Hai Bộ đồng lòng tạo sự “đồng pha” phát triển nhân lực chất lượng cao ngành ICT

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An phát biểu tại chương trình tọa đàm
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An phát biểu tại chương trình tọa đàm

Cung – cầu nhân lực ICT chất lượng cao: Thiếu hụt, chưa “đồng pha”

Theo Thứ trưởng Lê Hải An, các ý kiến phát biểu tại tọa đàm cho thấy xu hướng phát triển cũng như vai trò quan trọng của nguồn nhân lực ICT trình độ cao đối với năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh 4.0 hiện nay.

Các ý kiến cũng cho thấy sự thiếu hụt, chưa đồng pha giữa cung và cầu nhân lực ICT chất lượng cao của Việt Nam cả về số lượng và chất lượng; nhu cầu đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ cao ICT chưa bao giờ cấp thiết như bây giờ.

Bên cạnh đó, có thể thấy nhu cầu xây dựng mối quan hệ đối tác hữu cơ bền vững giữa doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học trong phát triển nguồn nhân lực và chưa nhìn thấy sự tham gia sâu của doanh nghiệp trong xây dựng chương trình đào tạo. Từ đó nhìn thấy rõ sự cần thiết của nhu cầu xây dựng hệ sinh thái kết nối cung - cầu, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đặc biệt là sự tương tác giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Đại diện các doanh nghiệp, trường ĐH thảo luận tại chương trình tọa đàm
 Đại diện các doanh nghiệp, trường ĐH thảo luận tại chương trình tọa đàm

3 lưu ý với các trường đào tạo ngành ICT

Bộ GD&ĐT ghi nhận các trường mong muốn được tạo điều kiện để có thể mở các ngành đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 như big data; cùng đó, mong muốn tăng cường hơn nữa kết nối doanh nghiệp để khuyến khích và tạo môi trường khởi nghiệp cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên theo chuyên ngành ICT.
Thứ trưởng Lê Hải An

Từ những ý kiến tại tọa đàm, Thứ trưởng Lê Hải An đưa ra một số vấn đề lưu ý các trường cần thực hiện trong thời gian tới:

Thứ nhất, đã thực hiện tự chủ đại học thì chủ động đổi mới các chương trình đào tạo, đặc biệt là các ngành ICT để làm sao xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, chú trọng đến kết nối, tăng đào tạo thực tế tại các doanh nghiệp cho các sinh viên. 

Thứ hai, phải kiểm định chương trình đào tạo ICT, đặt nhiệm vụ này lên hàng đầu.

Thứ ba, từ góc độ của doanh nghiệp, các trường phải khuyến khích sinh viên cũng như công nhận một số chương trình quốc tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thay thế các chương trình đào tạo hiện có. Một sự thiếu hụt được các doanh nghiệp nêu ra là cần tăng cường đào tạo ngoại ngữ, tập trung đào tạo chương trình ngoại ngữ, kỹ năng mềm.

Từ trái sang: Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Thứ trưởng Lê Hải An tại chương trình tọa đàm
Từ trái sang: Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Thứ trưởng Lê Hải An tại chương trình tọa đàm 

Giải pháp chính sách từ hai Bộ

Thứ trưởng Lê Hải An nêu rõ về phía hai Bộ GD&ĐT và Bộ TTTT sẽ tập trung vào một số giải pháp chính sách:

Thứ nhất, cùng nhau hỗ trợ và xây dựng những chuẩn nguồn nhân lực ICT; tới đây Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng, cập nhật và khuyến khích các trường dùng chuẩn ngành để đổi mới chương trình đào tạo.

Thứ hai, tăng cường giám sát về chất lượng đào tạo, điều kiện đảm bảo chất lượng đội ngũ giảng viên… trong đó đặc biệt chú trọng các ngành về ICT.

Thứ ba, tạo môi trường cạnh tranh để các trường tạo môi trường cạnh tranh, hỗ trợ các bên thứ ba để đánh giá, xếp loại các cơ sở giảng dạy về ICT để có được một phản biện nhìn từ góc độ doanh nghiệp và xã hội.

Thứ tư, về kết nối doanh nghiệp và các nhà trường, hai Bộ sẽ tạo các cơ chế chính sách và bảo trợ cho các hiệp hội như Hiệp hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng các điển hình, cẩm nang hỗ trợ cho các doanh nghiệp và trường đào tạo ICT nhằm thiết lập những mối quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi ngoài các trường.

Bộ GD&ĐT và Bộ TTTTT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để có những quy định thuận lợi nhất trong việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ICT, đặc biệt là nguồn nhân lực công nghệ cách mạng 4.0.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.