Hướng tới hệ sinh thái cộng sinh với 3 “nhà”

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi với đại diện các trường ĐH, doanh nghiệp tại Triển lãm trong Chương trình Tọa đàm Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao, gắn kết cơ sở GD ĐH – doanh nghiệp
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi với đại diện các trường ĐH, doanh nghiệp tại Triển lãm trong Chương trình Tọa đàm Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao, gắn kết cơ sở GD ĐH – doanh nghiệp

Bước khởi đầu mở ra nhiều chuỗi kết nối

Qua diễn đàn này, chúng tôi đánh giá rất cao các doanh nghiệp và các trường ĐH đã chia sẻ và có quyết tâm đổi mới phương thức tổ chức đào tạo, nghiên cứu chuyển giao công nghệ và hợp tác với nhau như những bạn hàng. Tôi tin rằng đây là bước khởi đầu, mở ra nhiều chuỗi kết nối.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

- Bộ trưởng kỳ vọng gì về kết quả của Chương trình tọa đàm hôm nay?

* Một trong những mục đích rất quan trọng của diễn đàn này là nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT, đáp ứng được số lượng nhân lực CNTT mà các doanh nghiệp đang cần. Quan trọng là nâng cao chất lượng.

Thông qua việc kết nối giữa doanh nghiệp với trường ĐH và các cơ quan quản lý nhà nước tạo ra một hệ sinh thái gồm ít nhất 3 nhà: Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp.

Nhà nước là các bộ chuyên ngành tạo môi trường thể chế chính sách thuận lợi, để cho các trường ĐH và các doanh nghiệp hợp tác với nhau;

Các trường ĐH phải thay đổi căn bản tư duy, chuyển từ quản lý sang quản trị, tiếp cận thị trường, cung ứng các dịch vụ CNTT, đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng và phát triển mạnh đổi mới sáng tạo, gắn kết với doanh nghiệp để tạo ra một hệ sinh thái, trong đó thay đổi phương thức đào tạo, bồi dưỡng, NCKH chuyển giao công nghệ.

Các doanh nghiệp cũng vậy, phải coi đây là một cơ hội, động lực.

Như vậy, giữa doanh nghiệp và các trường ĐH đều phải có một lợi ích chung, có một động lực là cùng có lợi; có một áp lực chung là nếu không hợp tác tốt với nhau thì cả hai bên đều bị tụt hậu.

Với các cơ quan quản lý nhà nước - cụ thể là Bộ GD&ĐT - cũng phải thay đổi các cơ chế chính sách sao cho linh hoạt, phù hợp với thực tế để khắc phục được những nút thắt, những quy định không còn phù hợp với phát triển nguồn nhân lực nói chung, trong đó có nhân lực ngành CNTT.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi với báo chí bên lề Chương trình tọa đàm
 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi với báo chí bên lề Chương trình tọa đàm

“Chúng tôi sẽ cùng nhau tạo ra cách làm mới!

- Trong thực tế, vấn đề kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường đã được nói đến từ lâu mà vẫn chưa được cải thiện. Theo Bộ trưởng, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

* Kết nối giữa 3 nhà: Nhà nước, Nhà trường, Doanh nghiệp đã được đề cập đến và thực tế có nhiều ký kết với nhau nhưng chưa hiệu quả.

Nguyên nhân trước hết phải nói đến tư duy còn nặng về bao cấp, phong trào, xin – cho, chưa thực sự là tư duy động lực và áp lực. Tất cả các bên phải thấy được đến với nhau là vì lợi ích và cùng có lợi; đồng thời cũng có áp lực là nếu không đến với nhau thì không tồn tại được. Như vậy sẽ có một áp lực rất lớn và động lực rất mạnh từ thị trường.

Thứ hai, về cơ chế chính sách chưa theo kịp những đổi mới về đào tạo và hợp tác với doanh nghiệp.

Thứ ba, năng lực quản trị nhà trường, năng lực thực tế thực hành của thầy và trò cũng như điều kiện đảm bảo chất lượng các phòng thí nghiệm, thực hành, phương thức tổ chức…

Vừa qua, Luật GD ĐH sửa đổi một số điều, tới đây Nghị định về tự chủ ĐH, Nghị định thi hành chi tiết một số điều của Luật GD ĐH sửa rồi, Bộ GD&ĐT đã ban hành, rà soát rất nhiều thông tư nhằm tạo ra một thể chế tốt cho các trường ĐH và doanh nghiệp gắn kết với nhau, trong đó có ngành ICT.Đặc biệt là cơ chế đổi mới theo hướng tăng cường thực hành, tạo ra mối quan hệ hợp tác giữa trường ĐH với doanh nghiệp, như hình ảnh Trường ĐH Y gắn với bệnh viện.

Các thầy cô giáo, HS - SV phải gắn với môi trường thực tế; bản thân doanh nghiệp cũng phải coi các trường ĐH, các SV là một tài sản của mình. Có như vậy, hai bên mới đến được với nhau. Nếu chỉ bằng hảo tâm, cho SV một số học bổng hay cho các em đi thực tập không thì chưa thiết thực. Đợt này chúng tôi sẽ cùng nhau tạo ra một cách làm mới.

Chỉ khi nào doanh nghiệp, trường ĐH đến với nhau một cách tự thân, các cơ quan quản lý nhà nước xem đấy là trách nhiệm của mình phải đồng hành thì lúc đấy mới tạo được một hệ sinh thái cộng sinh. Nhà nước có tác động và tạo một môi trường thể chế tốt vừa kiến tạo, vừa gỡ các nút thắt, gỡ những bất cập cho nhà trường và doanh nghiệp.  

Ví dụ như quy chế tài chính phải đổi mới để các thầy, cô, các doanh nghiệp có một quỹ Khoa học Công nghệ, các quỹ, dùng nguồn thu sự nghiệp đấy để tái đầu tư và khuyến khích phát triển. Hoặc có những khuyến khích về thuế như giảm thuế để tạo ra động lực.

Hay đối với SV có năng lực về CNTT tham gia khởi nghiệp - không phải tạo ra một công việc cho họ mà tạo ra rất nhiều việc cho người khác. Chúng tôi khuyến khích các trường đi theo hướng đào tạo SV ra trường tạo việc làm cho người khác thông qua các hình thức khởi nghiệp. Ý tưởng đổi mới của SV phải được khơi dậy, kết nối, lan tỏa khát vọng trong lớp trẻ. Đây là vấn đề vừa trước mắt, vừa lâu dài.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Chương trình tọa đàm
 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Chương trình tọa đàm

Trường ĐH phải đổi mới từ tư duy quản lý sang tư duy quản trị

- Thưa Bộ trưởng, ở Việt Nam trường ĐH đào tạo nhân lực, doanh nghiệp sử dụng nhân lực nhưng lại không gắn cụ thể với một trường nào, hai bên vẫn tách biệt nhau. Vậy làm thế nào để tạo ra được sự cộng sinh như Bộ trưởng vừa đề cập?

* Điều này phải có quá trình. Ngay cả các nước phát triển như Mỹ cũng phải có quá trình rất dài để hình thành văn hóa phối hợp giữa doanh nghiệp và trường ĐH. Việt Nam đang bắt đầu hình thành văn hóa gắn kết giữa nhà trường – doanh nghiệp. Bây giờ làm sao phải đẩy nhanh và phát triển bền vững văn hóa gắn kết này. Chương trình tọa đàm hôm nay cũng là một trong những biện pháp. Nhưng điều chính yếu là sự gắn kết phải diễn ra trong môi trường thực tiễn. Các doanh nghiệp luôn đi trước một bước theo hướng thực tế, hiệu quả, còn các trường ĐH thường chậm hơn.

Nhưng tới đây, bản thân các trường ĐH và doanh nghiệp phải gắn kết với nhau. Trong quá trình làm việc tạo ra một hệ sinh thái cộng sinh, hình thành văn hóa làm việc nhóm, văn hóa chia sẻ, văn hóa hỗ trợ nhau, thậm chí là văn hóa cạnh tranh. Còn các cơ quan Bộ/ngành có trách nhiệm vừa kiến tạo, vừa gỡ vướng, gỡ khó khăn cho họ.

- Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ có những giải pháp gì để tăng cường kết nối nhà trường, doanh nghiệp, thưa Bộ trưởng?

* Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện rất quyết liệt để từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao. Chúng tôi tin rằng khi Luật GD ĐH sửa đổi ban hành, thực hiện tự chủ ĐH, các trường ĐH phải đổi mới rất căn bản từ tư duy quản lý sang tư duy quản trị nhà trường, lấy hiệu quả làm thước đo, lấy thị trường để theo đuổi.

Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát một cách mạnh mẽ để tháo gỡ những nút thắt, đồng thời tạo ra những định hướng để nhà trường tốt lên. Tôi tin rằng sẽ có sự chuyển biến.

Ngày 13/4, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNN tổ chức một tọa đàm về công nghệ cao trong ngành nông nghiệp. Tiếp đó, Bộ GD&ĐT phối hợp với TP Hồ Chí Minh tổ chức một chuyên đề về du lịch. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.