lưu ý đã thực hiện tự chủ ĐH thì chủ động đổi mới các chương trình đào tạo, đặc biệt là các ngành CNTT để làm sao xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, chú trọng đến kết nối, tăng đào tạo thực tế tại các doanh nghiệp cho SV. Phải kiểm định chương trình đào tạo CNTT, đặt nhiệm vụ này lên hàng đầu.

Cần lưu ý, các trường phải khuyến khích SV cũng như công nhận một số chương trình quốc tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thay thế các chương trình đào tạo hiện có; tăng cường đào tạo ngoại ngữ, tập trung đào tạo chương trình ngoại ngữ, kỹ năng mềm cho SV.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ