Nạn bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em chưa được giải quyết triệt để
Theo báo cáo của Bộ Công an, ở Việt Nam, năm 2018 cả nước xảy ra 1.547 vụ xâm hại trẻ em, với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em (1.293 em bị xâm hại tình dục (XHTD). Năm 2017: 1.592 vụ, 1.757 đối tượng, 1.642 trẻ em (1.397 em bị XHTD).
Tại Việt Nam, 68,4% trẻ em từng bị cha mẹ, người chăm sóc bạo lực tại nhà, xếp thứ 27 trên 75 quốc gia (nguồn UNICEF). Bạo lực học đường diễn ra ngày càng nhiều, học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học, thầy cô giáo có hành vi bạo lực đối với học sinh.Có nhiều vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận.
Trong số các ca can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục thông qua Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) năm 2017 và 2018, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi:người quen, hàng xóm là 59,06%; người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ...) là 21,12%; giáo viên, nhân viên nhà trường là 6,03%; các đối tượng khác là 13,79%.
Bà Nguyễn Thị Nga chia sẻ tại Hội thảo |
Bà Nguyễn Thị Nga (Phó cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng nguyên nhân do bất bình đẳng giới, bất bình đẳng kinh tế, nghèo khó và các quan niệm ủng hộ bạo lực, xâm hại (như vợ không tố cáo chồng xâm hại tình dục con đẻ, con riêng). Trong trường học và gia đình, sử dụng bạo lực vẫn được coi như một phương pháp giáo dục.
Bàn về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho hay, công tác bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng vẫn còn những thách thức. Trung bình mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, việc giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em chưa quyết liệt, kịp thời và thường xuyên nên những vấn đề nóng về trẻ em, trong đó có nạn bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em chưa được giải quyết triệt để.
Cần tăng cường khuôn khổ pháp lý
Vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em là vấn nạn toàn cầu, có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh mạng internet, mạng xã hội ngày càng được nhiều người sử dụng.
Để thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ, cần thiết phải xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, cần đẩy mạnh hệ thống bảo vệ trẻ em nhằm chấm dứt BLTE. Khuyến nghị xây dựng Chương trình Quốc gia phòng chống bạo lực trẻ em cũng được trình bày tại Hội thảo, bao gồm: Cải thiện khung pháp lý; Tăng cường các dịch vụ bảo vệ trẻ em; Tăng cường các dịch vụ bảo vệ trẻ em.
Trong đó, mục tiêu cao nhất của Chương trình quốc gia là bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức xâm hại, bạo hành. Yêu cầu phải có các mục tiêu cụ thể chia theo giai đoạn trước mắt và tầm nhìn đến 2030 phù hợp với các chương trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; có khung giám sát, đánh giá và có tính toán ngân sách thực hiện.
Chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em ở khu vực và quốc tế, bà Lesley Miller, Phó Trưởng Đại diện Unicef cho biết, gần đây ở Việt Nam có các vụ xâm hại trẻ rất nghiêm trọng, từ xâm hại tình dục đến bạo lực học đường.
Con số 68,4% trẻ em từng ít nhất một lần bị bạo lực dưới một trong vài hình thức, từ bị đánh đập, xâm hại thân thể đến xâm hại tình dục... theo như báo cáo "cũng chỉ là phần nổi của tảng băng, bởi ở Việt Nam vẫn có nhiều vụ việc không được báo cáo", theo bà Miller. Vì thế, đây là thời điểm quan trọng đối với Việt Nam để tạo ra kế hoạch, tác động tích cực đến công tác bảo vệ trẻ em.
Bà Miller - Phó Trưởng Đại diện Unicef |
Bà Miller lưu ý rằng bạo lực, xâm hại gây tác động xấu đến trẻ em, đặc biệt là sức khỏe tâm thần, kết quả học hành của trẻ cũng bị ảnh hưởng nặng nề… Để xây dựng kế hoạch hành động quốc gia, Phó Trưởng Đại diện Unicef cho rằng trước tiên phải tăng cường khuôn khổ pháp lý, sửa Luật trẻ em để mọi trẻ em dưới 18 tuổi đều được bảo vệ trước mọi hành vi bạo lực, xâm hại.
Bên cạnh đó là tăng cường hệ thống an sinh xã hội, có chương trình đào tạo cho cán bộ làm công tác xã hội. Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ phải vào cuộc quyết liệt hơn. Xây dựng hệ thống, kế hoạch bảo vệ trẻ em hiệu quả cũng cần có sự lồng ghép vào chiến lược của các ngành và chương trình an sinh xã hội tổng thể của quốc gia.