Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ, ngày 18/4, tại Hà Nội, Bộ LĐ,TB&XH phối hợp với UNICEF tổ chức Hội thảo “Xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”.
Tham dự hội thảo có bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, bà Rachel Harvey - cố vấn bảo vệ trẻ em Văn phòng UNICEF khu vực, bà Lesley Miller - Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, đại diện các Bộ, ban, ngành và các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội.
Mỗi năm khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Hà cho biết: Việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã được quy định trong văn bản pháp lý cao nhất của Nhà nước Việt Nam.
Điều 37 Hiến pháp năm 2013 quy định: Trẻ em được Nhà nước, gia đình, xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á, và là thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và năm 2019, Việt Nam kỷ niệm 30 năm gia nhập Công ước.
Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững có nội dung rất rộng lớn với cách tiếp cận đa chiều. Chính phủ Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện đầy đủ 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, trong đó có yêu cầu phòng ngừa và giảm đáng kể tình trạng xâm hại, bóc lột, mua bán và tất cả các hình thức bạo lực trẻ em (Mục tiêu 16.2 của Chương trình Nghị sự 2030).
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã cam kết giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em thông qua ban hành hệ thống pháp luật, chính sách nhằm phòng ngừa và chấm dứt bạo lực, xâm hại trẻ em.
Toàn cảnh hội thảo. |
Việt Nam cũng đang triển khai Luật trẻ em, Nghị định số 56/2017, Nghị định số 80/2017, các Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ liên quan tới bảo vệ trẻ em như: Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 – 2020; Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 – 2020, trong đó có dự án: Phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em; Chỉ thị số 18 về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em;
Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 đã phát huy hiệu quả trong việc tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và kết nối hỗ trợ, can thiệp đối với từng trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại.
Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, công tác bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng vẫn còn những thách thức, khó khăn.
Trung bình mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp. Tính chất của các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng.
Trẻ em bị bạo lực, xâm hại với nhiều độ tuổi, xảy ra ngay trong môi trường gia đình hoặc trường học, do nhiều đối tượng gây ra, trong đó có cả chính người thân trong gia đình, giáo viên và bạn bè trong trường học.
Quy định pháp luật, chính sách cụ thể liên quan đến bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn đang trong quá trình rà soát, nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện...
Thiếu các dịch vụ bảo vệ trẻ em
Theo bà Nguyễn Thị Hà, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, đặc biệt ở cấp địa phương, cơ sở chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc và quan tâm đúng mức về công tác bảo vệ trẻ em; thực hiện chưa đầy đủ quy định của pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường chưa được quan tâm đúng mức; các thành viên trong gia đình, giáo viên, học sinh chưa biết rõ các kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực gia đình, học đường; trách nhiệm phát hiện thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em thực hiện chưa đầy đủ.
Thiếu các dịch vụ bảo vệ trẻ em, nguồn lực triển khai không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Công tác giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực thi pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em chưa quyết liệt, chưa kịp thời và chưa thường xuyên nên những vấn đề nóng về trẻ em, trong đó có bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, chưa được các thành viên của tổ chức, cộng đồng dân cư quan tâm, phát hiện và chung tay giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp
Với quan điểm bạo lực học đường là một trong những vấn đề của toàn cầu, ông Bùi Văn Lin - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên cho biết: Vừa qua, tại phòng họp trực tuyến, trụ sở Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến bảo đảm an ninh an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường.
Hội nghị được diễn ra tại 640 điểm cầu Từ trung ương đến các tỉnh, các quận huyên với sự tham gia của khoảng 20 ngàn đại biểu, đây là Hội nghị lớn nhất của ngành Giáo dục từ trước đến nay.
Ông Bùi Văn Linh phát biểu tại Hội thảo. |
Tại Hội nghị đã cùng bàn thảo về kế hoạch phòng chống bạo lực học đường năm 2019... Các đại biểu cùng bàn thảo để tìm nguyên nhân, đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, đẩy lùi bạo lực học đường nói riêng và bạo lực đối với trẻ em nói chung.
Thời gian tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp từ Trung ương đến địa phương, cụ thể như sau như công tác truyền thông; Xây dựng môi trường giáo dục; Tích hợp nội dung giáo dục phòng chống bạo lực học đường và chương trình và các hoạt động giáo dục; Hoàn thiện văn bản; Bồi dưỡng nâng cao năng lực phẩm chất nhà giáo; Kiểm tra, giám sát…
Bà Nguyễn Thị Hà cho biết: Vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em là vấn nạn toàn cầu, có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh mạng internet, mạng xã hội ngày càng được nhiều người sử dụng.
Hội thảo là dịp để chúng ta nghe chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em ở khu vực và quốc tế; thảo luận về cơ chế thúc đẩy, tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em; đề xuất và bàn các giải pháp mang tính đột phá tháo gỡ các khó khăn, thách thức hiện nay trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em để đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong tình hình mới.